WHO: Trung Quốc gây áp lực trong điều tra nguồn gốc Covid-19
Peter Ben Embarek, người dẫn đầu cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong bộ phim tài liệu phát sóng tối 12/8 trên kênh truyền hình Đan Mạch TV2 cho biết các nhà khoa học Trung Quốc trong nhóm đã tìm cách tác động tới báo cáo kết quả điều tra.
"Ban đầu, họ không muốn đưa bất kỳ điều gì về giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào báo cáo, bởi họ cho rằng điều này không có khả năng xảy ra, nên không cần lãng phí thời gian vào đó", Ben Embarek nói. "Chúng tôi kiên quyết đưa vào bởi vì nó là một phần của toàn bộ vấn đề về nguồn gốc virus".
Peter Ben Embarek, trưởng phái đoàn điều tra của WHO, giơ biểu đồ hiển thị đường lây nhiễm nCoV trong buổi họp báo tại Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 9/2. Ảnh: AP.
Trong báo cáo công bố hồi đầu năm, phái đoàn điều tra của WHO và Trung Quốc cho hay "rất khó có khả năng" nCoV vô tình rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán hoặc một phòng thí nghiệm khác trong thành phố, nơi ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Nhóm điều tra chung lúc đó cho hay sẽ không đề nghị điều tra thêm vấn đề này.
Sau cuộc thảo luận kéo dài trước khi kết thúc nhiệm vụ, Ben Embarek cho biết người đồng cấp phía Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý đưa giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào báo cáo "với điều kiện chúng tôi không khuyến nghị thêm bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào để để tìm hiểu sâu hơn về giả thuyết đó".
Khi được hỏi phải chăng từ "cực kỳ khó xảy ra" trong báo cáo là do phía Trung Quốc yêu cầu, Ben Embarek cho hay "đó là mục mà chúng tôi chọn đưa vào cuối cùng", nhưng ông nói thêm điều này không phải là không thể xảy ra, chỉ là khó xảy ra.
Ben Embarek cũng nói thêm một kịch bản tương tự, trong đó nhân viên phòng thí nghiệm vô tình mang virus tới Vũ Hán sau khi thu thập mẫu ở hiện trường, cũng có thể được coi là một giả thuyết "rò rỉ từ phòng thí nghiệm". Kịch bản tương tự là nhân viên này bị nhiễm virus trực tiếp từ dơi, vốn cũng được mô tả là "có khả năng" trong báo cáo.
Ben Embarek dẫn đầu nhóm các nhà khoa học quốc tế tới Trung Quốc hồi tháng 1 để làm việc với giới chức Vũ Hán về nguồn gốc đại dịch, nhưng chuyến đi đã gây tranh cãi ngay từ đầu.
Bắc Kinh trì hoãn phê chuẩn cuộc điều tra của phái đoàn WHO, đẩy lùi thời gian nhóm nghiên cứu có mặt, trong khi một số chuyên gia quốc tế trong nhóm bị chỉ trích vì có liên quan tới nghiên cứu với Trung Quốc.
Khi tới nơi, phái đoàn WHO chỉ có hai tuần tại hiện trường để tiến hành nghiên cứu và buộc phải tuân theo nhiều quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt. Sau khi báo cáo điều tra của nhóm được công bố cuối tháng 3, nó càng ngày càng gây tranh cãi. Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu xem xét 4 kịch bản về cách nCoV lây nhiễm cho người, cho rằng giả thuyết virus lây từ động vật sang người là "nhiều khả năng nhất".
Các kịch bản khác ít khả năng hơn bao gồm virus được nhập khẩu vào Trung Quốc qua thực phẩm đông lạnh, giả thuyết mà chính quyền Trung Quốc lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng bị nhiều chuyên gia quốc tế phản bác.
Ben Embarek và các nhà khoa học trong nhóm đã ám chỉ về áp lực lớn đến từ mọi phía trong suốt hành trình. 60 đồng nghiệp Trung Quốc của nhóm làm việc không chỉ với các nhà khoa học mà còn với quan chức y tế địa phương.
"Chính trị luôn có mặt trong phòng với chúng tôi ở phía bên kia bàn làm việc", ông nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 với tạp chí Science.
Trong thông cáo hôm 12/8 về các giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, WHO nhấn mạnh việc tìm ra nguồn gốc loại virus lần đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, là "cực kỳ quan trọng". WHO yêu cầu Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô và cấp phép kiểm tra lại các mẫu trong phòng thí nghiệm.
WHO cũng cho hay Trung Quốc và một số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc khác đã gửi văn bản lên tổ chức, chất vấn về cơ sở cho việc tìm hiểu sâu hơn về giả thuyết nguồn gốc đại dịch liên quan tới các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Các quốc gia này chỉ trích rằng "nghiên cứu nguồn gốc Covid-19 đã bị chính trị hóa, hoặc WHO hành động do chịu áp lực chính trị".
"Để giải quyết 'giả thuyết phòng thí nghiệm', quan trọng là phải có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu, xem xét phương pháp khoa học tốt nhất và cơ chế mà WHO đã áp dụng. WHO chỉ tập trung vào khoa học, cung cấp giải pháp và xây dựng đoàn kết", tổ chức này tuyên bố.
Nghiên cứu do WHO dẫn đầu chỉ là một phần của các cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 đang diễn ra. Vào cuối tháng này, cộng đồng tình báo Mỹ dự kiến công bố báo cáo về nguồn gốc Covid-19 sau 90 ngày điều tra theo lệnh của Tổng thống Joe Biden. Trung Quốc trong khi đó liên tục phản đối giả thuyết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời đưa ra các giả thuyết rằng virus này có thể bắt nguồn từ nơi khác, trong đó có Mỹ.
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/quan-chuc-who-noi-trung-quoc-gay-ap-luc-trong-dieu-tra-covid-19-4340121.html