Theo phóng viên tại Liên hợp quốc, ngày 28/7, tại New York (Mỹ), tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này đã kỷ niệm Ngày Thế giới đấu tranh phòng, chống bệnh viêm gan.
Thử máu cho một em bé bị nghi nhiễm virus viêm gan C tại bệnh viện ở huyện Guoyang, tỉnh An Huy.
Trong thông điệp gửi các quốc gia thành viên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trực thuộc hệ thống Liên hợp quốc, đã trân trọng ghi nhận những thành công rất đáng khích lệ của các nước trong việc phòng chống căn bệnh, được coi là rất nguy hiểm này đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những thành công to lớn trong việc chữa trị bệnh viêm gan C.
WHO cho biết qua đường lây nhiễm, virus viêm gan đã khiến mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người bị mắc căn bệnh nguy hiểm này, thuộc các thể viêm gan A, B, C, D và E, rồi cướp đi sinh mạng của khoảng 1,4 triệu người trong số đó.
Riêng ở khu vực châu Âu, hiện có khoảng hơn 13 triệu người sống chung với bệnh viêm gan B, và 15 triệu người khác bị viêm gan C, đây cũng là hai thể viêm gan chính đang “ngự trị” Lục địa Già. Tuy nhiên, đa số những người mắc bệnh viêm gan ở đây đều sống ở Đông Âu, Trung Âu, và mỗi năm có không ít hơn 120.000 người không thể qua khỏi. Cũng như khu vực Đông Âu, 2/3 số người mắc bệnh viêm gan ở vùng Trung Á là trẻ em.
Theo đánh giá của WHO, do ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan, trong những năm qua, thế giới đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền, kêu gọi mọi người phòng chống căn bệnh này, đồng thời nhiều biện pháp phòng chống, chữa trị tích cực đã được áp dụng, mang lại những kết quả rõ rệt.
Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa đến được với tất cả các bệnh nhân, do nhiều người không biết mìnḥ đang mang bệnh, hoặc có biết, nhưng xem thường nó, không quan tâm tới việc chữa trị. Chính vì thế, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng 500 triệu người đang mang trong mình virus viêm gan các thể khác nhau.
Do tính chất nghiêm trọng của bệnh viêm gan, WHO đề nghị đẩy mạnh cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại căn bệnh này, và riêng trong năm nay, nó được tiến hành dưới khẩu hiệu: "Mỗi người hãy suy nghĩ thêm một lần nữa" - chủ động tới các cơ sở y tế khám và chữa bệnh kịp thời.
Theo tổ chức này, các nhà khoa học hiện đã điều chế được loại vắcxin đặc hiệu để ngăn ngừa bệnh viêm gan B, đồng thời tìm ra những phương pháp điều trị rất hiệu quả đối với bệnh viêm gan B và C, cứu được nhiều bệnh nhân khỏi lưỡi hái của tử thần.
Theo truyền thống, ngày 28/7 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới đấu tranh phòng, chống bệnh viêm gan để tưởng nhớ ngày sinh của Giáo sư Baruch Samuel Blumberg, nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ, người đã đoạt Giải thưởng Nobel với phát hiện ra virus viêm gan B.