Ông này còn kể rằng CIA bắt đầu ghi hình các cuộc thẩm vấn từ năm 2002 nhằm kiểm tra nội bộ. Về vụ này, Tổng thống George W.Bush nói rằng ông không nhớ là từng có những cuộn băng như thế và cũng không biết về kế hoạch hủy chúng. Vậy là ông Hayden ra lệnh hủy băng để bảo vệ nhân viên còn ông Bush thì chẳng hề biết những chuyện tày trời tại cơ quan tình báo của chính phủ. Cách giải thích này không ổn. Vì thế mới xảy ra chỉ trích rầm trời.
Nổ phát súng đầu tiên là các ông nghị Dân chủ, những người vốn chiếm thế áp đảo ở Quốc hội. Thượng nghị sĩ Dick Durbin, nhân vật quyền lực số 2 của Dân chủ tại Thượng viện, kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp điều tra xem CIA có phạm luật hay không. Một số ông nghị khác thì coi hành động của CIA là "che giấu" và lời giải thích của cơ quan này là "không thỏa đáng". "Trong sáu năm qua, chính quyền ông Bush đã chà đạp lên lý tưởng và luật pháp của chúng ta. Và khi Quốc hội mới yêu cầu trả lời, chính phủ đã luống cuống xóa dấu vết", thượng nghị sĩ kỳ cựu Edward Kennedy nói nặng. Không dừng lại ở mức phê phán, Ủy ban Tình báo Hạ viện và Thượng viện đã mở cuộc điều tra đối với hành động của CIA. Còn Bộ Tư pháp cũng đang tiến hành những bước đầu để điều tra sự vụ này trước khi quyết định xem có mở một cuộc điều tra toàn diện hay không. Ông Hayden có hứa là sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư pháp để làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, người ta đang nghi ngờ vào "thiện chí" này bởi nếu các nhà điều tra làm ra môn ra khoai, có thể dân Mỹ, và thế giới, sẽ được chứng kiến một vụ bê bối động trời nữa của CIA: Hủy bằng chứng về tra tấn nghi phạm trong khi hỏi cung.
Hãng BBC dẫn lời của Tổ chức Quan sát nhân quyền nói việc "đốt băng" là "hành động hủy bằng chứng" và lý do mà CIA đưa ra để giải thích là "gian xảo". Liên đoàn Quyền công dân Mỹ thì tố cáo CIA coi thường luật pháp. Những cuốn băng bị hủy có nội dung thế nào thì chỉ người trong cuộc mới biết. Nhưng tự thân hành động hủy băng đã làm cho mối ngờ vực về các biện pháp thẩm vấn mà CIA tiến hành đối với nghi phạm khủng bố tăng cao. Chính quyền Tổng thống Bush lâu nay luôn khăng khăng rằng họ không cho phép tra tấn khi hỏi cung nhưng cùng lúc lại nói có một số biện pháp thẩm vấn đặc biệt được áp dụng. Nhiều người cho rằng "các phương pháp đặc biệt" này "có họ hàng" với tra tấn hoặc cũng có thể chính là tra tấn.
Hiện chưa thể nói cuộc điều tra của Quốc hội và Bộ Tư pháp Mỹ có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho vấn đề, nhưng dù sao sự kiện thông tin về vụ "đốt băng" được công bố cũng là dịp để người ta nhớ lại rằng CIA là cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới nhưng đồng thời cũng dính nhiều vụ bê bối đình đám nhất.