Vợ chồng nên giữ tài chính độc lập, tiền ai nấy tiêu hay quy về một mối?
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò ý kiến của tờ Magnify Money, Mỹ, trong số những người chọn hợp nhất tài chính sau khi kết hôn, gần 1/5 sau đó đã bày tỏ sự hối hận về quyết định này.
Nhiều người tỏ ra hối hận khi chọn phương án hợp nhất tài chính gia đình. Ảnh: Shutterstock.
Một độc giả trong mục hỏi đáp của trang Zhiho, Trung Quốc bày tỏ lo lắng rằng anh đang chuẩn bị kết hôn, liệu có nên đưa tiền mình kiếm được cho vợ giữ không? Anh nói rằng người bạn gái hiện tại rất muốn kiểm soát tiền bạc của anh, vì thế, anh sợ sau này... khó sống thoải mái. Trả lời thắc mắc, đa phần mọi người cho rằng không nên để bạn đời quản lý tiền. Một ý kiến nói rằng "đồng tiền nên đi liền khúc ruột, nếu để vợ giữ, khi hôn nhân trục trặc, sẽ rất khó để minh bạch. Trong trường hợp hôn nhân yên ấm, dù anh muốn cho ai tiền, mua gì... cũng đều phải "xin" vợ. Phản bác ý kiến trên, một độc giả nữ nói rằng sau khi cưới nhất định sẽ đưa tiền cho chồng quản lý vì "tôi tiêu pha hoang phí, có thì tiêu hết, lấy chồng mà vẫn vậy thì sống sao nổi?".
Thông thường, một gia đình có ba cách để quản lý tài chính, đó là giữ tài chính độc lập, tiền ai nấy tiêu, chi phí sinh hoạt chia đôi. Cách thứ hai là tạo ra một quỹ chung, hai vợ chồng đóng góp toàn bộ tiền kiếm được vào đó, ai chi tiêu gì thì tự lấy. Cách thứ ba là mỗi bên đóng một phần tài chính cá nhân vào một quỹ chung, để thanh toán các khoản chi trong gia đình, bao gồm điện nước, sinh hoạt, con cái học hành, các kế hoạch tương lai..., còn lại vẫn có quỹ riêng.
Theo phân tích của các chuyên gia, mỗi phương án đều có những mặt ưu điểm, nhược điểm riêng cần lưu ý.
Phương án thứ ba tưởng chừng đơn giản và lý tưởng, nhất là khi cả hai kiếm được số tiền tương đương nhau. Tuy nhiên, giải pháp này có phần kém công bằng, khi một trong hai phía có thu nhập chênh lệch, hoặc trong trường hợp một người không đi làm mà ở nhà làm việc nhà (đa phần là phụ nữ). Trong tình huống này, việc chia sẻ theo tỷ lệ, tức là một người nếu kiếm được 70% thu nhập của hộ gia đình sẽ trang trải 70% chi phí, được cho là giải pháp khả thi.
Phương án thứ hai được đánh giá là một phương án truyền thống. Trong nhiều gia đình Á châu, người phụ nữ là "tay hòm chìa khóa". Họ đảm đương rất nhiều khoản chi tiêu ở nhà, bao gồm lên kế hoạch cụ thể cho việc thu chi.
Điểm tích cực của việc hai vợ chồng quy về một mối là giúp xây dựng lòng tin giữa hai phía, giúp phát triển cảm giác "là một" cho cặp đôi. Ngoài ra, điểm lợi khi phụ nữ quản lý tiền là bên cạnh quản lý tài chính, họ còn có thể "để mắt" tới sinh hoạt của chồng ở mức độ nào đó, nhất là với những người đàn ông chi tiêu không tính toán.
Tuy nhiên, điểm trừ của phương pháp này là trách nhiệm tính toán thu, chi dồn lên vai người vợ. Đôi khi, người chồng không biết được vợ phải chi những gì, không hiểu được những lưu chuyển đồng tiền thực tế trong gia đình, dẫn đến hiểu nhầm, hiểu không đủ về chi phí sinh hoạt, dẫn tới thái độ vô tâm với vấn đề kinh tế trong gia đình. Thêm vào đó, nhược điểm của việc vợ chồng chung tiền là bạn rất thiếu độc lập về tài chính, mọi kế hoạch phải phụ thuộc vào người nắm giữ tiền.
Kết hợp tài chính khi kết hôn cũng có thể mang lại rắc rối, nếu bạn đời của bạn là một người quản lý tài chính kém. Nếu áp dụng phương pháp này, vợ và chồng sẽ lựa chọn người tiêu dùng thông minh và lý trí hơn để quản lý tiền bạc.
Phương án đầu tiên, "tiền ai nấy tiêu" được nhiều gia đình trẻ ngày nay lựa chọn, với lý do chủ động, độc lập về tài chính. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là hai phía sẽ không nắm bắt được cách chi tiêu của đối phương, trong khi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình. Ngoài ra, điều này gây ra cảm giác xa cách, không tạo được động lực, mục tiêu chung.
Ảnh: Shutterstock.
Sarah Sharkey, một phụ nữ người Mỹ là một ví dụ. Cô chia sẻ trên tờ Business Insider chia sẻ rằng cô và chồng gần đây đã có một thay đổi quan trọng trong việc quản lý tài chính gia đình. Ban đầu, khi mới kết hôn, cả hai đã thảo luận rất kỹ và đi đến thống nhất rằng "tiền ai nấy tiêu". Thời điểm mới cưới, cả hai cho rằng việc tài chính độc lập là một lựa chọn đúng đắn. Họ có tài khoản riêng, quản lý số tiền mình có một cách riêng rẽ. Mỗi tháng, họ sẽ thống kê một danh sách những thứ phải trả, sau đó chia đều để thanh toán. Tuy nhiên, kế hoạch này của đôi vợ chồng bị đảo lộn khi họ quyết định mua một chiếc xe hơi, sau đó cùng lên kế hoạch cho việc mua nhà. Việc phải tính toán, cân đối... khiến họ cảm thấy quá rầy rà, phức tạp. Cuối cùng, họ quyết định đổ dồn thu nhập vào một tài khoản, và chung tay quản lý nó. Sarah Sharkey cho rằng đây là việc làm đúng đắn, vì nhờ thế, cả hai có thể nhanh chóng biết được khoản chi tiêu trong một tháng, mà không cần phải trao đổi lại với đối tác.
Kevin Panitch, một người Mỹ cũng cho biết từ sau khi kết hôn, vợ chồng anh quy tiền bạc về một mối bằng cách mở tài khoản tiết kiệm chung. Điều này giúp đơn giản hóa cuộc sống của họ, khi hai người dễ dàng thanh toán hóa đơn và tiết kiệm cho các mục tiêu chung
Vậy có nên "tiền ai nấy tiêu" khi đã kết hôn?
Điều đó tùy thuộc hoàn cảnh từng gia đình. Thực tế, trong cuộc sống vợ chồng, dù là đàn ông hay đàn bà quản lý tiền bạc, hoặc tiền ai nấy giữ thì đôi bên đều phải hiểu và tôn trọng nhau. Đàn bà quản lý tiền bạc thì đó chính là sự tin tưởng, ủng hộ của người đàn ông dành cho mình. "Đưa tiền cho vợ giữ" đó cũng là biểu hiện tình yêu của chồng dành cho vợ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tài chính, lý tưởng nhất là nên quản lý tiền bạc theo cách "của anh, của em, của chúng ta". Đây là một sự thỏa hiệp công bằng và giúp bạn có thể duy trì sự độc lập nhất định về tài chính. Theo cách này, vợ chồng bạn nên có một tài khoản chung dùng để thanh toán tất cả các hóa đơn, chi phí, nhưng cũng cần duy trì tài khoản ngân hàng của riêng bạn.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/co-nen-nop-tien-luong-cho-vo-4195062.html