Viêm gan B khiến lá gan người Việt “khổ”
Nguồn: https://www.wcrf.org/dietandcancer/cancer-trends/liver-cancer-statistics
Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao và viêm gan B là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ung thư gan. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người trong cộng đồng Việt chưa nhận thức được độ nguy hiểm của căn bệnh này. Nhân ngày Quốc Tế phòng chống bệnh viêm gan sắp tới 28/7/2019, Tổ chức viêm gan Victoria (Hepatitis Victoria - gọi tắt là HepVic) đã có buổi trao đổi ngắn với bác sĩ Phạm Phúc Nhân – một GP Việt với hơn 30 năm kinh nghiệm tại bang Victoria để giúp cho cộng đồng Việt có thể nâng cao nhận thức về các triệu chứng, hình thức lây nhiễm, những cách phòng tránh và điều trị đối với Viêm Gan B.
Hình: Bác sĩ Phạm Phúc Nhân; nhân viên dự án của HepVic Kiều Trinh (thứ 2 từ phải sang) và các tình nguyện của Hepatitis Victoria Thanh Nguyễn, Ánh Tuyết, Minh Lê, Linh Nguyễn.
HepVic: Câu hỏi đầu tiên xin bác sĩ chia sẻ một số thông tin về triệu chứng của viêm gan B và căn bệnh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến gan của mình?
Bác sĩ: Nói chung, viêm gan B thì rất phổ biến trong cộng đồng người Việt của chúng ta. Hiện nay có thể là 25%. Triêu chứng đầu tiên của viêm gan B thì có thể trùng hợp với các triệu chứng của những bệnh khác. Thời gian đầu khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, nó ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần rồi sau phát bệnh trong khoảng thời gian từ 2-6 tuần (gọi là cấp tính). Triệu chứng của bệnh nhân trong thời gian này thì khá giống với bệnh cúm bao gồm: cảm sốt, ớn lạnh, nhiệt độ tăng, mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa, chóng mặt, …nhưng quan trọng nhất là da hơi ngả vàng vàng một chút hoặc nước tiểu trở nên đậm màu. Một số bệnh nhân cấp tính nếu phớt lờ các triệu chứng này và không có khả năng miễn nhiễm tốt sẽ có thể bị chuyển thành mãn tính. Trong những trường hợp mãn tính, sẽ có hai cấp độ là nặng và nhẹ. Tuỳ vào mức độ sẽ có cách theo dõi và điều trị khác nhau. Nói chung là triệu chứng viêm gan B ở giai đoạn đầ rất là khó phát hiện.
HepVic: Làm cách nào để biết chính xác là mình có bị nhiễm viêm gan B hay không?
Bác sĩ: Bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ gia đình để xét nghiệm máu nhằm tìm ra 3 chuyện.
Chuyện thứ nhất là kiểm tra bệnh nhân có nhiễm viên gan hay không. Thứ 2 là kiểm tra bệnh nhân có khả năng đề kháng được hay không. Thứ 3 là xem men gan có cao hay không.
Ngoài ra nếu cần, GP có thể yêu cầu thêm một số kiểm tra chuyên sâu như siêu âm hoặc lấy mẫu tế bào gan (sinh thiết), v.v.
HepVic: Xin bác sĩ cho biết Viêm Gan B sẽ lây qua những đường nào?
Bác sĩ: Trong khi viêm gan A lây truyền qua đường ăn uống thì viêm gan B lại lây qua 3 đường gồm: máu qua máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con.
HepVic: Những trường hợp nào nên hoặc được tiêm vaccine cho viêm gan B?
Những người nên xét nghiệm máu và chích vaccine gồm: những gia đình nếu đã có người bị viêm gan, bác sĩ/ y tá, tù nhân, những người quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ, chạy thận nhân tạo, v.v.
Nếu lượng kháng thể trong cơ thể cao thì có thể an tâm và không cần chích vaccine.
Trẻ sơ sinh nên được tiêm sau khi sinh để tăng khả năng kháng bệnh.
HepVic: Vaccine viêm gan B có được miễn phí không và đối tượng nào sẽ được nhận vaccine miễn phí?
Bác sĩ: Theo chính sách mới của Australia, người Việt Nam ở Úc dưới 10 năm sẽ được chích vaccine miễn phí kể cả không có Medicare Card.
HepVic: Chi phí điều trị cho những người bị bệnh viêm gan B mãn tính mà không có Medicare card là bao nhiêu?
Bác sĩ: Thời gian điều trị viêm gan B cho người mãn tính khoảng 6 đến 12 tháng tuỳ vào mỗi trường hợp. Chi phí khám và thuốc nếu như không có Medicare Card sẽ khoảng $1,500.
HepVic: Một bạn trên trang Facebook Page có hỏi rằng nếu một người bị viêm gan B và được thay gan thì họ có còn bị bệnh nữa hay không?
Bác sĩ: 20% những trường hợp viêm gan sẽ qua chuyển xơ gan. Xơ gan có hai loại: phục hồi được và không phục hồi. Những trường hợp gan không phục hồi được thì sẽ được thay gan. Tuy nhiên là chỉ có thể thay 1 phần của lá gan và có thể kéo khỏi bệnh.
Hep Vic: 28/7 hàng năm là ngày Quốc Tế phòng chống viêm gan, nhân dịp 28/7 năm nay, bác sĩ có thông điệp nào muốn chia sẻ với cộng đồng người Việt ở Victoria hay không?
Bác sĩ: Viêm gan A, B, C thì rất phổ biến trong cộng đồng người Việt ở mức khoảng 20 - 25% do đó người Việt chúng ta nên thường xuyên đi thử máu trung bình 1 lần/năm và chích vaccine nếu cần để bảo vệ chính bản thân cũng như người thân và bạn bè. Chúng ta nên sống lạc quan, ăn uống điều độ, tập thể dục, tránh rượu bia và thuốc lá.
Đặc biệt, chúng ta nên tìm hiểu thêm về căn bệnh này trên internet hoặc liên hệ với tổ chức Viêm gan Victoria để được hỗ trợ nhằm giúp cho những lá gan của cộng đồng người Việt bớt “Khổ”.
Xem thêm