Vì sao trẻ lại ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm?
Con "ngủ ngày cày đêm" có lẽ là cơn ác mộng kinh hoàng mà tất cả các cha mẹ đều sợ hãi, nhất là những người lần đầu làm mẹ. Trong khi ban ngày con ngủ lăn ngủ lóc, gọi hoài không dậy, thì khi đêm đến, con tỉnh như sáo, mắt mở to và sẵn sàng lao vào mọi cuộc chơi. Cả nhà kiệt sức vì mất ngủ.
Vì sao trẻ lại ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm?
Theo Burlingtion Ont - chuyên gia tư vấn của trung tâm tư vấn chăm sóc giấc ngủ Alanna McGinn (Canada) thì nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ ngủ ban ngày thức ban đêm là do trẻ có sự nhầm lẫn giữa ngày và đêm. Sự lẫn lộn này xảy ra vì trẻ sơ sinh chưa phát triển nhịp điệu sinh học đúng.
Trẻ sơ sinh chưa phát triển nhịp điệu sinh học đúng (Ảnh minh họa).
Burlingtion Ont - chuyên gia tư vấn chăm sóc giấc ngủ
Đồng hồ sinh học giúp thúc đẩy nhịp điệu hoạt động của cơ thể, tạo ra một cơ chế khiến cho cơ thể chúng ta tỉnh táo vào ban ngày và mệt mỏi vào ban đêm. Đây là quãng thời gian mà mọi người cần phải ngủ để bù đắp cho sự mệt mỏi của cơ thể. Các cha mẹ có xu hướng kỳ vọng rằng trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể tự điều chỉnh cơ chế sinh học của mình sau khi trải qua hơn chín tháng bên trong bụng mẹ. Tuy nhiên, thực sự thì trẻ sơ sinh vẫn chưa sẵn sàng cho việc đó.
Ngoài ra, Tiến sĩ Shelly Weiss, giám đốc Phòng khám Thần kinh và Giấc ngủ tại Bệnh viện SickKids ở Toronto (Canada), tác giả cuốn sách "Cách giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ngủ ngon", lý giải: "Khi được sinh ra, các em bé không có nhịp sinh học được đồng bộ hóa với ngày và đêm. Có rất nhiều người cho rằng việc những đứa trẻ sơ sinh không ngủ vào ban đêm mà chọn ngủ vào ban ngày là do cha mẹ chúng đã chăm con sai cách. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Bởi trẻ sơ sinh không có nhịp sinh học, bé không có khái niệm ngày và đêm cho đến khi chúng được khoảng ba tháng tuổi. Vì vậy, trong 12 tuần đầu tiên của cuộc đời, cha mẹ phải đi theo lịch trình tự nhiên của bé".
Leigh Anne Newhook - một bác sĩ nhi khoa ở St. John's, Newfoundland (Canada) - cho biết thêm, trên thực tế, trong 6-8 tuần đầu tiên sau khi được sinh ra hoặc thậm chí dài hơn, trẻ sơ sinh vẫn có sự lẫn lộn giữa ngày và đêm. Việc không được cho ăn liên tục trong suốt một khoảng thời gian dài vào ban đêm cũng khiến cho trẻ đói và tỉnh giấc. Bên cạnh đó, mức độ oxytocin và prolactin trong cơ thể mẹ tăng lên vào ban đêm khiến sữa tiết ra nhiều hơn và bắt buộc phải cho trẻ bú đêm.
Vậy làm thế nào để thay đổi nhịp sinh học của trẻ?
Tuy rằng rất khó để điều chỉnh bé dậy chơi ban ngày và ngủ vào ban đêm, nhưng nếu cha mẹ kiên trì làm theo những cách dưới đây, theo thời gian, bé sẽ tự nhận thức được và tự thay đổi nhịp sinh học thức - ngủ của mình:
- Ban đêm, cho bé ngủ trong phòng tối mờ: Ánh sáng có tác động rất mạnh đến sự phát triển của các mô hình sinh học. Cha mẹ hãy cho bé ngủ trong phòng tối, chỉ thắp một đèn ngủ mờ. Nếu bé muốn bú thì hãy để đèn ở mức thấp nhất và những hành động của bạn phải thật chậm và yên tĩnh. Ngay cả khi bé tỉnh táo, việc thiếu ánh sáng cũng sẽ khiến mắt bé báo tín hiệu cho cơ thể là đã đến giờ đi ngủ.
Cha mẹ hãy cho bé ngủ trong phòng tối, chỉ thắp một đèn ngủ mờ (Ảnh minh họa).
- Tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày: cha mẹ nên cho bé tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày như đi dạo ngoài trời, ngồi chơi gần cửa sổ, trong nhà mở đèn sáng... Việc làm này sẽ khiến bé tỉnh táo hơn. Đồng thời, cha mẹ cũng đừng tìm cách hạn chế tiếng ồn của những sinh hoạt bình thường. Hãy cứ để điện thoại reo, máy rửa chén chạy, tiếng chó sủa, tiếng nhạc…
- Cho bé ngủ trưa và ngủ tối vào một giờ cố định: Giữ cho bé thức nhiều vào ban ngày để ngủ ngon vào ban đêm nghe có vẻ hợp lý, nhưng theo các bác sĩ nhi khoa thì chiến thuật này gây ra tác dụng ngược. Vì bé thức càng lâu thì bé càng mệt mỏi, và điều này gây ra áp lực cản trở khả năng tự xoa dịu cũng như khả năng điều chỉnh nhịp sinh học của bé. Do đó, cha mẹ hãy cho con ngủ trưa và ngủ tối vào cùng một giờ mỗi ngày.
Khi thấy bé phát ra các tín hiệu buồn ngủ, cha mẹ nên cho bé đi ngủ ngay để bé dễ ngủ hơn và ngủ ngon hơn (Ảnh minh họa).
- Cho bé đi ngủ ngay khi bé phát tín hiệu buồn ngủ: Ở giai đoạn đầu, trẻ sơ sinh nên ngủ từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày. Do đó, khi thấy bé phát ra các tín hiệu buồn ngủ, bao gồm: ngáp, dịu mắt, quấy khóc thì cha mẹ nên cho bé đi ngủ ngay để bé dễ ngủ hơn và ngủ ngon hơn. Tuyệt đối, đừng cố níu chút thời gian tỉnh táo của bé, nó chỉ khiến bé bị quá sức và bị kích thích quá mức – điều này dẫn đến việc bé gắt ngủ.
Có thể sẽ phải mất một thời gian thì em bé mới quen với việc thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm, nhưng các cha mẹ yên tâm rằng hành vi "ngủ ngày cày đêm" của bé là một hành vi hoàn toàn bình thường.
Nếu cha mẹ quá mệt mỏi vì mất ngủ trong khoảng thời gian đầu sau khi có con, thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân của mình. Và cách tốt nhất để chống lại sự mệt mỏi là cha mẹ hãy tranh thủ ngủ khi bé ngủ.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/ban-ngay-thi-ngu-lan-ngu-loc-ban-dem-lai-tinh-nhu-sao-con-ac-mong-mang-ten-ngu-ngay-cay-dem-o-tre-so-sinh-20191104223207355.chn