Vì sao người Trung Quốc đổ xô sang Costa Rica kết hôn hợp đồng?
María, 46 tuổi, được một cô gái trẻ trung tiếp cận và đưa ra đề xuất sẽ trả cho người phụ nữ này 175 USD để cưới một người đàn ông Trung Quốc nhằm giúp anh ta có thể có quốc tịch đất nước Trung Mỹ.
Với một người sống ở khu vực nghèo bậc nhất thủ đô Costa Rica, San José, và đang trong tình cảnh chạy ăn từng bữa nuôi sống gia đình, lời đề nghị trên là một món hời với María. Người phụ nữ này đồng ý với đề nghị “hấp dẫn” ngay lập tức.
Câu chuyện của María không phải là trường hợp cá biệt lại Costa Rica. Trên thực tế, kịch bản này đã khá quen thuộc khi một luật sư hoặc “cò hôn nhân” đến những vùng đất nghèo nàn và tuyệt vọng nhất để thuyết phục người dân kết hôn hợp đồng với những người khác quốc tịch họ chưa từng gặp mặt.
“Họ tìm kiếm những “con mồi”. Người dân ở đây lại đang có nhu cầu cao. Dù họ có trả ít (phí hôn nhân) cỡ nào, người dân ở đây cũng đồng ý luôn mà không suy nghĩ”, một cư dân giải thích.
Về mặt danh nghĩa María đã kết hôn nhưng vẫn sinh sống tại khu dân cư cũ. Bà được đưa vào một chiếc xe hơi, nơi bà ký vào giấy đăng ký kết hôn, nhận tiền và được giải thích rằng bà sẽ “được” ly hôn càng sớm càng tốt.
Đó là tất cả những lời giải thích bà nhận được cho đám cưới của mình. “Họ đưa cho tôi tấm ảnh của một người đàn ông Trung Quốc và nói rằng tôi sẽ cưới anh ta”, bà giải thích. Sau một thời gian, “cò hôn nhân” quay trở lại gặp María và yêu cầu bà ký vào đơn ly hôn.
Vài năm sau, bà cưới một người đàn ông Trung Quốc khác theo kịch bản tương tự, và lần này cả con gái và người tình của bà cũng tham gia vào đường dây kết hôn hợp đồng.
Chợ đen hôn nhân giả
Chính phủ Costa Rica thừa nhận trường hợp của María là một vấn đề rất nghiêm trọng và tới nay các cơ quan chức năng nước này vẫn chưa có đánh giá tương đối chính xác về quy mô nghiêm trọng của hiện tượng.
Phó Công tố viên nhà nước Costa Rica Guillermo Fernández cho biết văn phòng của ông hiện đang điều tra hơn 1.000 trường hợp nghi ngờ hôn nhân giả, nhưng ông cho rằng đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Giám đốc cơ quan nhập cư Costa Rica Gisela Yockchen cho rằng các chợ đen hôn nhân giả đang được các mạng lưới tội phạm ở Costa Rica điều hành.
Bà Yockchen cho biết ngoài những cách như trên, các mạng lưới tội phạm thậm chí còn ăn cắp danh tính của người dân để thực hiện các phi vụ kết hôn giả mạo. Một nạn nhân của vụ việc này đã rất “sốc” khi phát hiện ra tình trạng hôn nhân của người này đã bị chuyển từ độc thân sang kết hôn mà không hề hay biết.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp các công dân Trung Quốc, không biết tiếng Tây Ban Nha, chỉ ký vào các giấy tờ mà bên môi giới cung cấp mà không hay biết rằng đây là giấy tờ hôn nhân. Họ đinh ninh rằng đây là đơn xin đăng ký nhập cư.
Lo ngại tình trạng đi quá xa, chính phủ Costa Rica đã có những biện pháp đối phó với “làn sóng” người nước ngoài qua đây kết hôn. Luật nhập cư năm 2010 đã quy định những gian lận trong việc kết hôn lấy quốc tịch có thể bị phạt tới 5 năm tù giam.
Ngoài ra, luật pháp cũng quy định cơ chế thường trú dài hạn sẽ không còn được cấp ngay lập tức cho người nước ngoài chỉ với điều kiện họ kết hôn với người bản xứ. Người nước ngoài vẫn có thể cưới người Costa Rica nhưng giấy đăng ký kết hôn của họ chỉ có hạn một năm. Giấy tờ này có thể được gia hạn nếu họ có thể cung cấp bằng chứng rằng họ chung sống với nhau như vợ chồng. Sau 3 năm, người nước ngoài có thể nộp hồ sơ xin thường trú dài hạn.
Cánh cổng tới “giấc mơ Mỹ”
Theo một nghiên cứu, phần lớn người Trung Quốc nhập cư vào Costa Rica đến từ tỉnh Quảng Đông. Nhiều người chọn quốc gia này vì chính sách nhập cư dễ chịu và đây được coi là một quốc gia an toàn. Lịch sử cũng đã chứng minh người Trung Quốc bắt đầu tới quốc gia Trung Mỹ từ thế kỷ 19. Nhiều người Trung Quốc sinh sống tại đây cũng cho biết họ muốn tới quốc gia này để "đổi đời".
Theo trang Qcostarica.com, đây là quốc gia được coi là “Thụy Sĩ của Trung Mỹ”, là một trong những quốc gia có điều kiện sống khá tốt, phát triển hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, Costa Rica được biết tới là một điểm trung chuyển để người nhập cư vào quốc gia này có thể tiến dần lên phương bắc, vào khu vực Bắc Mỹ.
Với một số người, điểm cuối của hành trình không phải sẽ định cư ở Costa Rica, mà đây chỉ là cánh cổng để họ có thể chạm tới “giấc mơ Mỹ”. Với những người nhập cư trái phép, Costa Rica là địa điểm nằm ở giữa, là một trong những cửa ngõ nối với Nicaragua để họ có thể tiến về Mexico trước khi vào đất Mỹ.
Theo bảng xếp hạng hộ chiếu Henley Passport Index, Costa Rica sở hữu một tấm hộ chiếu mạnh xếp thứ 31 thế giới trong khi Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 74. Khi mọi người được cấp phép thường trú ở Costa Rica, sau đó trở thành công dân của nước này, các hoạt động đầu tư của họ tới các nước khác trong khu vực, trong đó có Mỹ dường như sẽ dễ dàng hơn, với mức thuế thấp hơn. Nhiều doanh nhân Mỹ cũng đã chọn Costa Rica để xin đăng ký quốc tịch kép nhằm hưởng lợi từ những chính sách của San José. Điều này có nghĩa là nếu có thể định cư và trở thành người Costa Rica thì giấc mơ tới Mỹ của những người Trung Quốc nhập cư sẽ gần hơn.
Khi người Trung Quốc được cấp thường trú ở Costa Rica, họ thường sẽ thích nghi rất nhanh. Li Zhong, một người đang sống ổn định tại đây, điều hành một chuỗi cửa hàng tiện ích ở San José.
Li Zhong thừa nhận bà đã “trả tiền để sang Panama” nhưng khi gặp phải một số vấn đề với chính quyền nơi đây, bà đã quyết định chuyển sang Costa Rica.
Khi đề cập tới vấn đề hôn nhân giả mạo, bà Li tỏ ra lảng tránh nhưng khẳng định bà biết nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc - Costa Rica. Bà thậm chí còn nói đùa rằng hôn nhân giữa đàn ông Trung Quốc và phụ nữ Costa Rica còn dễ dàng hơn giữa đàn ông Costa Rica và phụ nữ Trung Quốc.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/vi-sao-nguoi-trung-quoc-do-xo-sang-costa-rica-ket-hon-hop-dong-20180507111120916.htm