Vấn đề nhức nhối của Kpop

23:00' 09-03-2021
Tình trạng bắt nạt gia tăng trong các nhóm nhạc Hàn Quốc. April, Seol Hyun bị công chúng tẩy chay sau khi liên quan đến các cáo buộc.


    Hàng loạt cáo buộc bắt nạt nổi lên trên mạng xã hội Hàn Quốc trong khoảng một tháng qua. Phần lớn người bị cáo buộc hoạt động trong lĩnh vực giải trí và đang là diễn viên, thần tượng được khán giả trẻ yêu thích.

    Giới chuyên gia chỉ ra tình trạng bắt nạt gia tăng trong các nhóm nhạc Hàn Quốc bởi sự quản lý lỏng lẻo, thụ động và thiếu trách nhiệm của các công ty quản lý. Ngoài ra, sự ghen tức và tính cạnh tranh cao cũng là nguyên nhân quan trọng.

    Sao Hàn tiêu tan sự nghiệp

    Ngày 8/3, ê-kíp sản xuất phim Taxi Driver quyết định thay đổi diễn viên chính. Lee Na Eun bị loại khỏi đoàn phim vì cáo buộc bắt nạt cựu thành viên nhóm April Hyun Joo. Những ngày qua, Na Eun chịu sự tẩy chay của công chúng. Chỉ trong 3 ngày, trang cá nhân của cô mất hơn 100.000 theo dõi. Ít nhất 5 nhãn hàng chấm dứt hợp đồng quảng cáo với Na Eun. Đại diện chương trình Delicious Rendezvous của đài SBS cũng quyết định chỉnh sửa các cảnh quay có nữ thần tượng.

    Trước đó, một tài khoản tự xưng là em trai của Hyun Joo đăng bài cho biết chị gái bị các thành viên April, bao gồm Na Eun bắt nạt. Nữ ca sĩ trầm cảm, thậm chí muốn tự tử trước sự tẩy chay của các thành viên cùng nhóm.

    bat nat trong nhom nhac han quoc anh 1

    Na Eun bị cắt vai trong phim mới.

    Cùng ngày, video mới của Seol Hyun trên trang của tạp chí Korea Vogue cũng bị xóa bỏ. Khán giả tạo sức ép khiến Korea Vogue phải đưa ra quyết định này. Họ cho rằng còn quá sớm để Seol Hyun trở lại. Seol Hyun không phải thủ phạm nhưng theo lời tố cáo của Mina, cô chính là đồng phạm với Ji Min. Theo Mina, trong suốt 10 năm Ji Min bắt nạt khiến cô trầm cảm, nhiều lần muốn tự tử, Seol Hyun chứng kiến tất cả mà không hề ngăn cản.

    Ji Min đã thừa nhận sai lầm với Mina, đồng thời tuyên bố rời khỏi ngành giải trí. Trong khi đó, Seol Hyun vẫn được một số khán giả cảm thông, bênh vực. Tuy nhiên, số đó quá ít so với những người tẩy chay cô.

    bat nat trong nhom nhac han quoc anh 2

    Công chúng chỉ trích Seol Hyun sau lời tố cáo của Mina.

    T-ara cũng từ vị trí nhóm nhạc nữ hàng đầu Kpop rơi xuống đáy vì nghi án bắt nạt Hwa Young. Sau này họ được minh oan nhưng không thể phủ nhận vụ việc năm 2012 chính là lý do khiến T-ara mất tất cả. Khi đó, hàng trăm nghìn khán giả ký đơn yêu cầu T-ara tan rã. Sau đó, họ cố gắng vượt qua sóng gió và tiếp tục hoạt động nhưng bởi sự lạnh nhạt của công chúng, T-ara không thể lấy lại vị trí vốn có.

    Từ trường hợp T-ara, Ji Min, Na Eun, có thể thấy công chúng Hàn Quốc luôn đặt hình phạt nghiêm khắc với các cáo buộc bắt nạt, đặc biệt thành viên cùng nhóm dù những lời tố trong một số trường hợp chưa chắc đúng sự thật.

    Việc mâu thuẫn nội bộ hay bạo lực trong cùng nhóm nhạc không hiếm ở Kpop. Nam thần tượng Chibin của nhóm nhạc MASC từng tố cáo đàn anh cùng nhóm tấn công bằng một chiếc ô khiến anh bị thương ở mặt, đầu và phải nhập viện.

    Trong 4 năm hoạt động cùng nhóm S#arp, Seo Ji Young liên tục tấn Lee Ji Hye. Nữ ca sĩ thậm chí lôi kéo một số thành viên gia đình tham gia và công khai chửi Lee Ji Hye vô dụng ở đài truyền hình.

    Vấn đề nghiêm trọng của Kpop

    Sự việc của nhóm AOA, April… đã không đơn thuần là rắc rối nội bộ của một nhóm nhạc. Thay vào đó, nó cho thấy mặt tối của ngành công nghiệp Kpop - sự tối tăm của cả hệ thống để sản xuất ra cái gọi là “thần tượng”.

    Hệ thống thực tập sinh và nhà ở tập thể đã trở thành một phần bắt buộc của ngành công nghiệp âm nhạc. Hệ thống phân cấp trong các nhóm và thái độ thụ động của các công ty quản lý đối với tranh chấp nội bộ là một phần lý do dẫn đến tình huống của Mina hay Hyun Joo. Đây là vấn đề nghiêm trọng mà ngành công nghiệp Kpop phải đối mặt.

    Kwon Mina cho biết cô phải dùng thuốc do bị quấy rối và cố gắng tự kết liễu mạng sống của mình nhiều lần. Nhưng trong suốt 10 năm, FNC Entertainment không thể hoặc không hề lắng nghe tiếng nói của Mina.

    Trong 2 ngày sau khi Mina tố cáo Ji Min, FNC nhấn mạnh họ không có lập trường chính thức về vấn đề này. Chỉ sau khi Shin Ji Min đăng lời xin lỗi trên mạng xã hội, FNC mới đưa ra thông báo chính thức. Thậm chí, Mina cho biết FNC đã cố chấm dứt hợp đồng với cô và yêu cầu bồi thường hàng tỷ đồng dù cô là nạn nhân của vụ bắt nạt.

    bat nat trong nhom nhac han quoc anh 3

    Em trai của Hyun Joo khẳng định DSP vô trách nhiệm trong vụ việc của chị gái.

    Trở lại trường hợp Hyun Joo, theo lời chia sẻ của tài khoản tự nhận là em trai nữ ca sĩ, DPS biết tình trạng của April nhưng không cố gắng giải quyết. DSP thậm chí yêu cầu Hyun Joo rời nhóm với lý do sức khỏe và tập trung diễn xuất.

    Không chỉ tẩy chay April, công chúng còn đặt câu hỏi cho DSP rằng vai trò của họ ở đâu khi không giải quyết các vấn đề nội bộ nhóm. Đó cũng là câu hỏi họ dành cho FNC với tình huống của Mina.

    Mặt trái của quá trình đào tạo khắc nghiệt

    Ngoài sự vô tâm của các công ty quản lý, Dal Yong Jin - giáo sư truyền thông tại Đại học Simon Fraser và đồng tác giả cuốn Thần tượng Kpop: Văn hóa đại chúng và sự trỗi dậy của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc - chỉ ra lý do khác khiến bắt nạt gia tăng trong các nhóm nhạc. Theo ông, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc không phải môi trường làm việc thú vị. Ở đó, sức cạnh tranh quá cao khiến thần tượng không được phát triển toàn diện về tinh thần.

    "Vì phải ở ký túc xá cả ngày và luyện tập hơn 10-13 giờ mỗi ngày, họ không có cơ hội để phát triển ý tưởng và suy nghĩ của riêng mình. Bởi thế, họ thường từ bỏ việc học từ sớm và không có môi trường lý tưởng để phát triển mặt tinh thần", Dal Yong Jin nhận định.

    Emanuel Pastreich - giám đốc Viện Châu Á có trụ sở tại Seoul - nói với DW, Kpop đào tạo ngôi sao "hoàn toàn tàn nhẫn và rất, rất khắc nghiệt". Các thực tập sinh "có cuộc sống vô cùng phi tự nhiên và phi nhân tính”.

    Các chuyên gia âm nhạc và những người làm việc trong ngành giải trí nhìn nhận vấn đề bắt nạt đồng nghiệp là cố hữu, mang tính cấu trúc. Không giống nhóm nhạc được thành lập một cách tự phát bởi các thành viên có gu âm nhạc giống nhau, các nhóm Kpop được tạo ra bởi công ty quản lý. Họ có sở thích, mục tiêu khác nhau. Từ đó, sự thiếu quan tâm hoặc giao tiếp giữa các thành viên có thể dẫn đến xung đột, bất hòa.

    Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jung Duk Hyun nói với tờ The Korea Times: “Những mâu thuẫn bắt nguồn từ thời gian thành lập một nhóm nhạc thần tượng và sự cạnh tranh gay gắt giữa các thành viên. Họ phải vượt qua tất cả căng thẳng và khó khăn. Nếu không hiểu rõ về nhau, các thành viên dễ xảy ra xung đột".

    “Hầu hết ca sĩ bắt đầu quá trình tập luyện khắc nghiệt ngay cả trước khi họ quen nhau. Các cô gái tuổi teen cũng thường ghen tị với nhau. Tất cả mâu thuẫn xuất phát từ sự ghen tị và chưa trưởng thành”, một người trong ngành nói với The Korea Time.

    “Đúng là các quốc gia khác ghi nhận thành công của Kpop nhờ thời gian luyện tập và rèn luyện nghiêm ngặt. Nhưng đồng thời họ cho rằng chương trình đào tạo khắc nghiệt là bất thường. Để ngăn chặn tình trạng bắt nạt xảy ra trong các nhóm nhạc, cần có những giải pháp lâu dài để mỗi thành viên có thể hiểu và giao tiếp với nhau tốt hơn”, người này nói thêm.

    “Nhân cách và rèn luyện tính cách là quan trọng. Các cơ quan cần suy nghĩ việc áp dụng một chương trình đặc biệt cung cấp thời gian và không gian để các ca sĩ của họ tìm hiểu nhau”, nhà phê bình nói.

    "Nếu có thể giải quyết những vấn đề giao tiếp này, chúng ta sẽ làm sáng tỏ tương lai của Kpop và nhận được nhiều tình cảm hơn từ khắp nơi trên thế giới", ông nhấn mạnh.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Marian College Vùng: Sunshine West. Phone: 9363 1711
Xem thêm

Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/thoi-xau-khien-sao-han-mat-su-nghiep-post1190951.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ