Vai trò 'tối quan trọng' của Iran trong xung đột Israel - Hamas

22:00' 26-05-2021
Iran, quốc gia kình địch với Israel, được cho là đã hậu thuẫn Hamas, giúp tổ chức này cải thiện năng lực quân sự uy hiếp nhà nước Do Thái.


    Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel Jonathan Conricus hôm 23/5 cáo buộc Iran đóng vai trò quan trọng trong xung đột gần đây giữa Israel với phong trào Hamas ở Dải Gaza. "Chuyên gia Iran đã đào tạo kỹ sư Hamas chế tạo rocket và vũ khí. Nếu không có sự can dự cực kỳ chi tiết của Iran, chúng tôi sẽ không lâm vào tình trạng hiện nay", ông cho hay.

    Lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tuần trước cũng cảm ơn Iran hỗ trợ tài chính và quân sự cho nhóm dân quân trong cuộc xung đột 11 ngày với Israel. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei ngày 21/5 kêu gọi các quốc gia Hồi giáo "chân thành ủng hộ người Palestine" thông qua hỗ trợ quân sự, tài chính hoặc trong việc tái thiết Dải Gaza.

    Rocket phóng về phía nam Israel đêm 12/5. Ảnh: AFP.

    Rocket phóng về phía nam Israel đêm 12/5. Ảnh: AFP.

    Kể từ khi Israel rút quân và 9.000 dân định cư khỏi Dải Gaza năm 2005, nhường lại quyền kiểm soát vùng đất này cho Hamas, đã có nhiều đồn đoán về mối liên hệ thật sự giữa nhóm dân quân với Iran.

    Kế hoạch rút quân khỏi Gaza của Israel nhằm bảo đảm ổn định khu vực, nhưng lại dẫn tới 4 cuộc xung đột quân sự quy mô lớn trong những năm sau đó. Giới quan sát cho rằng trong tình thế bị bao vây, Hamas gần như không có lý do và nguồn lực để liên tục tập kích rocket nhằm vào lãnh thổ Israel nếu không có sự hậu thuẫn của Iran, nhà bảo trợ lớn nhất của tổ chức này.

    Iran và Hamas không phải đồng minh ngay từ đầu. Hamas là chi nhánh Palestine của tổ chức Anh em Hồi giáo, mạng lưới các tổ chức Hồi giáo theo dòng Sunni có trụ sở ở gần 130 quốc gia. Phong trào này có nhiều liên kết chiến lược với các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni. Vào cuối thập niên 1990, khoảng 50-70% ngân sách Hamas đến từ Arab Saudi.

    Trong khi đó, Iran lại là nước theo dòng Shiite kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, luôn tìm cách truyền bá tư tưởng Shiite ra khắp khu vực Trung Đông và giảm ảnh hưởng của dòng Sunni.

    Mọi chuyện thay đổi sau vụ khủng bố tại Mỹ ngày 11/9/2001. Arab Saudi cho rằng những kẻ tấn công là thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo và đặt nhóm này ngoài vòng pháp luật. Ngân sách cho Hamas cũng bị Riyadh cắt hoàn toàn kể từ đó.

    Trong hoàn cảnh đó, Iran tăng cường hỗ trợ Hamas trong cuộc đối đầu với Israel, một phần trong học thuyết chiến tranh ủy nhiệm, sử dụng các nhóm dân quân vũ trang để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông và đối phó nhà nước Do Thái. Trong chiến lược này, Hamas được coi là một trong những mũi nhọn bên cạnh lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen.

    Nước này cung cấp nhiều nguồn lực để nhóm dân quân xây dựng lực lượng và chế tạo vũ khí, nổi bật là kho rocket khoảng 30.000 quả đủ sức đe dọa gần như toàn bộ lãnh thổ Israel. Trang tin Ynet của Israel tháng 8/2018 dẫn nguồn tin Palestine cho biết các khoản hỗ trợ của Iran cho Hamas vào thời điểm đó lên tới 70 triệu USD mỗi năm.

    Hai bên thường liên lạc thông qua quan chức hàng đầu trong các tổ chức quân sự. Lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tuần trước điện đàm với tướng Esmail Qaani, chỉ huy đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran để cảm ơn Tehran hỗ trợ tài chính và quân sự trong cuộc xung đột 11 ngày.

    Một quan chức Hamas ở Lebanon từng khẳng định "Iran là quốc gia duy nhất ủng hộ phong trào bằng tiền và vũ khí".

    Tầm bắn của các loại rocket trong biên chế Hamas. Đồ họa: BBC.

    Tầm bắn của các loại rocket trong biên chế Hamas. Đồ họa: BBC.

    Iran không công nhận nhà nước Israel, luôn ủng hộ Palestine từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và thường xuyên đe dọa Israel. Những người theo chủ nghĩa cứng rắn của nước này thường hô vang "Nước Mỹ chết đi" và "Israel chết đi" trong các cuộc biểu tình. Ngược lại, Tel Aviv cũng coi Tehran là một mối đe dọa hiện hữu và là mối nguy lớn nhất đối với tương lai của đất nước, đồng thời nhiều lần không kích cơ sở của dân quân thân Iran tại Syria.

    Tiến bộ về công nghệ vũ khí như pháo phản lực, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) của Houthi và Hezbollah đều có dấu hiệu của Iran thông qua chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Các đòn tập kích của Houthi nhằm vào Arab Saudi những năm gần đây có nhiều nét tương đồng với cuộc chiến 11 ngày giữa Israel và Hamas.

    "Xung đột 11 ngày giữa Israel - Hamas cần được xem xét trong tham vọng lớn của Iran. Ít có khả năng phong trào này mở một chiến dịch quân sự quy mô lớn mà không tham vấn ý kiến của Tehran. Hamas có thể coi là một trong những cánh tay nối dài cho sức mạnh Iran trong khu vực", cây bút Dore Gold của Telegraph nhận định.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bong-dang-iran-sau-xung-dot-israel-hamas-4283091.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ