UNESCO đánh giá việc bảo tồn rạn san hô Great Barrier
Rạn san hô Great Barrier ở ngoài khơi Queensland, Australia, ngày 7/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Australia đã nỗ lực vận động để rạn san hô Great Barrier - vốn đóng góp khoảng 6 tỷ AUD (4 tỷ USD) cho nền kinh tế Australia và hỗ trợ 64.000 việc làm - không bị đưa vào danh sách “Di sản thế giới bị đe dọa".
Tháng 11/2022, UNESCO cho rằng cần đưa Great Barrier vào danh sách này sau khi thường xuyên xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô, đặc biệt vào các năm 2016 và 2017. Việc có tên trong danh sách trên có thể dẫn tới khả năng Great Barrier mất quy chế dành cho di sản thế giới và giảm sức hấp dẫn đối với du khách.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, ủy ban UNESCO ghi nhận những cam kết và những hành động ban đầu của Chính phủ Australia trong việc bảo vệ Great Barrier, trong đó có cam kết chi 1,2 tỷ AUD (804.000 USD) để bảo tồn rạn san hô. Chính quyền của Thủ tướng Anthony Albanese đã quyết định rút tài trợ của liên bang đối với các đập nước, không cấp phép hoạt động cho 1 mỏ than có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước của rạn san hô.
Các khuyến nghị và thông tin được đưa ra trong báo cáo sẽ được Ủy ban Di sản Thế giới xem xét trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới tại Saudi Arabia.
Chính phủ Australia đã hoan nghênh động thái trên của UNESCO. Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Australia Anthony Albanese nêu rõ báo cáo của UNESCO ghi nhận "tiến bộ đáng kể" của nước này trong các vấn đề biến đổi khí hậu, chất lượng nước, đánh bắt cá bền vững, nhằm bảo vệ Great Barrier mạnh mẽ hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên, ông thừa nhận Australia cần tiến hành thêm các bước đi để Great Barrier không bị đưa vào danh sách “Di sản thế giới bị đe dọa".
Article sourced from baotintuc.vn.