Úc và Singapore ra tuyên bố chung kêu gọi tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông
Trong phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban hỗn hợp Singapore-Australia (SAJMC) vừa được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, các quan chức cao cấp của hai nước đã cùng chia sẻ tầm nhìn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm, dựa trên luật lệ và có khả năng phục hồi.
Các bộ trưởng tham dự hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban hỗn hợp Singapore-Australia. Ảnh: Bộ Ngoại giao Singapore
Cuộc họp 3+3 diễn ra ngày 27/8, có sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại của Australia cùng với những người đồng cấp Singapore.
Kết thúc cuộc họp, các bộ trưởng đã ra tuyên bố chung bao gồm 21 điểm, trong đó nhấn mạnh, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có các lĩnh vực mới nổi, bao gồm nền kinh tế xanh và lĩnh vực tài chính, tiền tệ và công nghệ (FinTech).
Hai bên cam kết duy trì hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, trong đó Singapore sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho máy bay và tàu quân sự của Australia hoạt động trong khu vực.
Đối với vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng của Australia và Singapore tái khẳng định cam kết chung trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyền tự do hàng hải và hàng không, và thương mại không bị cản trở trên Biển Đông, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa các khu vực có tranh chấp, kêu gọi tất cả các bên tranh chấp thực hiện các bước đi nhằm giảm bớt căng thẳng và xây dựng lòng tin, tránh làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.
Hội nghị các bộ trưởng của Australia và Singapore cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó Bộ Quy tắc cần đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và không phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác.
Đối với các vấn đề khu vực, Australia và Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền tự quyết của các quốc gia và không bị ép buộc./.
Article sourced from VOV.