Úc - Trung đụng độ trong cuộc đua ‘‘ngoại giao vaccine’’

23:00' 09-07-2021
Australia đang đẩy mạnh cuộc đua cung cấp vaccine ngừa Covid-19 tới các quốc gia trong khu vực và Trung Quốc đang cảm thấy áp lực.


    Trung Quốc-Australia: Cuộc so găng trong 'ngoại giao vaccine' bắt đầu nảy lửa

    Chuyên gia cho rằng, Australia đang đẩy mạnh ‘cuộc chơi' cung cấp vaccine ngừa Covid-19 tới các quốc gia trong khu vực và Trung Quốc rõ ràng đang cảm thấy một chút áp lực. (Nguồn: WSJ)

    Trong bài viết đăng ngày 6/7 trên trang afr.com, hai tác giả Andrew Tillett và Michael Smith nhận định, Trung Quốc và Australia lại đụng độ nhau trong ‘ngoại giao vaccine’ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ‘cuộc chạy đua’ ngày càng gay cấn.

    Tranh giành ảnh hưởng trong khu vực

    Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã hứa sẽ gửi 15 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới các quốc gia Thái Bình Dương và Đông Timor từ nay đến giữa năm 2022, quyết tâm đưa Australia vượt lên trên Trung Quốc trong “ngoại giao vaccine” nhằm xây dựng ảnh hưởng trong khu vực.

    Hiện Australia đã cung cấp được hơn 500.000 liều vaccine đầu tiên như đã cam kết.

    Tuy nhiên, vừa qua, Bắc Kinh đã cáo buộc Canberra cản trở việc phê duyệt vaccine do Trung Quốc sản xuất được sử dụng tại Papua New Guinea. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố, Australia đang dùng các chuyên gia tư vấn để ngăn cản những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giúp các quốc đảo Thái Bình Dương đối phó với Covid-19.

    Quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ ​​chiến lược cung cấp vaccine ngừa Covid-19 của Australia là Fiji. Tính đến nay, nước này đã nhận được 320.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca do Canberra cung cấp để chống lại đợt bùng phát dịch với hàng nghìn ca nhiễm mới kể từ giữa tháng 6/2021.

    Trong khi đó, nằm trong kế hoạch viện trợ của Australia, Đông Timor đã nhận được 135.000 liều và Papua New Guinea nhận 28.470, bao gồm 8.500 liều được sản xuất tại Vương quốc Anh. Ngoài ra, 13.000 liều khác đã được chuyển tới quần đảo Solomon và 7.000 liều được đưa đến Tuvalu.

    Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại London (Anh) vào tháng 6/2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã cam kết sẽ cung cấp 20 triệu liều vaccine cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

    Theo đó, Canberra sẽ cung cấp vaccine AstraZeneca được sản xuất trong nước sau khi có những lời khuyến cáo từ các chuyên gia về việc hạn chế sử dụng vaccine này cho những người trên 60 tuổi vì nguy cơ mắc chứng đông máu hiếm gặp.

    Ngoài ra, Australia cũng cam kết cung cấp 5 triệu liều vaccine dành cho các quốc gia Đông Nam Á. Hiện nước này đang làm việc với 3 thành viên còn lại thuộc nhóm Bộ tứ (Quad) là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ để cung cấp vaccine cho các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như hỗ trợ chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.

    Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Marise Payne và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Zed Seselja, người vừa có chuyến thăm Papua New Guinea, cho biết, 15 triệu liều vaccine theo cam kết của chính phủ sẽ được gửi tới các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương đúng hạn.

    Sự đảm bảo từ Canberra được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Australia ngăn cản sự hợp tác toàn cầu trong vấn đề đối phó với đại dịch Covid-19.

    Theo đó, tuần trước, trên tờ Global Times, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Australia đã “cài cắm” các chuyên gia ở Papua New Guinea để cản trở việc vaccine của Bắc Kinh được cấp phép sử dụng ở quốc đảo này.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Chính quyền Australia lợi dụng vấn đề vaccine ngừa Covid-19 để thao túng chính trị, gây tổn hại cho cuộc sống và sức khỏe của người dân Papua New Guinea”.

    Theo đại diện bộ trên, những gì Canberra đã làm là vi phạm tinh thần nhân đạo cơ bản và phá hoại sự hợp tác trong phòng chống đại dịch toàn cầu.

    Cáo buộc của Trung Quốc đối với Australia được đưa ra sau khi có các thông tin lan truyền rộng rãi khẳng định rằng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Kinh đã sử dụng vaccine như một đòn bẩy để đạt được các mục đích chính trị tại các quốc gia nghèo hơn.

    Ông Jonathan Pryke, người đứng đầu chương trình Quần đảo Thái Bình Dương của Viện Lowy, cho biết, cáo buộc của Trung Quốc đối với Australia dường như nhằm tác động đến dư luận xung quanh chuyến thăm Papua New Guinea của Thượng nghị sĩ Zeselja.

    Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng, việc Australia ngăn chặn sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất là vô ích bởi chính phủ của Thủ tướng Papua New Guinea Marape đã khẳng định họ sẽ đợi cho đến khi WHO chấp thuận vaccine của Trung Quốc trước khi bắt đầu cho phép chúng được sử dụng ở quốc đảo này.

    Ai nhanh hơn?

    Vào tháng 5/2021, WHO đã chấp thuận cho sử dụng vaccine do Trung Quốc sản xuất tại Papua New Guinea. Tuy nhiên đến nay, vaccine này mới chỉ được tiêm cho các công dân của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sống tại quốc đảo Thái Bình Dương.

    Thêm vào đó, chuyên gia Pryke cho biết, một số vaccine do Australia viện trợ sắp hết hạn sử dụng và vấn đề ở đây không phải là việc thiếu nguồn cung vaccine ở Papua New Guinea mà là việc khắc phục sự do dự, đắn đo của người dân về tiêm loại vaccine nào và vấn đề hậu cần.

    Thống kê cho thấy, việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 do Australia viện trợ đã thành công ở Fiji, với 55% người dân được tiêm liều đầu tiên và 10% được tiêm đầy đủ 2 mũi.

    Chuyên gia của Viện Lowy khẳng định, thành tích này thậm chí còn cao hơn tại chính Australia.

    Ông Pryke nói, mặc dù quần đảo Solomon và Vanuatu đã sử dụng kết hợp cả vaccine do Trung Quốc sản xuất và vaccine từ các hãng khác trong các đợt triển khai tiêm chủng, nhưng Australia vẫn dẫn đầu trong “cuộc chiến ngoại giao vaccine” này.

    Chuyên gia Pryke nhận định: “Australia đang đẩy mạnh ‘cuộc chơi' của mình trong việc hỗ trợ và cung cấp vaccine ngừa Covid-19 tới các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc rõ ràng đang cảm thấy một chút áp lực”.

    Về căng thẳng giữa hai nước, trong một năm qua, Trung Quốc đã ngừng các cuộc họp cấp bộ trưởng với Australia sau khi chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, một hành động được cho là nhằm vào Bắc Kinh.

    Ngoài ra, Canberra còn lên tiếng phản đối quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề ở Hong Kong và Tân Cương.

    Trung Quốc cũng đã áp dụng thuế quan và các biện pháp trừng phạt thương mại khác đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia bao gồm lúa mạch, rượu vang, hải sản và than, đồng thời tuyên bố Australia "chịu hoàn toàn trách nhiệm" về sự đổ vỡ trong mối quan hệ, vì vẫn duy trì "tư duy Chiến tranh Lạnh và phân biệt đối xử về ý thức hệ".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from baoquocte.vn.


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ