Tỷ phú Richard Chandler đặt cược vào máy bay chạy bằng pin
Bên trong nhà chứa máy bay gần đó là một chiếc máy bay màu trắng mang tên Eviation Alice. Nó có thể là ứng viên quan trọng trong hành trình giảm tiếng ồn từ động cơ máy bay hiện nay và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chiếc máy bay hai động cơ này chạy hoàn toàn bằng pin, nhìn giống một chuyên cơ cá nhân.
Tháng 9/2022, với trọng lượng hơn 16.000 pound (hơn 7 tấn), nó trở thành chiếc máy bay điện nặng nhất từng bay. Eviation Alice đang được phát triển bởi công ty Eviation của tỷ phú 64 tuổi Richard Chandler, gốc New Zealand định cư tại Singapore. Ông cũng đang sở hữu MagniX, công ty sản xuất động cơ điện cho Eviation Alice.
Theo Forbes, máy bay chạy hoàn toàn bằng điện sẽ có nhiều ưu điểm như phát thải sạch hơn, cũng như tiết kiệm nhiều chi phí. Eviation tuyên bố mẫu máy bay điện đang phát triển có thể tiết kiệm chi phí năng lượng hơn 40%, thậm chí tới 80% và chi phí bảo dưỡng rẻ hơn do động cơ điện có ít linh kiện chuyển động hơn.
Tuy nhiên, pin cần phải mất hàng thập kỷ để cung cấp đủ năng lượng cho một chiếc máy bay chở khách cỡ lớn. Bất chấp sự hoài nghi lớn từ ngành công nghiệp hàng không truyền thống, các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến máy bay điện, nhưng chủ yếu là loại có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (taxi bay). Hàng tỷ USD đã được rót vào những chiếc taxi bay này.
Dù vậy, Richard Chandler lại có suy nghĩ khác rằng tại sao không điện khí hóa những chiếc máy bay nhỏ thông thường. Theo ông, giải pháp đơn giản nhất là thay động cơ tiêu tốn xăng trên máy bay hiện nay bằng động cơ điện xanh như kế hoạch ban đầu của ông với MagniX hoặc tạo ra một chiếc máy bay hoàn toàn mới như Alice.
Richard Chandler bên cạnh chiếc máy bay chạy pin Alice. Ảnh: Courtesy of Eviation
Năm 2019, Chandler đã mua 70% cổ phần của Eviation, startup của Israel để chứng minh động cơ của MagniX có thể hoạt động tốt như thế nào trên một chiếc máy bay với động cơ đẩy điện. Chandler coi máy bay Alice của mình với sức chứa 9 hành khách như là "Tesla Model S trong làng máy bay điện".
Ông định giá Alice khá đắt đỏ, 7-8 triệu USD, cao gấp đôi một mẫu máy bay thông thường cùng sức chứa. Định giá này cũng tương tự việc Elon Musk bán chiếc xe điện đầu tiên gần 100.000 USD.
Alice có tầm bay khá hạn chế với quãng đường xa nhất chỉ khoảng 400 km. Thế nhưng, Chandler vẫn tin rằng Alice sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển máy bay điện trong bối cảnh vẫn chịu nhiều hoài nghi trong ngành công nghiệp hàng không. "Đây là tiền đề cho một thay đổi chấn động ngành hàng không", tỷ phú này khẳng định.
Trước đây, Chandler cũng đã quen với việc "đi ngược sóng". Từ giữa những năm 1980, ông đã gây dựng được khối tài sản 2,6 tỷ USD nhờ những khoản đầu tư chiến lược, khác với xu hướng chung của thị trường vào Nga và các quốc gia đang phát triển ở châu Á, Mỹ Latinh.
Hiện tại, ông đã đầu tư khoảng 180 triệu USD vào Eviation và hàng chục triệu cho MagniX. Cả hai doanh nghiệp đều được di cư đến Seattle để tận dụng hệ sinh thái hàng không vũ trụ của Boeing.
Eviation chưa có doanh thu đáng kể. Còn MagniX giành được hợp đồng 74 triệu USD với NASA năm 2021 để phát triển động cơ đẩy điện cho máy bay lớn. MagniX cũng có lộ trình phát triển ngắn hạn rõ ràng hơn.
Công ty này đã bán một số động cơ cho khách hàng để họ thử nghiệm. Harbor Air, hãng bay có trụ sở tại Vancouver, Canada đã thử nghiệm thủy phi cơ Beaver chạy bằng MagniX từ năm 2019. Họ tin rằng nó sẽ có thể chở 3 hoặc 4 hành khách trong nửa giờ.
United Therapeutics đang đặt mục tiêu các chuyến bay kéo dài hàng giờ với máy bay trực thăng Robinson R44 chạy bằng động cơ điện MagniX để vận chuyển nội tạng cấy ghép. Chandler còn nói rằng cả hai nhà chế tạo động cơ máy bay General Electric và Pratt & Whitney đều đặt vấn đề mua lại MagniX.
Hãng tư vấn McKinsey ước tính có khoảng 12.000 máy bay nhỏ cũ hơn phù hợp để chuyển đổi sang động cơ pin điện hoặc hybrid - loại động cơ MagniX cũng đang phát triển. Bên cạnh đó, MagniX cũng đang hợp tác với startup Universal Hydrogen tại Nam California để tạo ra mẫu máy bay chạy hoàn toàn bằng pin với 40 chỗ ngồi.
Tuy nhiên, Chandler đặt nhiều hy vọng hơn vào Alice. Ông tin tưởng những chiếc máy bay như này sẽ giúp mở rộng dịch vụ đến các sân bay nhỏ, vốn không tối ưu cho các máy bay hiện đại để hoạt động với cả vận chuyển hành khách, lẫn hàng hóa. "Thay vì đi tàu hỏa hoặc ôtô cho những hành trình 350-400 km, sẽ thú vị hơn rất nhiều khi đón một chiếc Alice phục vụ theo yêu cầu tại một sân bay gần bạn", Chandler nói.
Tỷ phú này cũng có thêm cơ sở cho sự lạc quan của mình khi nhiều chính phủ đều đang đặt mục tiêu giảm phát thải khí carbon. Pháp sẽ cấm các chặng bay ngắn nếu hành trình đó có tàu hỏa để thay thế, nhưng không cấm máy bay có mức phát thải thấp. Các quốc gia EU khác cũng có thể hành động tương tự. Trong dài hạn, Na Uy có kế hoạch chuyển toàn bộ chuyến bay nội địa sang máy bay điện từ năm 2040.
Dù vậy, Alice vẫn phải đối mặt với hai vấn đề là tầm bay thực tế và nhu cầu thực sự ra sao. Eviation thông tin đã được đặt 300 máy bay với trị giá 2 tỷ USD, nhưng hầu hết thỏa thuận đều không có ràng buộc cụ thể nào.
Một khách hàng chắc chắn mua máy bay Alice của Eviation là ông lớn chuyển phát DHL. Họ dự kiến mua 12 máy bay Alice để phục vụ cho giao các kiện hàng thương mại điện tử trọng lượng nhẹ. Chủ tịch Cape Air, Dan Wolf cho biết ông thích tuyên bố tiết kiệm nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng nhưng ông vẫn chờ xem liệu Eviation có thể cung cấp một bộ pin với tuổi thọ dài, cũng như chi phí thay thế rẻ hay không...
Shashank Sripad, nhà nghiên cứu pin có bằng tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon đánh giá quảng cáo của Eviation về tầm bay 400 km là có thể đạt được. Tuy nhiên, vì công ty đang trong giai đoạn đầu, nên chưa có gì chắc chắc về độ bền, tính an toàn, khả năng chi trả của các hãng bay khi Eviation thương mại hóa năm 2027.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/richard-chandler-ty-phu-om-mong-tesla-nganh-hang-khong-4562642.html