Tưởng thương con nhưng 10 câu nói của cha mẹ khi tức giận có thể khiến trẻ bị tổn thương lâu dài nhất
1. “Nếu con không nghe lời mẹ, mẹ sẽ không cần con nữa”
Câu nói này chẳng khác nào cha mẹ đang nói với con mình rằng, muốn có tình yêu của mẹ thì con cần phải biết nghe lời. Trẻ sẽ ngoan ngoãn để có được tình yêu của mẹ mình, cố làm hài lòng mẹ và kìm nén cảm xúc của mình.
Một mặt trẻ sẽ mất đi cảm giác phụ thuộc và sự an toàn vào cha mẹ. Khi mắc lỗi, trẻ sợ mất đi tình thương của cha mẹ. Mặt khác, khi thường xuyên nói câu này nhưng mọi thứ không trở thành hiện thực, trẻ sẽ cảm thấy lời nói của cha mẹ không còn uy tín.
2. “Cha mẹ làm tất cả vì con”
Khi cha mẹ nói câu này, họ đang đề cao quá mức những gì mình làm cho con cái và chẳng khác nào nói rằng “con đang nợ cha mẹ đấy”.
Việc để con cái mang cảm giác như bị gông cùm nặng nề về tinh thần sẽ khiến chúng ngày càng mặc cảm với cha mẹ hơn.
Có một khái niệm trong tâm lý học gọi là "tống tiền tình cảm". Những kẻ tống tiền tình cảm luôn khiến đối phương cảm thấy bạn không quan trọng, tình cảm của tôi quan trọng hơn. Bạn cần có trách nhiệm và nghĩa vụ đáp ứng chu cầu của tôi.
Khi nói ra câu “cha mẹ làm tất cả vì con”, họ đang thể hiện rằng “cha mẹ làm điều này vì lợi ích của con, nếu con không nghe lời có nghĩa là con không quan tâm tới cha mẹ mình”.
Sống với kiểu bị đày đọa tinh thần này trong thời gian dài, trẻ bị áp lực nặng nề, dần dần nảy sinh tâm lý phản kháng và nổi loạn.
3. “Con chỉ cần học giỏi, thứ khác không cần lo”
Việc tạo điều kiện cho con cái học giỏi theo cách này vô tình đẩy trẻ vào con đường tiêu cực. Mặc dù trẻ có điểm số tốt nhưng chúng thiếu khả năng tự chăm sóc bản thân, gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khác. Theo thời gian, trẻ sẽ không có khả năng tự lập, không có tinh thần trách nhiệm, không biết yêu thương người khác.
4. “Nếu con hư, mẹ sẽ gọi chú cảnh sát tới bắt con”
Câu nói này tương tự như “con mà không ăn cơm, mẹ gọi bác sĩ tới tiêm cho mà xem”. Điều này sẽ khiến cho trẻ ngày càng cảm thấy sợ hãi bác sĩ, công an. Một khi trẻ gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ của công an, chúng sẽ sợ hãi không dám. Khi trẻ bị ốm cần đến bệnh viện, chúng sẽ từ chối không hợp tác với bác sĩ.
5. “Tại sao bạn đó không đánh người khác đi mà chỉ có đánh con?”
Khi cha mẹ nói với trẻ như vậy, ngụ ý rằng trẻ bị đánh vì có lỗi. Đứa trẻ đang rất buồn, cần được an ủi và bảo vệ nhưng cha mẹ lại phủ nhận hết cảm xúc của chúng. Điều này sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ, bất cứ khi nào có chuyện gì tồi tệ xảy ra, đó là do lỗi của mình. Hậu quả là trẻ bất an, thiếu tự tin, nhạy cảm quá mức, thậm chí lần sau có bị bắt nạt cũng không dám nói với cha mẹ.
6. “Con nhìn người ta kia kìa”
Kiểu so sánh không công bằng sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti và ghen tị với người khác. Nếu con cái thường xuyên bị cha mẹ so sánh, chúng sẽ dần nghĩ rằng bản thân không có giá trị gì, trở nên thiếu tự tin.
Nếu là cha mẹ biết nhìn xa trông rộng, họ không phải lúc nào cũng nhìn vào những đứa trẻ khác mà so sánh với con mình. Mỗi đứa trẻ đều có ưu và nhược điểm riêng, việc khơi dậy tiềm năng sẽ giúp chúng phát triển tốt hơn.
7. “Tại sao con ngốc thế!”
Việc nói con mình “ngốc nghếch” thực chất là đang dán nhãn cho trẻ. Trẻ sẽ nghĩ rằng, trong mắt cha mẹ mình chỉ là một người ngốc nghếch, ý thức về giá trị của bản thân của chúng sẽ ngày càng thấp đi.
Trẻ còn cảm thấy mình chưa đủ tốt để xứng đáng nhận được sự yêu thương và trân trọng của người khác. Theo thời gian, trẻ sẽ ngày càng mặc cảm hơn.
Có một lý thuyết trong tâm lý học được gọi là "hiệu ứng nhãn", có nghĩa là một khi mọi người được dán nhãn cho một nhãn nào đó, họ sẽ có xu hướng trở thành loại người theo cái nhãn đó.
8. “Đã bảo là con không có làm được”
Đối với con cái, cha mẹ là người đáng tin cậy nhất, gần gũi nhất với con cái, chúng sẽ hoàn toàn chấp nhận sự đánh giá của cha mẹ về mình, thậm chí ăn sâu vào tâm trí.
Trẻ sẽ chỉ bị thuyết phục rằng, chúng giống như những gì cha mẹ đã nói, rằng mình không thể làm được việc đó nên dễ dàng bỏ cuộc sớm. Nếu cha mẹ luôn đánh giá những lời tiêu cực như vậy, trẻ sẽ có cảm giác thất vọng, thiếu tự tin và dễ bỏ cuộc.
9. “Thương cho voi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”
Cha mẹ thích đánh đập, mắng mỏ con cái thường khó kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Sau khi trút hết cảm xúc vào đứa trẻ, họ cảm thấy có lỗi rồi tự an ủi bản thân rằng: “Thương cho voi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Trên thực tế, bạo lực chưa bao giờ là phương pháp được khuyến khích khi dạy con cái. Cha mẹ đừng lấy bạo lực ra làm cái cớ nhân danh vì lợi ích tương lai con cái.
Trẻ chỉ cảm thấy bị tổn thương và tức giận vì bị cha mẹ đánh đập. Cách đối xử thời thơ ấu vô tình ngấm vào đứa trẻ, hình thành niềm tin và khuôn mẫu hành vi đã ăn sâu. Theo thời gian, trẻ em có khả năng học cách sử dụng bạo lực tương tự để giải quyết vấn đề.
10. “Con còn khóc hả, không biết xấu hổ sao”
Câu nói này khiến trẻ vừa cảm thấy rất uất ức, ngay cả việc khóc cũng không được phép.
Đứa trẻ có thể không còn khóc ngoài mặt, nhưng cảm xúc trong lòng vẫn chưa bộc lộ ra ngoài. Đồng thời, trong lòng trẻ sẽ thêm nỗi sợ hãi, sợ mất đi tình thương của cha mẹ và sẽ bị đánh đòn nếu khóc.
Dù đứa trẻ có thể không còn dễ khóc nữa, nhưng nỗi đau do dồn nén tâm lý đó có thể đi suốt cuộc đời. Cha mẹ cần phải chấp nhận cảm xúc của trẻ và trả lại quyền “khóc” cho chúng.
Article sourced from 24H.
Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/10-cau-noi-cua-cha-me-khi-tuc-gian-co-the-khien-tre-bi-ton-thuong-nhat-c216a1345302.html