Từ dấu hiệu mà Hồ Ngọc Hà chia sẻ, bé Lisa có thể đang gặp một trong những bệnh lý mà rất nhiều phụ huynh có con nhỏ cũng lưu tâm
Mới đây trên trang cá nhân, Hồ Ngọc Hà lo lắng đăng một status để hỏi mọi người cách chữa khỏi tình trạng nổi mẩn đỏ trên mặt và người cho bé Lisa. "Có ai chỉ cách dân gian nào có thể giúp Lisa bớt nổi đỏ khắp mặt và người được không? Bác sĩ có đưa thuốc xức, nhưng lo sợ sẽ bị bào mòn nhẹ da" - Hồ Ngọc Hà viết.
Chia sẻ của bà mẹ 3 con đã nhận được rất nhiều sự chú ý và cô nhận lại hàng trăm tin nhắn phản hồi, chỉ cách để chữa tình trạng nổi mẩn đỏ cho Lisa. Hồ Ngọc Hà cho biết sẽ tham khảo và thực hiện cho con gái.
Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng cũng muốn biết cụ thể tình trạng mà Lisa gặp phải là gì, như vậy mọi người cũng sẽ có phương pháp cụ thể hơn để điều trị cho bé.
Hồ Ngọc Hà sốt ruột lên mạng hỏi cách chữa nổi mẩn đỏ trên mặt và người cho con gái Lisa.
Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như: Rôm sảy, chàm, dị ứng... Phần lớn các bệnh về da ở trẻ sơ sinh đều không gây nguy hiểm đến tính mạng của bé và tự khỏi sau một vài tuần. Dẫu vậy, nổi mẩn đỏ cũng khiến bé cảm thấy khó chịu, bứt rứt, đồng thời có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nghiêm trọng, nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và yếu tố thẩm mỹ. Vì vậy, phụ huynh cũng cần cẩn trọng khi con gặp tình trạng nổi mẩn đỏ.
Những nguyên nhân gây tình trạng nổi mẩn đỏ ở trẻ sơ sinh
Rôm sảy: Nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy là do tuyến mồ hôi bị bít kín, không thoát ra ngoài được dẫn đến hiện tượng viêm da. Dấu hiệu nhận biết các hạt rôm sảy là: Hạt nhỏ, có màu hồng, hơi cứng và thường xuất hiện ở những vùng da như: Lưng, cổ, trán, ngực...
Để hạn chế tình trạng rôm sảy, bố mẹ nên tránh mặc cho bé quần áo quá chật, mặc nhiều khiến da trẻ bị bí. Tắm sửa sạch sẽ cho bé hàng ngày bằng nước mát, tránh ôm ấp, bế bé quá nhiều trong những ngày nắng nóng.
Trẻ bị rôm sảy. (Ảnh minh họa)
Rôm sảy sẽ biến mất khi cơ thể bé sạch sẽ, thoáng mát. Song nếu không may trẻ gãi, làm cho mụn vỡ ra thì sẽ làm lan rộng rôm sảy và gây bội nhiễm. Lúc này, bố mẹ cần phải đưa bé đi bác sĩ để thăm khám.
Mụn sữa, nang kê: Mụn sữa hay xuất hiện dưới dạng mụn li ti màu trắng ở vùng má và mũi, cũng có trẻ bị mọc mụn sữa ở trán, lưng, cổ, cằm, da đầu... Vùng da xung quanh các nốt mụn có màu đỏ.
Đến hiện tại vẫn chưa biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ mọc mụn sữa ở trẻ sơ sinh. Một sống nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng này là do hormone của mẹ hoặc trẻ gây ra. Hàng ngày, bố mẹ tắm cho bé bằng nước đun sôi để nguội, chọn sữa tắm dịu nhẹ cho trẻ sơ sinh. Không nên bôi kem, các loại thuốc hay chạm tay, chà xát lên các đốm mụn.
Mụn sữa thường tự khỏi, không cần điều trị. Tuy nhiên bố mẹ cần đưa con đi bệnh viện nếu mụn trên mặt trẻ trở thành mụn đầu đen, mụn mủ hoặc viêm, gây đau hoặc khó chịu cho bé.
Trẻ sơ sinh thường xuyên gặp tình trạng nổi mụn sữa. (Ảnh minh họa)
Viêm da bã tiết: Khi bị viêm da bã tiết trên da trẻ thường xuất hiện nhiều vảy nhờn, dính... ở khu vực đỉnh đầu, có thể tạo thành lớp dày và lan tỏa khắp đầu. Bệnh cũng thường xuất hiện ở những vị trí khác như vùng tã lót, mặt, sau tai, nách, bẹn... Bệnh viêm da bã tiết cũng không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ.
Với các vị trí viêm da bã tiết nằm ở vùng da đầu, bố mẹ có thể bôi dầu cho bé để làm mềm vảy bám trước khi gội đầu vài giờ. Tình trạng không thuyên giảm thì có thể dùng các loại dầu gội trị viêm da bã tiết cho trẻ sơ sinh...
Trẻ bị viêm da bã tiết. (Ảnh minh họa)
Với vị trí viêm da bã tiết ở các vùng khác, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi tùy theo diện tích, mức độ và có bội nhiễm kèm theo hay không.
Chàm Eczema: Bệnh Eczema thường gặp ở những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vị trí thường là trên mặt, má, có thể lan ra 2 bên má, toàn thân, chân, tay... Vùng da bị Eczema rất thô ráp, khô và căng, thường xuất hiện ở các vùng da bị gập như: Khuỷu tay, mu bàn tay, cổ tay, cổ, sau đầu gối, mắt cá chân...
Khi bị Eczema, trẻ cũng có thể gặp thêm các dấu hiệu dị ứng của bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi. Trẻ rất khó chịu, hay quấy khóc, bú kém và ngủ không ngon giấc khi bị Eczema. Trẻ thường hay gãi vào vùng da bị chàm, gây vỡ mụn nước, chảy máu. Vì vậy, bố mẹ cần phải giữ gìn vệ sinh tốt cho bé, tránh để vùng da bị tổn thương bị nhiễm khuẩn hoặc bội nhiễm.
Nguyên nhân gây Eczema ở trẻ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Dẫu vậy, bệnh thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng, có bố, hoặc mẹ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng thời tiết, nổi mề đay...
Dị ứng: Trẻ nhỏ cũng có thể nổi mẩn đỏ khắp người khi bị dị ứng với các tác nhân như phấn hoa, lông chó, mèo, dị ứng thức ăn, dị ứng đạm trong sữa bò... Triệu chứng sẽ xuất hiện sau khi bé tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, dẫn đến ngứa rát, phù nề lưỡi, miệng, nổi ban đỏ có rải rác toàn thân kèm ngứa, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài phân lỏng. Trong trường hợp nặng có thể khó thở, tụt huyết áp, mất ý thức và đe dọa tính mạng trẻ.
Trẻ bị dị ứng đạm trong sữa bò. (Ảnh minh họa)
Bố mẹ cần quan sát, hạn chế cho con tiếp xúc với các tác nhân dị ứng. Với những trẻ dị ứng thức ăn, đạm trong sữa bò, bố mẹ nên đưa con đến bác sĩ để được bác sĩ chuyên khoa dị ứng tư vấn.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/tu-dau-hieu-ma-ho-ngoc-ha-chia-se-be-lisa-co-the-dang-gap-mot-trong-nhung-benh-ly-nay-phu-huynh-co-con-nho-cung-can-luu-y-20210225221738078.chn