Trung Quốc sẽ không cho phép chiến tranh hay xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên

13:59' 01-09-2017
Trung Quốc ngày 31-8 tuyên bố sẽ không cho phép chiến tranh hay xung đột xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.


    Cuộc tập trận của các đơn vị pháo binh thuộc Quân đội nhân dân Triều Tiên hồi tháng 12-2016. Ảnh: KCNA
    Cuộc tập trận của các đơn vị pháo binh thuộc Quân đội nhân dân Triều Tiên hồi tháng 12-2016. Ảnh: KCNA

    Mỹ và Hàn Quốc ngày 31-8 đã kết thúc cuộc tập trận chung thường niên mà Triều Tiên luôn lên án là mối đe dọa xâm lược với nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cũng có tuyên bố cứng rắn cho rằng đối thoại không còn là lời giải cho vấn đề Triều Tiên.

    Không chấp nhận chiến tranh

    Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 31-8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc (TQ) Nhậm Quốc Cường khẳng định nước này sẽ không bao giờ cho phép chiến tranh hay sự hỗn loạn nào xảy ra trên khu vực bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin RT. Những tuyên bố này được đưa ra giữa bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang leo thang khi Triều Tiên và liên minh Mỹ-Hàn liên tục có động thái khiêu khích lẫn nhau.

    Trong cuộc họp báo, ông Nhậm Quốc Cường nhắc lại quan điểm của TQ là những khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại và khu vực này phải được phi hạt nhân hóa, theo trang tin Sina của TQ.

    Trước đó, hãng tin Reuters cũng dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau khi Nhật Bản kêu gọi Mỹ tăng cường lệnh trừng phạt chống lại nước này. Bà Hoa khẳng định vấn đề Triều Tiên không phải một trò chơi điện tử trên máy tính mà thật sự đang rất nghiêm trọng.

    Trong khi đó, theo hãng thông tấn Yonhap ngày 31-8, hai máy bay ném bom B-1B của không quân Mỹ từ Guam đã cùng bốn tiêm kích tàng hình F-35B (thuộc biên chế thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Nhật Bản) tiến hành tập trận chung trên bầu trời Hàn Quốc. Phía không quân Hàn Quốc đã tung bốn máy bay chiến đấu F-15K tham gia cuộc tập trận thị uy.

    Động thái này được cho là để răn đe Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa “bay qua đầu” Nhật Bản vào rạng sáng 29-8. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tầm bắn của tên lửa này đã được rút ngắn xuống chỉ bằng một nửa so với thực tế.

    Tiếp tục “nắn gân”

    Tiếp tục các cảnh báo cứng rắn, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31-8 tuyên bố việc đối thoại không phải là biện pháp hiệu quả để giải quyết bế tắc lâu dài với Bình Nhưỡng. “Mỹ đã đối thoại với Triều Tiên và bị họ tống tiền suốt 25 năm. Đối thoại không phải câu trả lời!” - Tổng thống Donald Trump tuyên bố trên Twitter sau khi cuộc tập trận Mỹ-Hàn kết thúc.

    Tuyên bố trên của ông Trump làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn với Triều Tiên, vì thực tế các lệnh trừng phạt hay những lời đe dọa mạnh mẽ của ông Trump dường như không thể khiến Bình Nhưỡng ngừng chương trình tên lửa. Trước đó, ông Trump cũng từng tuyên bố tất cả lựa chọn đối phó Triều Tiên đều có thể đem ra xem xét.

    “Triều Tiên có vẻ đang muốn phô diễn bước tiến mới trong năng lực phát triển đầu đạn hạt nhân và động cơ tên lửa của mình” - Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định.

    ngược lại, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lại tuyên bố ủng hộ duy trì phương án ngoại giao trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi không bao giờ từ bỏ giải pháp ngoại giao. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau, ngài bộ trưởng (Hàn Quốc) và tôi cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ đất nước, người dân và quyền lợi của hai nước chúng ta” - Bộ trưởng Mattis nói với báo chí trước buổi tiếp người đồng cấp Hàn Quốc tại Lầu Năm Góc.

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 31-8 cũng đã điện đàm với ông Mattis và đồng ý việc tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên thực dụng hơn. Theo hãng tin Reuters, các biện pháp trừng phạt mới này có thể nhắm vào những người lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, hoặc việc nhập khẩu dầu và xuất khẩu hàng dệt may của Triều Tiên.

    Đáp lại những động thái trên, Triều Tiên tiếp tục cảnh báo Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ “tự hủy diệt” khi chọn con đường đứng về phía Mỹ. “Nhật Bản đã xắn tay áo ủng hộ những hành động gây chiến chống Triều Tiên của Mỹ” - hãng thông tấn Triều Tiên KCNA viết.

    KCNA cũng cho rằng “liên minh quân sự” Mỹ-Nhật Bản đã trở thành “mối đe dọa nghiêm trọng” tới bán đảo Triều Tiên và cảnh báo Tokyo “vẫn chưa biết họ đang đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt”.

    Tên lửa Triều Tiên có tầm bắn 5.000 km

    Hãng Yonhap dẫn báo cáo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên phóng sang Nhật Bản hôm 29-8 đã được khai hỏa theo góc phóng thông thường nhưng chỉ bay được một nửa chặng đường. Điều này có nghĩa là tên lửa này có tầm bắn thực sự lên tới khoảng 4.500-5.000 km.

    Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho rằng sau vụ phóng trên, Triều Tiên có thể thực hiện thêm nhiều vụ thử tên lửa khác hoặc thử hạt nhân lần sáu. Tuy vậy, giới chức Hàn Quốc cho rằng vẫn chưa có dấu hiệu bất thường cho thấy Triều Tiên sẽ tấn công biên giới liên Triều.

    Trong khi đó, theo trang nghiên cứu Triều Tiên 38 North, dù đầu đạn trên tên lửa của Triều Tiên bị tách thành ba phần trong quá trình bay và tầm bắn của tên lửa chỉ ngắn một nửa so với mức tối đa nhưng rất có thể chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đã tiến thêm một bước mới.

    Ông Michael Elleman, chuyên gia tên lửa của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa về phía Nhật Bản ngoài việc thử phản ứng của cộng đồng quốc tế còn nhằm để đánh giá hiệu suất và độ tin cậy của tên lửa Hwasong-12 trong điều kiện hoạt động thực tế.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1877704


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ