Trung Quốc giảm thuế hàng trăm mặt hàng để kích thích tiêu dùng
Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với năm 2020 đầy khó khăn và thử thách khi nợ tăng cao, nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục dai dẳng.
Đây là năm đặc biệt quan trọng với chính phủ Trung Quốc bởi nó là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Với kế hoạch 5 năm này, Bắc Kinh cam kết xây dựng một xã hội "tương đối thịnh vượng" và xóa bỏ cái nghèo.
CNN cho biết tuần trước, các ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc khẳng định chính phủ cần nỗ lực tối đa để hoàn thành các mục tiêu này trong năm 2020.
Từ nhiều tuần qua, Bắc Kinh ồ ạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, từ giảm thuế đến hạ lãi suất để thúc đẩy cho vay. Cuối tháng 12/2019, Quốc vụ viện nhấn mạnh chính quyền các địa phương phải "quyết liệt" ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp hàng loạt trong năm 2020.
Hội chợ việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học tại Đại học Đông Bắc Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Chống thất nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Đây sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm nay. Quốc vụ viện Trung Quốc cảnh báo đất nước có thể đối mặt với "những sự kiện đông người quy mô lớn" (ám chỉ các cuộc bạo động) nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Trong những năm qua, Bắc Kinh cho biết nền kinh tế nước này cần tạo ra 11 triệu công ăn việc làm hàng năm để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc luôn dao động ở mức 4-5% những năm qua. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những lời cảnh báo trên cho thấy chính quyền Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại nguy cơ thất nghiệp leo thang nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2020.
"Chắc chắn Bắc Kinh rất lo ngại nguy cơ bạo động xã hội, thậm chí hơn cả tình trạng nợ các địa phương phình to", CNN dẫn lời nhà phân tích David Zweig - giám đốc hãng tư vấn Transnational China Consulting Limited, đồng thời là giáo sư danh dự tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong - nhận định.
Nhà bình luận chính trị Frank Ching thuộc Đại học Khoa học & Công nghệ Hong Kong nhấn mạnh: "Năm 2020 sẽ là quãng thời gian cực kỳ khó khăn với Trung Quốc, và thất nghiệp hàng loạt sẽ là vấn đề đáng sợ nhất".
Tỷ phú Jack Ma cảnh báo tình trạng khó khăn ở Trung Quốc trong năm 2019 mới chỉ là sự khởi đầu. Ảnh: China.org. |
Một số doanh nhân và nhân vật có ảnh hưởng tại Trung Quốc cũng lo ngại nguy cơ này. Cuối tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn kêu gọi các quan chức thương mại mở chiến dịch thắt lưng buộc bụng và chuẩn bị cho một năm đầy khó khăn.
"Sử dụng từng xu một cách tiết kiệm cho những thứ cần thiết nhất", ông Chung nói. Còn tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, nói với các doanh nhân trong một cuộc hội thảo ở Thượng Hải tháng trước rằng môi trường kinh doanh Trung Quốc năm 2019 là rất khó khăn. "Có thể đó mới chỉ là sự khởi đầu", Jack Ma cảnh báo.
Nền kinh tế tăng trưởng chậm lại
Ngày 17/1, chính quyền Trung Quốc sẽ công bố con số tăng trưởng của cả năm 2019. Tăng trưởng GDP trong quý III/2019 chỉ đạt 6%, thấp nhất kể từ năm 1992.
Mức này nằm trong phạm vi mục tiêu 6-6,5% Bắc Kinh đề ra cho năm 2019. Tuy nhiên, CNN dẫn lời nhà kinh tế Gao Shanwen của hãng Essence Securities tại Thâm Quyến cho rằng tình trạng tăng trưởng kinh tế sụt giảm chưa dừng lại.
Chuyên giao Gao dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong 10 năm tới sẽ không thể vượt quá ngưỡng 5%. Thậm chí ông cho rằng Trung Quốc sẽ phải nỗ lực cực lớn để đạt được ngưỡng tăng trưởng 4%.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Nhưng Trung Quốc còn vật lộn với rất nhiều nguy cơ lớn khác.
Tổng nợ Trung Quốc tăng vọt trong 10 năm qua qua lên mức kỷ lục 40.000 tỷ USD. Sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc suy giảm khi giá nhà đất và thịt lợn tăng cao. Chi tiêu cho các sản phẩm như xe hơi, hàng xa xỉ và điện thoại cao cấp bị ảnh hưởng đáng kể.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc đang chậm lại. Ảnh: CNN. |
Khu vực tư nhân của Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2017 đến đầu 2019, chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát cho vay để ngăn chặn nợ phình to. Chiến dịch đó khiến các công ty tư nhân không thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết.
Đầu năm 2019, Trung Quốc đã thắt chặt việc cho vay trong nỗ lực khắc phục rủi ro nợ gia tăng. Nhưng điều đó cũng khiến cho các công ty tư nhân khó tiếp cận các khoản vay hơn.
Thời gian qua, các ngân hàng đang cho doanh nghiệp nhà nước vay nhiều hơn. Theo chuyên gia Gao, Bắc Kinh buộc phải thực hiện biện pháp này để duy trì ổn định xã hội khi tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt.
Trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động với hiệu quả kém xa khối tư nhân. Nhưng việc đảm bảo nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp ổn định thị trường lao động.
"Dù vậy, về lâu dài nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng kém hiệu quả", chuyên gia Gao cho biết.
Ồ ạt kích thích kinh tế
Những tuần gần đây, chính phủ Trung Quốc liên tục thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Bắc Kinh bơm hàng chục tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, công bố kế hoạch xây thêm nhiều sân bay và tuyến đường sắt, giảm thuế cho hàng trăm mặt hàng và cam kết mở cửa nhiều ngành trọng yếu cho đầu tư nước ngoài.
Đầu tháng 1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kích thích kinh tế bằng biện pháp giảm dự trữ tiền mặt trong các ngân hàng, giải phóng khoảng 115 tỷ USD để các nhà băng cho vay dài hạn.
Chính quyền Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ khối tư nhân. Phó thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết chính phủ đang nghiên cứu cách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có việc yêu cầu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất. Ông cũng kêu gọi các ngân hàng Trung Quốc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay thêm vốn.
Bộ Giao thông Trung Quốc mới đây công bố kế hoạch đầu tư gần 400 tỷ USD để xây dựng các tuyến đường sắt, đường cao tốc và hạ tầng đường thủy.
Trung Quốc cũng cam kết mở cửa nền kinh tế rộng hơn để thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Ví dụ năm ngoái Bắc Kinh thông báo từ năm 2020 sẽ cho phép các công ty nước ngoài sản xuất phương tiện thương mại được kiểm soát hoặc sở hữu công ty liên doanh ở Trung Quốc.
Trung Quốc giảm thuế hàng trăm mặt hàng để kích thích tiêu dùng. Ảnh: CNN. |
Đầu tháng 1, Bắc Kinh công bố các quy định mới cho phép ngân hàng nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn. Theo đó, ngân hàng nước ngoài sẽ được phép mở chi nhanh và sở hữu hoàn toàn các ngân hàng ở Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu cho phép các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu toàn phần công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Hạn chế tương tự về quản lý quỹ và các công ty chứng khoán cũng sẽ được dỡ bỏ vào cuối năm nay.
Bắc Kinh cũng thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp leo thang. Chính quyền tạo điều kiện thuận lợi hơn để người lao động nông thôn di chuyển đến thành phố tìm việc làm, bao gồm việc nới lỏng các quy định về hộ khẩu.
Giới chuyên gia nhận định biện pháp này có thể sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại Trung Quốc và ổn định thị trường bất động sản.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/trung-quoc-bao-dong-nguy-co-that-nghiep-o-at-trong-nam-2020-post1036295.html