Trump dùng Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận
Theo công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc khiến Covid-19 lây lan toàn cầu hay gây áp lực lên Bắc Kinh trước hàng loạt vấn đề khác là một phần trong chiến lược tái tranh cử của ông. Tuy nhiên, chiến lược này chưa phát huy tác dụng và tiềm ẩn nguy cơ làm tổn hại thêm mối quan hệ song phương vốn đã căng thẳng trên nhiều mặt.
Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh:AP.
Chiến dịch tranh cử của Trump giờ đây nhận thấy rằng đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch "không mang lại kết quả, không phải vì thiếu vắng tâm lý chống Trung Quốc mà vì người dân Mỹ chỉ đang tập trung vào Covid-19 và sẽ không chuyển hướng tập trung sang Trung Quốc", Ian Bremmer, người sáng lập Eurasia Group, nhận xét.
"Tôi thực sự không nghĩ vấn đề Trung Quốc có tác dụng lớn trong cuộc bầu cử lần này", ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trực tuyến về ưu tiên chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện hồi tháng 7, quan điểm tiêu cực của người Mỹ về Trung Quốc đã "đạt đến mức cao lịch sử mới", 73%, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Nhưng theo một cuộc khảo sát do Gallup Poll thực hiện vào hai tuần cuối tháng 9, các cử tri Mỹ đã đăng ký chỉ xếp mối quan hệ với Trung Quốc là vấn đề quan trọng thứ hai từ dưới lên trong 16 vấn đề bầu cử.
Trung Quốc không nằm trong ba chủ đề được các cử tri Mỹ quan tâm nhất là y tế công cộng, kinh tế và công bằng chủng tộc, vậy nên đây thực sự không phải một đòn bẩy tốt đối với bất kỳ ứng viên nào mong muốn sử dụng những quan điểm tiêu cực về Bắc Kinh để thúc đấy chiến dịch tranh cử, Yun Sun, giáo sư cấp cao tại Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson ở Washington, đánh giá.
"Quan điểm của công chúng Mỹ về Trung Quốc có thể rất tiêu cực nhưng không đồng nghĩa rằng bất kỳ ai cứng rắn với Trung Quốc đều sẽ nhận được phiếu bầu từ họ", Sun cho biết. "Họ có thể cùng lúc nhìn nhận cả Trump và Trung Quốc đều là những nhân tố xấu hoặc cảm thấy cách tiếp cận của Trump đối với Trung Quốc không hiệu quả như họ kỳ vọng hoặc lợi ích mà chính sách Trung Quốc của ông ấy mang lại không bù đắp được thiệt hại từ những chính sách khác".
Chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã tập trung công kích cách Trump ứng phó với dịch bệnh thay vì lên án Trung Quốc do thất bại trong việc kiềm chế Covid-19 khi nó mới bùng phát hồi cuối năm ngoái. Biden cáo buộc Trump đã "vẫy cờ trắng và rời chiến trường" vài tháng sau khi Trump tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 biến ông thành một "tổng thống thời chiến".
Yingyi Ma, giáo sư xã hội học tại Trường Maxwell về Xã hội học và các Vấn đề Công cộng thuộc Đại học Syracuse, nhận định "kỹ năng tư duy phản biện" đã giúp Trung Quốc tránh xa khỏi các mối quan tâm trong nội bộ nước Mỹ.
"Hầu hết người Mỹ không nhất thiết coi các vấn đề của họ với Trung Quốc liên quan đến những vấn đề trong nước", Ma bình luận. "Tôi cho rằng quan điểm này là do kỹ năng tư duy phản biện của họ bất chấp việc Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc".
Theo Phó chủ tịch Eurasia Gerry Butts, nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm công kích Biden thông qua việc lên án những hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc của Hunter Biden, con trai đối thủ, cũng không đạt được mục tiêu mong muốn.
Hunter Biden suốt một năm qua liên tục bị Trump và các đồng minh cáo buộc tham nhũng. Tổng thống Mỹ còn cáo buộc Bắc Kinh trả cho Hunter "hàng tỷ đô" để đổi lại những đặc quyền, đặc lợi khi Joe Biden còn làm phó tổng thống Mỹ. Chiến dịch tranh cử của Biden bác bỏ mọi lời buộc tội.
Theo Butts, chiến dịch tranh cử của Trump rất muốn phát động một cuộc tấn công lớn nhằm vào Biden liên quan tới vấn đề Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Biden kiên quyết né tránh bằng cách tỏ ra "quyết liệt với Trung Quốc hơn rất nhiều so với thực tế".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trump-gap-kho-khi-dung-trung-quoc-lam-la-chan-4183166.html