Tranh cử sôi động trên mạng xã hội
Theo số liệu thống kê, Australia có hơn 25 triệu dân nhưng có tới 20,5 triệu người sử dụng mạng xã hội. Trong đó, Facebook là mạng xã hội được ưa chuộng nhất với khoảng 17 triệu người sử dụng, tiếp đó là Youtube với 16,5 triệu người và Instagram 9 triệu người...
Một người dân Australia xem điện thoại trong lúc chờ tàu.
Thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình trong 1 ngày của 1 người dân Australia là 1 tiếng 48 phút. Đáng chú ý, có tới 52% người dân Australia sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức.
Trước thực tế này, các đảng phái chính trị tại nước này đang tận dụng mạng xã hội để gửi thông điệp tới các cử tri. Trong đó, Đảng Thống nhất Australia là đảng phái chính trị chi nhiều tiền cho quảng cáo nhất. Trong 30 ngày tính đến 6/4, Đảng Thống nhất Australia đã chi 75.000 AUD cho quảng cáo chính trị cho công ty Meta, nơi sở hữu 2 mạng xã hội Facebook và Instagram. Trong cùng thời gian này, số tiền Công đảng chi cho quảng cáo là gần 35.700 AUD và của đảng Tự do là hơn 57.500 AUD.
Số liệu của Google cũng cho thấy, kể từ đầu năm đến nay, Đảng Thống nhất Australia đã chi hơn 7.2 triệu AUD cho quảng cáo trên các nền tảng của mình và con số này của Công đảng là gần 660.000 AUD và của đảng Tự do là hơn 180.000 AUD.
Chính vì mạng xã hội là một nền tảng cung cấp thông tin quan trọng nên nhiều người, trong đó có anh Aearon, một cư dân thành phố Sydney cho rằng đây là kênh quan trọng để vận động tranh cử: “Tôi nghĩ là các quảng cáo chính trị trên mạng xã hội sẽ giúp cho các ứng cử viên vì nó có thể đến với nhiều người hơn. Bây giờ có nhiều người tham gia mạng xã hội hơn là xem tivi ở nhà”.
Mạng xã hội là nơi nhiều người dân Australia tìm kiếm thông tin, giao lưu, gặp gỡ bạn bè vì vậy việc xuất hiện các quảng cáo chính trị trên các nền tảng này được cho là một trong những cách thức để thông điệp của các ứng cử viên đến được từng cử tri.
Không chỉ vậy, các nền tảng xã hội sử dụng trí tuệ nhân tạo nên có thể giúp các quảng cáo này tìm được các đối tượng cần nhắm tới, giúp quảng cáo hiệu quả hơn và đúng mục tiêu hơn.
Mặc dù mạng xã hội là công cụ để nhiều người dân hiểu hơn về chính sách tranh cử của ứng cử viên song theo ông Donald, một cử tri Australia, các quảng cáo trên mạng xã hội có thể sẽ chỉ phát huy hiệu quả ở những khu vực còn nhiều cử tri dao động.
“Các quảng cáo chính trị sẽ tạo ra sự khác biệt ở các khu vực bỏ phiếu còn đang dao động. Tôi có rất nhiều niềm tin vào người dân Australia. Có thể hơn 15 triệu người sẽ đi bỏ phiếu và họ sẽ quyết định dựa trên những gì mà từng cử tri thấy và tác động lên cuộc sống của họ và khi trở thành quyết định của nhóm thì tôi thấy hầu hết họ đều đã đưa ra quyết định đúng. Có những người cũng cố gắng tác động lên kết quả cuộc bầu cử bằng nhiều cách nhưng cuộc bầu cử này là kết quả ý kiến của nhiều người. Các cử tri Australia đã nhiều lần tạo được sự cân bằng phù hợp. Vì vậy tôi cho rằng cho dù có chạy các quảng cáo chính trị thì với ý kiến của cá nhân tôi, điều này cũng sẽ không tạo ra nhiều sự khác biệt”, ông Donald đánh giá.
Càng gần đến ngày bầu cử, các quảng cáo chính trị sẽ xuất hiện càng dày đặc trên mạng xã hội và điều này cũng có nghĩa là các đảng phái chính trị và các ứng cử viên đang đổ rất nhiều tiền vào mặt trận này với hy vọng có thể thuyết phục được cử tri. Tuy vậy, các quảng cáo này sẽ tác động như thế nào tới lá phiếu của cử tri thì chỉ có thể biết được sau ngày bầu cử 21/5 tới./.
Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc
Article sourced from VOV.