Trái Đất "vật lộn" với siêu bão, sóng nhiệt và cháy rừng trong 2017
11:41' 21-12-2017
Năm 2017 ghi nhận nhiều trận bão lớn, các đợt sóng nhiệt, lũ lụt và cháy rừng khắc nghiệt xảy ra trên khắp hành tinh, trong đó hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng góp phần gây ra hoặc khiến các thảm họa thiên nhiên trở nên tồi tệ hơn.
Cảnh hư hại sau bão Maria ở Catano, Puerto Rico ngày 21/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đây cũng là năm Mỹ - quốc gia đứng thứ 2 về phát thải khí nhà kính toàn cầu - đã quay lưng lại với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thế giới đang đối mặt với năm nóng nhất thứ 3 trong thời kỳ hiện đại. Thực tế cho thấy con người càng đốt cháy nhiều nhiên liệu hóa thạch, Trái Đất sẽ càng nóng hơn do sự tích tụ của các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Giới chuyên gia cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu góp phần khiến các trận lũ lụt, các đợt hạn hán và những trận siêu bão xảy ra thường xuyên hơn và đôi khi khắc nghiệt hơn.
Theo Văn phòng Liên hợp quốc Điều phối các vấn đề nhân đạo, trong số những trận bão có sức tàn phá lớn nhất được ghi nhận trong năm nay, các trận mưa gió mùa tại Bangladesh, Ấn Độ và Nepal đã khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và ảnh hưởng 40 triệu người, phá hủy nhà cửa, mùa màng. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng phải vật lộn với đợt hạn hán khắc nghiệt khiến các dòng sông khô cạn, mùa màng thất bát và làm bùng phát các đợt cháy rừng nghiêm trọng.
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng ở Carpinteria, California. (Nguồn: THX/TTXVN)
Trong khi đó, khu vực Đại Tây Dương, Vịnh Mexico và Caribe cũng ghi nhận một mùa mưa bão bất thường với 17 trận bão lớn, nhiều nhất kể từ năm 2005. Nổi bật nhất phải kể đến các trận siêu bão như Harvey khiến bang Texas (Mỹ) ngập lụt trên diện rộng, bão Irma tàn phá Caribe và bang Florida (Mỹ), và Maria gây thiệt hại nặng nề tại Puerto Rico - vùng lãnh thổ thuộc Mỹ.
Các đợt cháy rừng dường như cũng trở thành một điều bình thường đối với bang California khi bang miền Tây nước Mỹ này vẫn đang vật lộn với đợt cháy rừng lớn thứ 3 kể từ năm 1932.
Mặt khác, hiện tượng băng tan nhanh tại Bắc Cực cũng khiến mực nước biển dâng cao, làm thay đổi các hình thái thời tiết và dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp toàn cầu.
Trong bối cảnh các đợt thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên hơn, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris năm 2015 được xem là một "bước lùi" đối với những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Hồ La Angostura ở Bolivia cạn khô nước do nắng nóng và hạn hán kéo dài. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Với lập luận tình trạng ấm lên toàn cầu là "trò lừa đảo", ông Trump đã loại vấn đề biến đổi khí hậu ra khỏi danh sách các mối đe dọa an ninh quốc gia, công bố các kế hoạch đấu thầu về khai thác dầu khí ở Vịnh Mexico, và ký một đề xuất loại bỏ Kế hoạch Năng lượng sạch vốn nhằm hạn chế sự phát thải của các khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính.
Tiếp đó, vào tháng 10, ông chủ Nhà Trắng đã ký thông qua kế hoạch biến nước Mỹ trở thành nhà xuất khẩu ròng về năng lượng vào năm 2026, khôi phục ngành công nghiệp than đá.
Ông Trump cho rằng những bước đi trên sẽ giúp nước Mỹ trở thành một trung tâm cung cấp năng lượng cho cả thế giới, cũng như mang lại nhiều việc làm cho người dân.
Giới khoa học đã bày tỏ đặc biệt quan ngại trước những bước đi của Washington. Nhà khí hậu học và địa vật lý Michael Mann thuộc trường Đại học bang Pennsylvania nhận định chỉ trong chưa đầy 1 năm, Chính quyền của Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều quyết định làm suy yếu chính sách khí hậu hơn chính quyền của cựu Tổng thống George W Bush trong hai nhiệm kỳ.
Trong khi đó, ông Peter Gleick, Chủ tịch Viện Thái Bình Dương, nhận định việc Washington quay lưng với những chính sách khí hậu và môi trường chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/trai-dat-vat-lon-voi-sieu-bao-song-nhiet-va-chay-rung-trong-2017/480593.vnp