Tổng thống Sri Lanka tháo chạy sau gần ba năm lãnh đạo

10:00' 15-07-2022
Sau khi người biểu tình tràn vào dinh thự, Tổng thống Sri Lanka tìm cách lên máy bay chạy tới UAE, Mỹ và Ấn Độ nhưng đều thất bại.


    Không quân Sri Lanka xác nhận Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã ra nước ngoài trên một máy bay quân sự vào rạng sáng nay, chỉ vài tiếng trước thời hạn ông phải từ chức theo cam kết, sau gần ba năm lãnh đạo đảo quốc Ấn Độ Dương.

    Chiếc máy bay vận tải quân sự An-32 cất cánh từ đường băng ngoại ô thủ đô Colombo, chở theo Tổng thống cùng vợ và hai nhân viên an ninh, theo tiết lộ từ quan chức quốc phòng và một cựu quan chức chính phủ. Không quân Sri Lanka cho hay điểm đến của máy bay là Male, thủ đô quần đảo Maldives láng giềng.

    Nguồn tin cấp cao trong chính phủ Maldives tiết lộ cơ quan kiểm soát không lưu ban đầu không cho phép máy bay chở Tổng thống Rajapaksa hạ cánh. Cựu tổng thống, Chủ tịch Quốc hội Maldives Mohamed Nasheed đã tác động để cơ quan hàng không nước này "bật đèn xanh" cho chuyến bay.

    Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa của Sri Lanka phát biểu tại quốc hội ở thủ đô Colombo sau khi đắc cử tháng 1/2020. Ảnh: AFP.

    Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tại quốc hội ở thủ đô Colombo, sau khi đắc cử tháng 1/2020. Ảnh: AFP.

    Theo các quan chức di trú Sri Lanka, họ đã đóng dấu thông quan cho hộ chiếu của Tổng thống Rajapaksa, vợ ông và hai tùy tùng, nhưng chiếc máy bay An-32 đã bị giữ lại tại bãi đậu ở sân bay quốc tế Bandaranaike trong hơn một tiếng để chờ phía Maldives cho phép phi cơ hạ cánh.

    "Mọi người đã trải qua một vài thời khắc căng thẳng. Cuối cùng thì mọi chuyện đều suôn sẻ. Máy bay được phép cất cánh để tới Male", quan chức sân bay Bandaranaike cho biết.

    Dư luận Sri Lanka và giới chuyên gia từ lâu đã cáo buộc Tổng thống Rajapaksa tìm cách câu giờ để tìm đường đào tẩu, khi ông không chấp nhận từ chức ngay lập tức vào cuối tuần qua, thời điểm hàng nghìn người biểu tình tràn vào dinh thự của ông ở thủ đô Colombo. Trong thông điệp kêu gọi người biểu tình kiềm chế và đảm bảo trật tự xã hội, Chủ tịch quốc hội Sri Lanka đêm 9/7 thông báo Tổng thống Rajapaksa cam kết từ chức trong chiều 13/7.

    Các quan chức chính phủ Sri Lanka cho biết sau biến cố ngày 9/7, Rajapaksa đã thử nhiều phương án để sơ tán gia đình ra nước ngoài, tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại khi ông vẫn là Tổng thống và được hưởng quyền miễn trừ.

    Họ cho biết ngày 11/7, Tổng thống Rajapaksa đã tìm cách lên máy bay để chạy tới Dubai, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

    Các trợ lý của Rajapaksa đến trước, mang theo 15 hộ chiếu của Tổng thống, phu nhân và các thành viên gia đình ông. Họ đã đặt vé lên chuyến bay thuộc hãng Sri Lankan Airlines, lịch trình khởi hành lúc 18h25 đến Dubai. Tuy nhiên, nhân viên kiểm soát xuất nhập cảnh tại sân bay từ chối giải quyết, do chủ nhân số hộ chiếu không trình diện để kiểm tra danh tính theo quy định.

    Gia đình ông Rajapaksa sau đó đặt thêm chuyến bay thuộc hãng Etihad, với lịch trình rời Colombo đi Abu Dhabi vào 21h20, nhưng tiếp tục bị giới chức từ chối cho xuất cảnh với lý do như trước.

    CNN dẫn nguồn tin cấp cao từ quân đội cho biết ông Rajapaksa đã bị nhân viên kiểm soát xuất nhập cảnh từ chối đóng dấu vào hộ chiếu tại phòng VIP, trong khi ông không chấp nhận đi qua cổng kiểm soát phổ thông tại sân bay Bandaranaike do lo ngại bị "trả thù".

    Guardian dẫn nguồn thạo tin cho biết do bị từ chối đóng dấu vào hộ chiếu, Tổng thống Rajapaksa bỏ lỡ ít nhất 4 chuyến bay đi UAE vào hôm đó.

    Người biểu tình leo lên tháp gần Văn phòng Thư ký Tổng thống Sri Lanka hôm 11/7, vẫy cờ phản đối chính phủ đương nhiệm giữa khủng hoảng kinh tế - chính trị nghiêm trọng. Ảnh: AFP.

    Người biểu tình leo lên tháp gần Văn phòng Thư ký Tổng thống Sri Lanka hôm 11/7, vẫy cờ phản đối chính phủ đương nhiệm giữa khủng hoảng kinh tế - chính trị nghiêm trọng. Ảnh: AFP.

    Gia đình Rajapaksa cùng các trợ lý thân cận đêm 11/7 phải ở lại một doanh trại quân đội gần sân bay. Một cựu quan chức cảnh sát hôm sau cáo buộc quan chức cấp cao của không quân đã cho Tổng thống và người thân ở lại nhà riêng. Lực lượng không quân Sri Lanka sau đó bác tin đồn, cáo buộc các thế lực đối lập "âm mưu bôi nhọ hình ảnh quân đội".

    Ngoài UAE, Tổng thống Sri Lanka được cho là còn tính đường chạy sang ít nhất hai nước khác là Ấn Độ và Mỹ, trước khi lên máy bay quân sự đến Maldives.

    Các nguồn thạo tin cho biết chính phủ Ấn Độ đã không đồng ý cho máy bay quân sự Sri Lanka chở Tổng thống Rajapaksa hạ cánh ở sân bay dân sự nước này. Đại sứ quán Mỹ cũng từ chối cấp visa du lịch cho gia đình ông.

    Tổng thống Rajapaksa từng mang hai quốc tịch, Mỹ và Sri Lanka, trước khi bỏ quốc tịch Mỹ để tranh cử tổng thống Sri Lanka năm 2019. Ông đã sống ở Mỹ vài năm, con trai và cháu ông vẫn sống tại Mỹ, đủ điều kiện để xin visa du lịch. Hiện chưa rõ lý do đại sứ quán Mỹ từ chối cấp visa du lịch cho gia đình ông.

    Khi các phương án này thất bại, các trợ lý quân sự thân cận của Tổng thống Sri Lanka được cho là đã thảo luận cách đưa ông lên tàu chiến để tới Maldives hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, hành trình này dường như được coi là quá mạo hiểm và phương án di chuyển bằng máy bay quân sự cuối cùng đã được lựa chọn.

    Một số nhà quan sát cho rằng ông Rajapaksa chưa vội từ chức trước khi đào tẩu vì muốn duy trì quyền miễn trừ tư pháp lúc nhập cảnh vào nước khác, dù ông đi bằng máy bay thương mại hay quân sự. Trong trường hợp nước đã đồng ý cho ông nhập cảnh đột ngột đổi ý, quyền miễn trừ theo các công ước quốc tế cho phép Rajapaksa tránh nguy cơ bị bắt tại sân bay.

    Không phải thành viên nào trong gia tộc Rajapaksa cũng ra nước ngoài suôn sẻ. Cựu bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa, em trai của ông, bị chặn ở sân bay ngoại ô Colombo hôm qua. Ông đáng lẽ sẽ lên chuyến bay số hiệu 649 thuộc hãng hàng không Emirates, khởi hành đi Dubai vào 3h hôm nay, theo tiết lộ từ các nhân viên sân bay.

    Basil đến sân bay trên một chiếc xe van màu đen, không đi cùng gia đình. Chiếc xe đi vào cổng VIP ở sân bay, nhưng bị nhân viên an ninh chặn lại, thông báo ông không còn được hưởng đặc quyền.

    Basil sau đó chuyển sang cổng dịch vụ của sân bay, còn được gọi là cổng "Con đường Tơ lụa", nhưng tiếp tục bị hải quan chặn lại, theo Bloomberg.

    "Đây là một Tổng thống thất bại và một chính phủ thất bại", Faiszer Musthapha, thành viên đảng đối lập, trước kia từng liên minh với phe của Tổng thống, nhận xét về những hỗn loạn thời gian qua xoay quanh gia tộc Rajapaksa.

    Musthapha cho rằng Sri Lanka cần nhanh chóng tái lập ổn định, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị để vực dậy nền kinh tế. "Mọi đảng phái giờ đây phải gác lại bất đồng chính trị và bắt tay cùng nhau đưa đất nước thoát khỏi hỗn loạn mà gia tộc Rajapaksa gây nên", ông nói.

    Theo cam kết trước đó với Chủ tịch quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena, Tổng thống Rajapaksa sẽ chính thức từ bỏ quyền lực vào 13h hôm nay. Tuy nhiên, Abeywardena xác nhận lãnh đạo chính phủ không để lại thư từ chức trước khi rời khỏi đất nước.

    Người biểu tình đã cảnh báo họ sẽ tiếp tục xuống đường nếu như lời hứa của Rajapaksa không được thực thi đúng thời hạn.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/hanh-trinh-thao-chay-cua-tong-thong-sri-lanka-4487065.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ