Tổng thống Obama muốn để lại gì trong chuyến đi châu Á cuối cùng?
Sau khi hội nghị G20 ở Trung Quốc kết thúc hôm nay, Tổng thống Obama sẽ đến Lào dự các hội nghị khu vực, qua đó kết thúc chuyến công tác châu Á cuối cùng của ông. "Chuyến đi lần này sẽ đề cập đến nhiều vấn đề ưu tiên hàng đầu của tổng thống trong 7,5 năm vừa qua", phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes nói.
Trong 2 nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, ông Obama luôn cam kết "xoay trục" đưa chính sách đối ngoại Mỹ hướng về châu Á để gắn kết nhiều hơn với các đối tác thương mại mới nổi trong khu vực. Do vậy, chuyến đi Trung Quốc và việc tham dự các hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), hội nghị lãnh đạo Mỹ - ASEAN đánh dấu nỗ lực lớn cuối cùng để chứng tỏ cam kết chính sách "tái cân bằng" của tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, trong chuyến công tác, Tổng thống Obama phải dành nhiều thời gian để giải thích, trấn an các đồng minh và đối tác về tình hình chính trị Mỹ hiện tại ảnh hưởng thế nào đến chính sách đối ngoại với châu Á; cam kết sát cánh cùng đồng minh của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông; trấn an những lo ngại trước việc Donald Trump muốn phá vỡ liên minh với Nhật và Hàn Quốc cũng như số phận của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tổng thống Obama bị một số ý kiến chê trách là không mạnh tay trước sự leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Thách thức từ Trung Quốc
Đối với Tổng thống Obama, dịp này là cơ hội cuối cùng để ông gặp gỡ chính thức Chủ tịch Tập Cận Bình, trước khi Mỹ có chính quyền mới và giai đoạn chuyển tiếp thường kéo dài vài tháng.
Tại các cuộc gặp ngày 3/9, ông Obama và ông Tập Cận Bình đã thảo luận về nhiều vấn đề khu vực, bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, tình hình an ninh ở bán đảo Triều Tiên, tội phạm mạng...
Thông báo của Nhà Trắng cho biết 2 nhà lãnh đạo đã có những cuộc "trao đổi thẳng thắn" với nhau. Tổng thống Obama nhấn mạnh với Trung Quốc tầm quan trọng của việc "tuân thủ nghĩa vụ" đối với hiệp ước hàng hải quốc tế trong tình hình tranh chấp ở Biển Đông.
"Tổng thống tái khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với tất cả các quốc gia trong khu vực để tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do đi lại trên biển và trên không", thông báo của Nhà Trắng cho biết. Ông Obama cũng "nhấn mạnh những cam kết không thay đổi của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh cho các đồng minh".
Tuy nhiên, sau tất cả những nỗ lực của Tổng thống Obama như điều các tàu hải quân đến Thái Bình Dương, cử thủy quân lục chiến đến Australia, thỏa thuận để tiếp cận các căn cứ quân sự tại Philippines... thì một sự thật là Trung Quốc đang kiểm soát nhiều hơn ở Biển Đông so với giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông.
Trung Quốc đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông qua việc xây dựng các đường băng và những cơ sở lưỡng dụng trái phép trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam; nhiều lần đưa vũ khí như máy bay chiến đấu và tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa...
Dù tình hình có vẻ tạm lắng sau phán quyết của Tòa án Trọng tài về vụ kiện Biển Đông, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi, cảnh báo Bắc Kinh vẫn tiếp tục các hoạt động bồi lấp và xây dựng phi pháp. Gần đây, một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc có thể bắt đầu các hoạt động cải tạo ở bãi Scarborough của Philippines sau khi hội nghị G20 kết thúc.
Ông Alan Dupont, cựu chuyên viên tình báo quốc phòng của chính phủ Australia nhận định trên New York Times: "Nếu muốn trấn an đồng minh, Mỹ cần củng cố hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương nhiều hơn nữa, thậm chí nhiều hơn trước khi ông Obama bắt đầu chính sách tái cân bằng".
Bên cạnh đó, hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN vào tuần này ở Lào là cuộc họp chính thức đầu tiên giữa ông Obama với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, bao gồm nhiều nhân vật mới, kể từ khi Mỹ và ASEAN trở thành "đối tác chiến lược" vào năm ngoái. Trong lần xuất hiện cuối cùng, Nhà Trắng cho biết ông Obama có những cam kết và trấn an mạnh mẽ về dấu ấn trong chính sách châu Á.
Số phận của TPP
Triển vọng việc quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điều mà các nước trông đợi. Đối với chính quyền Obama, TPP là nền tảng quan trọng để khẳng định chính sách hướng về châu Á của Mỹ, đồng thời bảo đảm rằng Trung Quốc không có cơ hội thiết lập luật chơi trong thương mại khu vực.
Thủ tướng Singapore từng nhắc nhở Tổng thống Obama về tầm quan trọng cỉa việc Mỹ phê chuẩn TPP. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, TPP hiện đang vấp phải làn sóng phản đối ngay tại Mỹ, từ chính lưỡng đảng và từ những ứng viên tổng thống như Donald Trump, Bernie Sanders, hoặc bà Hillary Clinton - người từng nhiệt tình ủng hộ hiệp định.
Chính quyền Obama hy vọng quốc hội sẽ phê chuẩn TPP trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2017, nhưng lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell nói rõ rằng họ không thể thông qua hiệp định như hình thức hiện nay, và cho rằng cần đàm phán lại vào thời tổng thống mới.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN trước khi sang Trung Quốc, Tổng thống Obama nói ông "vẫn tự tin" về cơ hội TPP được thông qua. "TPP ... kết hợp nhiều quốc gia lại với nhau. Đây sẽ là thị trường lớn nhất thế giới. Nếu chúng ta không thiết lập luật lệ tại đây thì người khác sẽ giành phần", ông nói.
Thủ tướng Lý Hiển Long khi thăm Mỹ hồi tháng 8 đã thúc giục về TPP. "Đối với những người bạn và đối tác của Mỹ, phê chuẩn TPP là phép thử về sự tín nhiệm và nghiêm túc từ mục đích. Các nước châu Á muốn gắn kết cùng Mỹ. Nhưng chúng tôi muốn biết sự gắn kết này có bền vững không, các thỏa thuận có được tuân thủ không, châu Á có thể trông cậy vào Mỹ không".
Hàn gắn quan hệ với Lào
Đêm 5/9, khi đến Lào, ông Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm quốc gia này, đánh dấu cột mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ - Lào.
Lào là một trong những nước hứng chịu bom đạn từ Mỹ nhiều nhất trong chiến tranh, ước tính đến gần 2 tấn đạn dược được thả xuống quốc gia này. Do vậy, một trong những ưu tiên khi đến Lào của Tổng thống Obama là những chương trình tích cực giải quyết những tàn tích chiến tranh, bao gồm tăng cường viện trợ và hợp tác để rà phá bom mìn.
Một dự án trung tâm thương mại do Trung Quốc đầu tư ở thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: WSJ |
Cũng như cách đã áp dụng với Myanmar, Mỹ muốn cạnh tranh với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lào. Nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào viện trợ và phát triển các công trình quan trọng ở Lào; bao gồm xây dựng và phóng vệ tinh của Lào hồi năm ngoái, xây tuyến đường sắt 6 tỷ USD nối từ Trung Quốc đến thủ đô Vientiane...
Sự ảnh hưởng của Trung Quốc giúp nước này thực hiện mục tiêu cơ bản là tranh thủ sự ủng hộ của những nước nhỏ. Tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN đầu năm nay, Bắc Kinh gây sức ép thành công để hội nghị không thể ra tuyên bố chung nhằm phản đối việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhiều ý kiến quy trách nhiệm cho Lào và Campuchia về diễn biến này.
Cơ hội mở ra cho Washington từ tháng 4 năm nay, sau khi Lào có dàn lãnh đạo mới và tỏ ý muốn giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. "Chưa bao giờ là quá trễ để Tổng thống Mỹ đến thăm Lào", một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters.
Phuong Nguyen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận định: "Lợi ích chiến lược của Mỹ ở Lào là muốn quốc gia này có thể duy trì một mức độ độc lập chiến lược nhất định, ít nhất là không trở thành mối quan hệ như giữa Trung Quốc và Campuchia".
Mỹ vẫn duy trì sáng kiến kết nối thanh niên Đông Nam Á
Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng thống Obama công bố năm 2013 là chương trình hướng tới kết nối các nhân tố lãnh đạo trẻ của ASEAN. Chương trình khẳng định tầm quan trọng của tuổi trẻ trong quá trình hình thành nên tương lai của Đông Nam Á, một khu vực quan trọng trong chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại hôm 4/9 với một số phóng viên từ ASEAN, bao gồm đại diện của Zing.vn, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes khẳng định chương trình YSEALI sẽ vẫn tiếp tục dù ông Obama rời nhiệm sở vào năm sau.
"Chúng tôi đã dành ra một khoản ngân sách theo diện chương trình ngoại giao công chúng của chính phủ Mỹ để bảo đảm YSEALI vẫn tiếp tục. Cá nhân Tổng thống Obama rất quan tâm chương trình này. Ông đã bày tỏ cam kết công khai về chuyện gắn kết với giới trẻ và những chương trình về các nhà lãnh đạo trẻ", ông Ben Rhodes nói.
Trong lịch trình thăm Lào, Tổng thống Obama sẽ đến thành phố Luang Prabang vào ngày 7/9 để gặp gỡ và phát biểu trước gần 200 đại biểu YSEALI các nước trong khu vực, bao gồm 21 đại diện Việt Nam.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from NEWS.