Toan tính của Triều Tiên khi phóng tên lửa qua Nhật Bản?
Triều Tiên hôm nay phóng một tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản. Đây là vụ phóng tên lửa đáng chú ý nhất của Triều Tiên kể từ tháng một, khi nước này khai hỏa tên lửa tầm trung Hwasong-12 có khả năng vươn tới lãnh thổ Guam của Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên một tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản kể từ năm 2017.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định tên lửa bay cao 1.000 km và bay xa 4.600 km, trước khi rơi xuống vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Với tầm bắn này, tên lửa có thể dễ dàng vươn tới đảo Guam và quần đảo Aleutian, nơi đặt những căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ.
Người dân tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, theo dõi bản tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản ngày 4/10. Ảnh: Reuters.
Vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng diễn ra vài ngày sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến thăm cấp cao tới Khu Phi quân sự (DMZ) tại biên giới liên Triều. Đây là lần khai hỏa tên lửa thứ 5 của Triều Tiên trong vòng 10 ngày qua, trong bối cảnh lực lượng Mỹ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn.
Giới phân tích cho rằng việc liên tục phóng thử tên lửa cả tầm ngắn và tầm xa giúp Triều Tiên kiểm nghiệm tính năng của các loại vũ khí trong biên chế, thiết kế những năng lực mới và gửi đi thông điệp rằng phát triển vũ khí là quyền chủ quyền của họ và thế giới cần chấp nhận điều này.
Nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trước đây được phóng theo góc cao, đưa chúng lên độ cao rất lớn trong không gian, nhưng hướng tới các vị trí không quá xa bãi phóng, nhằm tránh phương tiện hồi quyển rơi xuống vùng biển các nước láng giềng. Vụ phóng tên lửa mới nhất đặc biệt gây chú ý khi nó bay qua không phận Nhật Bản và thực hiện hành trình bay xa nhất từ trước tới nay.
Việc phóng vũ khí qua Nhật Bản cho phép các kỹ sư Triều Tiên nghiên cứu tính năng của tên lửa sát với điều kiện thực tế hơn, Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở ở Mỹ, đánh giá.
"So với góc phóng cao thường thấy, đường bay lần này cho phép phương tiện hồi quyển tiếp xúc với nhiệt độ và áp lực khí quyển giống với điều kiện sử dụng thực tế hơn", ông nhận xét.
Theo chuyên gia này, với đường bay như vậy, tên lửa chủ yếu ở ngoài bầu khí quyển khi bay qua Nhật Bản, nhưng hiệu ứng chính trị mà nó gây ra "khá phức tạp", khiến công chúng Nhật Bản lo lắng khi nhận được cảnh báo.
Shunji Hiraiwa, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nanzan, Nhật Bản, đánh giá tầm bắn này cho thấy Bình Nhưỡng có thể đã đạt được mục tiêu phát triển một loại tên lửa với khả năng vươn tới đảo Guam. "Đây là một tiến bộ quan trọng về công nghệ trong vòng 5 năm trở lại đây", ông nói.
Một số chuyên gia nhận định quả đạn mà Triều Tiên phóng đi có khả năng là tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, được thử nghiệm lần cuối ở tỉnh Jagang, phía bắc đất nước, hồi tháng một.
Triều Tiên hôm 1/10 cũng phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một địa điểm gần Bình Nhưỡng ra biển Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm qua thông báo tên lửa được phóng hồi cuối tuần đi xa hơn so với ước tính ban đầu. Nguyên nhân dẫn tới sai số là do "quỹ đạo bất thường" của nó.
Theo một phân tích được Nikkei công bố tuần trước, gần 40% tên lửa Triều Tiên được thử nghiệm kể từ năm 2019 tới nay có "quỹ đạo thay đổi" trong quá trình bay, cho thấy tiến bộ đáng kể của Bình Nhưỡng trong nỗ lực phát triển một thế hệ vũ khí mới chính xác hơn, khó bị đánh chặn hơn.
Ngoài mục đích kiểm nghiệm vũ khí, loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên có thể là tiền đề cho những thử nghiệm khác lớn hơn, thậm chí là thử hạt nhân, theo Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul.
"Các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn trước đây không tạo ra nhiều tác động. Con đường ngoại giao vẫn chưa bị chặn hoàn toàn, nhưng các cuộc đàm phán có lẽ chưa thể nối lại", ông nói. "Vậy nên, Bình Nhưỡng vẫn theo đuổi con đường gây áp lực bằng các vụ thử vũ khí, bằng cách tăng dần quy mô các vụ phóng".
Vụ phóng tên lửa ngày 4/10 được coi là một bước leo thang mới so với các lần thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn gần đây, nhưng dường như được Triều Tiên tính toán để không gây phản ứng quá quyết liệt từ Mỹ cũng như Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng.
"Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ đợi đến sau đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào giữa tháng 10 để tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí có ý nghĩa hơn về mặt quân sự", Easley nhận định.
Ông nói thêm rằng ngoài các loại tên lửa phóng trên mặt đất, Triều Tiên đang phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, loại vũ khí được cho là có thể uy hiếp đáng kể các căn cứ Mỹ và đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản nhờ khả năng ẩn mình trong lòng biển.
Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân Đông Á tại Viện Middlebury, suy đoán vụ phóng tên lửa tầm xa qua Nhật Bản còn có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang hướng đến một vụ thử hạt nhân. Bình Nhưỡng đã không tiến hành vụ thử hạt nhân nào trong 5 năm qua.
Bình Nhưỡng "sẽ tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa cho đến khi hoàn thành quá trình hiện đại hóa vũ khí. Tôi không nghĩ một vụ thử hạt nhân là quá xa vời", ông nói với CNN.
Go Myong-hyun, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, lưu ý rằng lần gần đây nhất Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản là hồi tháng 8/2017. Một tuần sau đó, họ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu.
Theo chính phủ Mỹ và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 của mình.
Hàng loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra sau khi nước này thông qua luật hạt nhân sửa đổi vào tháng trước, nêu rõ các tình huống nước này được phép tấn hạt nhân phủ đầu, trong đó có trường hợp quốc gia hoặc chính phủ bị tấn công bởi vũ khí thông thường.
Đường bay ước tính của tên lửa Triều Tiên trong vụ thử ngày 4/10. Đồ họa: AFP.
Khi thông báo về chính sách mới, ông Kim đồng thời khẳng định rằng Triều Tiên sẽ "không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân hay phi hạt nhân hóa, cũng như sẽ không tham gia vào bất kỳ hình thức đàm phán hoặc thương lượng nào đáp ứng điều kiện của đối phương".
Theo chuyên gia Go Myong-hyun, Triều Tiên thường không đột nhiên tiến hành thử hạt nhân, mà tiến hành loạt động thái leo thang trước đó bằng các vụ thử tên lửa.
"Họ muốn gây căng thẳng và kích động đồn đoán bằng những động thái như vậy, để khi thử hạt nhân thật sự, họ sẽ khuếch đại được tối đa thông điệp, rằng chúng tôi là một quốc gia hạt nhân và các bạn không thể làm gì với điều đó", Go nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/muc-dich-cua-trieu-tien-khi-phong-ten-lua-qua-nhat-4518912.html