Tính toán sai khiến xung đột ở Sudan bùng phát

22:00' 28-04-2023
Mỹ và các cường quốc tin rằng hai lãnh đạo quân sự Sudan sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ, nhưng xung đột bùng phát cho thấy họ đã tính toán sai.


    Khi quân đội Sudan tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống Omar al-Bashir năm 2019, dư luận trong nước và quốc tế đã phản ứng mạnh mẽ, buộc các tướng lĩnh chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok.

    Khi đó, thay vì trừng phạt phe quân sự, Mỹ, Anh cùng với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Arab Saudi (còn gọi là Bộ Tứ cho Sudan) đã thúc đẩy các lãnh đạo chính trị ở quốc gia này ngồi vào bàn đàm phán để đạt thỏa thuận về quá trình chuyển giao quyền lực từ quân đội sang chính quyền dân sự. Thỏa thuận này còn có sự góp sức của Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU).

    Nhưng chỉ hai năm sau, hy vọng khôi phục chính quyền dân chủ ở Sudan sụp đổ, khi quân đội do tướng Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy tiến hành cuộc đảo chính tiếp theo, với sự ủng hộ của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Dagalo lãnh đạo.

    Kể từ đó, tướng Burhan và Dagalo trở thành hai người quyền lực nhất Sudan, nắm trong tay hai lực lượng vũ trang có quy mô và sức mạnh gần tương đương. Họ cùng chia sẻ quyền lực trong chính quyền quân sự, sau khi đẩy phe dân sự ra khỏi chính phủ.

    Cameron Hudson, cựu nhà phân tích của CIA và hiện là chuyên gia châu Phi tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cho rằng các cường quốc thế giới và khu vực đã phạm sai lầm khi tin rằng cả hai tướng Sudan đều sẵn sàng nhượng bộ và đi đến thỏa thuận chuyển giao quyền lực.

    Vài tuần trước, niềm tin của cộng đồng quốc tế được củng cố khi cả Burhan và Dagalo đều đề cập đến một thỏa thuận nhằm xoa dịu bất đồng giữa họ, phần lớn liên quan tới cải cách an ninh và sáp nhập RSF vào quân đội chính phủ, cũng như đưa Sudan hướng tới nền dân chủ.

    Xe quân sự bị phá hỏng vì giao tranh ở miền nam Khartoum, Sudan. Ảnh: AP

    Xe quân sự bị phá hỏng vì giao tranh ở miền nam Khartoum, Sudan. Ảnh: AP

    Nhưng trong lúc họ gặp các nhà trung gian hòa giải nước ngoài và cam kết chuyển giao quyền lực, thiết giáp chở quân và xe tăng đã lăn bánh trên đường phố Khartoum. Cuối cùng, vào ngày 15/4, liên minh mong manh giữa hai tướng sụp đổ, đẩy Sudan vào cảnh xung đột khi cả hai đều muốn nắm quyền lực tuyệt đối, phớt lờ nỗ lực khôi phục nền dân chủ.

    "Việc hai thế lực leo thang bạo lực nhanh chóng như vậy không phải là điều bất ngờ", Hudson nói.

    Hudson, từng là chánh văn phòng cho các đặc phái viên Mỹ về Sudan trong thời gian Nam Sudan ly khai và nội chiến ở Darfur, cho biết ông đã ngạc nhiên khi Mỹ, Anh và các cường quốc khu vực đặt niềm tin vào hai tướng Burhan và Dagalo. Dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm việc với cả hai phe, ông cho rằng cả hai lãnh đạo quân sự này đều "nói một đằng, làm một nẻo".

    Hai tướng Sudan đều tuyên bố họ không còn lựa chọn nào khác ngoài giao tranh ở Khartoum. Khi xung đột kéo dài sang tuần thứ hai và lan rộng khắp cả nước, các chính phủ nước ngoài, gồm cả những quốc gia từng tham gia tiến trình hòa bình, đang vội vàng sơ tán công dân của họ.

    Trong khi đó, hàng triệu người Sudan bị mắc kẹt trong nhà, đối mặt tình trạng không có điện, nước, thực phẩm và tuyệt vọng tìm cách chạy trốn xung đột. Hơn 400 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương vì giao tranh.

    Chỉ vài giờ sau khi giao tranh nổ ra ngày 15/4, hai tướng từng là đồng minh quay sang chỉ trích và đe dọa lẫn nhau. Tướng Dagalo gọi Burhan là "tên tội phạm" đã phá hủy Sudan và đe dọa bắt ông này.

    "Chúng tôi biết ông đang trốn ở đâu và sẽ đến bắt ông chịu trách nhiệm trước công lý, hoặc ông sẽ phải chết", Dagalo nói, trước khi tuyên bố rằng RSF đang thực hiện "chủ quyền cho người dân".

    Trong khi đó, tướng Burhan chỉ trích Dagalo đã "nổi loạn" và tuyên bố sẽ đưa lãnh đạo RSF ra tòa. "Đây là âm mưu đảo chính và nổi dậy chống nhà nước", ông nói.

    Những lời đe dọa mà hai tướng quyền lực nhất Sudan nhắm vào nhau cho thấy tiến trình hòa bình, dân chủ ở quốc gia này gần như không tiến triển kể từ sau cuộc đảo chính năm 2019. Tổng thống Bashir từng bị các nước phương Tây chỉ trích là "độc tài" và bị Tòa Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt. Bốn năm sau khi Bashir mất quyền lực, tình hình Sudan càng tồi tệ hơn khi hai phe phái tranh giành quyền lực bằng súng đạn.

    "Đây là cuộc chiến giữa hai đối tác về chiến lợi phẩm mà họ giành được sau cuộc đảo chính. Đây cũng là cuộc chiến của hai người không quan tâm tới lợi ích của quốc gia này", Amgad Fareid, cựu cố vấn của cựu thủ tướng Abdalla Hamdok, nói.

    Ông thêm rằng nhóm "Bộ Tứ cho Sudan" và các tổ chức quốc tế đã góp phần tạo ra xung đột, khi thúc đẩy thành lập chính phủ bằng mọi giá, xem Dagalo và Burhan là các nhân tố chính trị quan trọng, ngay cả khi họ tìm cách cản trở quá trình chuyển đổi và cải cách thực sự cho đất nước.

    "Trong khi tướng Burhan không chân thành với lời kêu gọi cải cách lĩnh vực an ninh, tướng Dagalo cũng không thật lòng trong tuyên bố ủng hộ chuyển đổi dân chủ và trao quyền cho lực lượng dân sự ở Sudan. Dagalo chỉ coi chúng như phương tiện để duy trì ảnh hưởng và xây dựng lực lượng quân sự cho những tính toán tương lai", Fareid nói.

    Người dân

    Nhiều người lên xe sơ tán khỏi Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP

    Jeffrey Feltman, đặc phái viên Mỹ đầu tiên ở vùng Sừng châu Phi vào năm 2021, cho hay cuộc đảo chính năm 2021 đã chứng tỏ Burhan và Dagalo đều là những người không bao giờ có ý định hợp tác với chính quyền dân sự. Chỉ vài giờ trước cuộc đảo chính, hai tướng này vẫn gặp thủ tướng tạm quyền Hamdok và tuyên bố sẽ đồng ý với kế hoạch cải thiện mối quan hệ đối tác quân sự - dân sự.

    "Kể từ đó, lịch sử cho thấy nhiều lần lãnh đạo quân đội Sudan và RSF đưa ra cam kết để rồi sau đó phá vỡ chúng", Feltman nói. Bởi vậy, ông cho rằng các cường quốc đã phạm sai lầm khi tin Burhan và Dagalo quan tâm tới cải cách chính trị ở Sudan.

    "Họ đã lảng tránh hậu quả từ việc liên tục không áp lệnh trừng phạt với hai tướng này. Thay vào đó, họ xoa dịu và dung túng cho hai lãnh chúa quyền lực", Feltman nói.

    Tình trạng bạo lực ở Sudan đã châm ngòi làn sóng chỉ trích ở Washington, khi thượng nghị sĩ Jim Risch, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không trừng phạt các tướng Sudan.

    "Cũng như năm 2019 và 2021, những gì xảy ra vài ngày qua ở Sudan phản ánh rõ hành vi của những người muốn cai trị đất nước bằng bạo lực. Thật không may khi cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực lại mù quáng tin tưởng tướng Burhan và Dagalo khi họ nói sẽ trao quyền cho người dân", Risch nói, kêu gọi chính phủ Mỹ lập tức áp lệnh trừng phạt hai tướng này.

    Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP

    Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP

    Hudson cũng cho rằng Mỹ đáng lẽ phải trừng phạt Dagalo và Burhan ngay sau khi họ triển khai lực lượng đàn áp phong trào biểu tình của người dân vào tháng 6/2019. Vì không bị trừng phạt, hai tướng Sudan đã tiếp tục tự coi mình là đối tác của phe dân sự ở Sudan và xây dựng hình ảnh như những chính trị gia uy tín.

    "Mỹ đã có một số cơ hội để đưa hai tướng Sudan ra khỏi sân khấu chính trị, nhưng chúng tôi đã không làm. Đó là sai lầm đầu tiên của chúng tôi", Hudson nói, thêm rằng sai lầm tiếp theo là đưa ra thỏa thuận về quá trình chuyển đổi chính trị năm 2021, cho phép họ có vị thế ngang bằng với lực lượng dân sự.

    "Khi không áp lệnh trừng phạt họ, chúng tôi trên thực tế đã công nhận và biến họ thành các nhân tố chính trị quan trọng ở Sudan, trong khi họ không nên được đối xử như vậy", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tinh-toan-sai-lam-day-sudan-vao-hon-loan-4598649.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ