Tính nhân văn trong những thước phim thảm họa
Đề tài thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là bão lũ luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo thượng đế màn ảnh. Họ thường cảm thấy choáng ngợp và đau xót bởi những cảnh tượng thành phố khổng lồ đổ nát dưới sức mạnh của thiên nhiên, khác biệt so với những thước phim cháy nổ hoành tráng trong các bộ phim siêu anh hùng xa rời thực tế.
Đằng sau những thước quay bi kịch, hoành tráng này, có nhiều lý do giải thích cho việc nhiều bộ phim thảm họa như The Day after Tomorrow và Independence Day không chỉ gây ấn tượng trong chốc lát mà còn để lại âm hưởng lâu dài trong lòng khán giả.
Hành trình tiếp cận
Bộ phim về đề tài thiên tai đầu tiên được cho là Fire! (1901) do đạo diễn James Williamson thực hiện, với quy mô khiêm tốn so với các tác phẩm hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, phim đã nhanh chóng chứng minh sức hút với khán giả trước những thảm họa có thể ập tới bất ngờ. Nối tiếp thành công đó, các bộ phim cùng chủ đề tiếp tục xuất hiện lẻ tẻ trong suốt những thập niên tiếp theo, có thể kể tới như In Nacht und Eis (1912), The Last Day of Pompeii (1935), The Deadly Mantis (1957) hay Krakatoa, East of Java (1968),...
Thời kỳ hoàng kim của dòng phim này bắt đầu với sự ra mắt của Airport (1970). Bộ phim do George Seaton đạo diễn cùng sự tham gia của Burt Lancaster, George Kennedy tạo nên thành công rực rỡ cùng hơn 100 triệu USD doanh thu phòng vé, tiếp động lực cho sự đổ bộ của loạt tác phẩm đình đám khác như The Poseidon Adventure (1972), The Towering Inferno (1974) và Beyond the Poseidon Adventure (1979),... Khác biệt so với thời kỳ đầu, các bộ phim kể từ giai đoạn này đã đầu tư chỉn chu hơn về nội dung cùng kịch bản. Sự kết hợp giữa yếu tố hoài niệm các sự kiện lịch sử và cốt truyện về xã hội hỗn loạn khó kiểm soát đã giúp đề tài thảm họa chính thức tạo nên xu hướng mới lạ trên màn ảnh.
Con người trở nên cô độc, nhỏ bé trước những thảm họa. |
Trong khi đó, vào những năm 1990, phim thảm họa đã phát triển với xu hướng quan tâm hơn đến việc gieo mầm hy vọng và nhân văn thời đại hơn là đơn thuần tập trung vào sự tồi tệ của thiên tai. Các tác phẩm như Independence Day (1996) và Deep Impact (1998) đều phản ánh câu chuyện mọi người từ đủ tầng lớp xã hội chung sức đấu tranh để tồn tại khi đối mặt với những thảm kịch khôn lường tàn phá cả hành tinh sống.
Tiếp đó, Volcano đưa motif này lên đỉnh cao bằng chi tiết tro bụi từ một vụ núi lửa phun trào làm nhuộm đen tất cả, vẽ một bức tranh bình đẳng khi “các chủng tộc trong thảm họa đều có màu da giống nhau”. Đạo diễn Mick Jackson thành công khi tạo nên một tia sáng hy vọng rằng ngay cả một ngọn núi lửa chết chóc cũng có thể là bài toán giúp giải quyết nạn phân biệt chủng tộc đang nhức nhối thời bấy giờ.
Chủ đề thời sự nóng bỏng
Một trong số lý do các bộ phim thảm họa nhận được sự yêu thích lâu dài tới như vậy, không thể không kể tới cảm giác hồi hộp và bầu không khí căng thẳng mà chúng mang lại. Giống như những vụ án ghê rợn trong thể loại phim kinh dị, giật gân, các viễn cảnh thảm kịch cung cấp góc nhìn để người xem chứng kiến sự đáng thương, khốn khổ của con người.
Chúng bao gồm các tình trạng hỗn loạn, chết chóc, tuy nhiên, khác biệt với phim kinh dị truyền thống, những thước phim thảm họa nán lại mô tả chi tiết tất cả những mất mát này. Điều đó đặc biệt hấp dẫn khán giả bởi đây là một dạng phim hiếm hoi tiếp nhận hay xử lý các tình huống ít nhiều liên quan trực tiếp đến thực tế.
Đơn cử, các tình tiết của Geostorm (2017) đã được khổng lồ hóa, nhưng bão, lốc xoáy, thủy triều,... đều là những sự kiện có thể xảy ra trong thế giới thực. Tương tự, yếu tố này cho phép San Andreas (2015) xây dựng thảm kịch giả tưởng nhưng sát với cuộc sống thường nhật, mang lại cảm xúc sâu đậm cho người xem. Điều đó giải thích cho việc, tính thực tế có thể giúp phim thảm họa nổi bật trong bối cảnh nhiều bom tấn kinh phí cao lại thường tập trung khai thác các câu chuyện giả tưởng diễn ra trên những hành tinh khác.
Tính nhân văn trong những thước phim thảm họa luôn là điểm sáng. |
Bên cạnh việc sử dụng các bi kịch lũy tiến đẩy cao trào lên đỉnh điểm, nhiều tình tiết đời thường về giới tính, tình dục và văn minh xã hội vẫn được duy trì trong các bộ phim thuộc chủ đề này. “Các nhà biên kịch luôn có thể nghĩ ra những thảm họa tàn khốc mới lạ để thổi bay Las Vegas, New York hoặc London, tuy nhiên, khái niệm về việc lật đổ các tiêu chuẩn của xã hội phương Tây chưa bao giờ lọt vào tâm trí của họ”, theo bình luận của Douglas.
Chứng kiến thế giới sống bị tàn phá như vậy tạo nên nỗi ám ảnh, những trăn trở khó quên về mối liên hệ và tác động đa chiều giữa thiên nhiên, con người. Đây là điều mà chỉ dòng phim thảm họa mới có thể mang lại được và chính những nét hấp dẫn riêng biệt như vậy trở thành nền tảng tạo nên sức hút không thể chối bỏ của thể loại này. Chính vì điều đó, chúng luôn giữ vững vị thế của một dòng phim nổi bật trong kinh đô Hollywood hiện đại.
Như Roland Patrick từng nhận xét, chừng nào khán giả còn thèm muốn nhìn thấy viễn cảnh những thành phố quen thuộc biến thành tro bụi, Hollywood sẽ còn tiếp tục sản xuất cho tới khi ánh dương trong những tác phẩm như Crawl lụi tắt.
Đằng sau những thước phim là sự kỳ công
Dưới góc nhìn cận cảnh hơn, dòng phim thảm họa có xu hướng gây được tiếng vang lớn tới vậy một phần lớn nhờ công sức của hiệu ứng hình ảnh và kỹ xảo hoành tráng.
The Impossible (2012) tái hiện lại trận sóng thần khủng khiếp ở Ấn Độ Dương vào năm 2004. Cảnh tượng những con sóng thần cuốn bay mọi thứ diễn ra chỉ trong 10 phút đã tiêu tốn hàng triệu gallon nước biển thật, được nhuộm sẫm bằng phẩm màu để trông chân thật hơn.
Để tạo dựng cảnh cơn sóng ập vào khu resort quét sạch nhà cửa, cây cối và mọi thứ trên đường đi, ê-kíp làm phim đã phải dựng lên mô hình giả với tỷ lệ 1:3. Sau nhiều lần thử nghiệm, họ đã tạo nên những cơn sóng hung bạo bằng cách sử dụng 1000 gallon nước với sức đẩy bằng 8 chiếc xe công thức 1 cộng lại.
Một cảnh phim trong The Impossible (2012). |
Tương tự, Pompeii (2014) dựa trên thiên tai có thật trong lịch sử. Những gì chúng ta biết về sự kiện này chỉ dựa trên các giả thuyết khoa học, ghi chép viết tay và những gì còn lại trong đống đổ nát. Đoàn làm phim đã phải xây dựng cả một thị trấn cổ tương tự như thật chỉ để tạo nên những thước phim thảm họa chân thực, sống động đem tới cho khán giả.
Ê-kíp của đạo diễn đã mất tới 8 năm để nghiên cứu và phác thảo thành phố với nhiều công đoạn khác nhau. Đội hiệu ứng hình ảnh cũng phải sử dụng VFX để tạo nên hơn 100 toà nhà và 200 cảnh vật phức tạp bằng đồ hoạ máy tính.
Dưới sự kỳ công của đội ngũ làm phim, những cảnh tượng thiên tai trên màn ảnh hiện lên chân thực, đầy thảm khốc. Cùng với kịch bản hấp dẫn và những dụng ý nhân văn sâu sắc của thời đại, dòng phim này luôn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Sức hút đôi khi đến từ sự hùng tráng của điện ảnh, nhưng thực tế, còn đến từ chính sự cảm thương của người xem với sự bé nhỏ của phận người.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/dang-sau-sieu-bao-post1359177.html