Tin Úc: Sinh viên có nguồn gốc tị nạn đối mặt với nhiều rào cản lớn khi học đại học ở Úc

19:30' 22-02-2020
Theo hãng tin Education HQ, một nghiên cứu được công bố gần đây đã phát hiện rằng, những sinh viên là người tị nạn ở các trường đại học của Úc phải đối mặt với những rào cản lớn trong quá trình học và thường cảm thấy bị xã hội loại trừ và bị cô lập khi đi học – mặc dù đã có những tiến bộ trong những năm gần đây.


Photo: educationhq.com
Nghiên cứu này cho thấy các trường đại học không hỗ trợ đầy đủ cho sinh viên có nguồn gốc tị nạn – những người bị buộc phải rời khỏi đất nước của các em vì bị đàn áp, chiến tranh hoặc bạo lực – và thường chỉ áp dụng một cách giáo dục chung cho tất cả sinh viên.
Điều này dẫn đến kết quả là những sinh viên có nguồn gốc tị nạn không thể hiện thực hóa khát vọng học tập của các em.
Tác giả của nghiên cứu, Phó Giáo sư Loshini Naidoo thuộc Đại học Tây Sydney, nói rằng những sinh viên là người tị nạn là một nhóm “người vô hình” trong mắt các nhà hoạch định chính sách bậc đại học.
Lý do là vì các chương trình và lộ trình chuẩn hóa được thiết kế để hỗ trợ sinh viên chuyển cấp từ trung học lên đại học đã không xem xét đúng đắn các rào cản học tập và xã hội mà sinh viên là người tị nạn gặp phải.
Nghiên cứu của bà Naidoo minh họa những vấn đề này bằng cách sử dụng câu chuyện của bốn sinh viên là người tị nạn, được phỏng vấn ở NSW và Vùng Lãnh thổ Thủ đô.
Nghiên cứu xác định rằng các sinh viên này thường không quen với môi trường đại học ở Úc, và phải đối mặt với sự cô lập xã hội và vỡ mộng ở trường đại học.
Một sinh viên cho biết em đã uống rượu bia để tỏ ra “hòa nhập”, trong khi hai sinh viên bày tỏ lo ngại về việc bị dò xét vì lý lịch của các em.
Một sinh viên khác cho biết em đã bị vỡ mộng và mất tinh thần sau khi được biết rất nhiều sinh viên có nguồn gốc tị nạn không thể tìm được việc làm sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, những hạn chế về tài chính cũng là một rào cản đối với việc hòa nhập xã hội của sinh viên có nguồn gốc tị nạn.
Bà Naidoo giải thích rằng, các em thường phải làm thêm nhiều giờ bên cạnh việc học và không có thời gian cho mạng xã hội, vì vậy các em càng bị cô lập và bị xa lánh nhiều hơn.
Ngôn ngữ là một thách thức khác đối với những sinh viên được hỏi, bất chấp có sự hỗ trợ nhiều hơn của giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường trung học.
Hong Dao - Viet Times Australia (Published by Adpro Media P/L)

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Katie Hall MP Parliament of Victoria Vùng: Footscray. Phone: 9689 4283
Xem thêm

Katie Hall - ứng cử viên đảng Lao động mới cho vùng Footscray


Article sourced from educationhq.com.