Tiết lộ về nhân vật “cản bước” kế sách cứng rắn của Mỹ với Triều Tiên
Ông Victor Cha.
Vào ngày 30/1, tờ Washington Post tiết lộ một thông tin gây xôn xao dư luận: Victor Cha - người được coi là ứng viên cho chức danh Đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc đã bị Nhà Trắng từ chối lựa chọn do bất đồng trong quan điểm về vấn đề Triều Tiên.
Cha, nhân vật theo đường lối cứng rắn, nổi tiếng cả ở Washington lẫn Hàn Quốc khi ủng hộ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên.
Không chỉ là một chính khách kinh nghiệm, ông vốn là một học giả nổi tiếng và từng giữ cương vị cố vấn cấp cao về các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Bush.
Cha không phải là một ứng cử viên lý tưởng theo quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc hiện tại, khi Tổng thống Moon Jae-in đang bận rộn trong những nỗ lực tái lập quan hệ với Triều Tiên.
Tuy nhiên, lý do ông Cha bất ngờ bị “trượt” chức danh Đại sứ lại không phải do áp lực từ phía Seoul mà bắt nguồn từ việc ông lại không ủng hộ cái gọi là kế hoạch "đấm chảy máu mũi" Triều Tiên – chiến lược tấn công chớp nhoáng gây ra nhiều rủi ro mà chính quyền Tổng thống Donald Trump gợi ý trong thời gian gần đây.
Đây không phải lần đầu tiên lập trường cứng rắn về vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Trump khiến giới học giả quan ngại.
Trước đó, những lời chỉ trích bằng ngôn ngữ không mấy lịch sự của ông Trump nhắm vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khiến phía Bình Nhưỡng không ít lần phản bác một cách giận dữ.
Bên cạnh những lời lẽ không hay trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ còn đe dọa sử dụng các lựa chọn quân sự táo bạo nhắm vào đối thủ đến từ Đông Bắc Á.
Ông Trump cảnh báo sẽ cho Triều Tiên nếm mùi “lửa và cuồng nộ" và tuyên bố đàm phán với quốc gia này là một sự lãng phí thời gian.
Cùng lúc đó, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức những cuộc tập trận chung quy mô lớn. Washington cũng huy động tàu chiến cùng máy bay ném bom tuần tra gần lãnh thổ Triều Tiên.
Mỹ gần đây cũng đã vận động thành công trong việc áp đặt lệnh trừng phạt khắt khe hơn đối với Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Sau khi Triều Tiên đồng ý gửi một phái đoàn thể thao đến Thế vận hội Pyeongchang tại Hàn Quốc, hai miền liên Triều đã có những cuộc đối thoại giảm căng thẳng trên bán đảo sau nhiều năm và được công chúng hoan nghênh.
Mặc dù Tổng thống Trump đã ca ngợi các cuộc thảo luận giữa Bình Nhưỡng và Seoul là một điều tốt, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại tỏ ra không chào đón tiến triển mới này khi nói rằng Triều Tiên sẽ vận dụng Thế vận hội cho mục đích "tuyên truyền".
Bất chấp tình hình trên bán đảo đang có những diễn biến tích cực, các nhà phân tích cho rằng, Washington vẫn cố chấp đi ngược lại dư luận và thể hiện sự hẹp hòi của mình chỉ vì lý do nước này không có tiếng nói trong các cuộc đối thoại liên Triều.
Thông điệp Liên bang của ông Trump khi nhắc tới Triều Tiên khiến nhiều người liên tưởng đến Iraq.
Khi nhắc đến Triều Tiên trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang trước Quốc hội, nhiều nhà bình luận Mỹ đã chú ý đến sự giống nhau giữa lời nói của chính quyền Trump và giới lãnh đạo dưới thời chính quyền George W Bush đưa ra vào đầu những năm 2000 để biện minh cho cuộc xâm lược Iraq.
Giống như cựu Tổng thống Bush, ông Trump đặt câu hỏi về sự tin cậy và tính hợp pháp của chính quyền Kim Jong-un – một điều được cho là can thiệp vào nội bộ nước khác. Đồng thời nhấn mạnh, Triều Tiên là mối đe dọa của Mỹ và khẳng định đây là thời điểm cần phải có những giải pháp bảo vệ.
Sự tái khẳng định của ông Trump về khả năng sử dụng giải pháp quân sự tấn công Triều Tiên một lần nữa khiến các nhà quan sát lo ngại, cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên là không thể tránh khỏi.
Tất nhiên, một số quan điểm cho rằng có khả năng Tổng thống Trump chỉ muốn đe dọa bằng ngôn từ mạnh mẽ để buộc chính quyền Kim Jong-un phải nhượng bộ, nhưng với một nhân vật khó đoán như ông Trump, điều này cũng không hoàn toàn chắc chắn.
“Trump đang chơi trò cò quay Nga với những người dân Hàn Quốc, thậm chí là cả với 230.000 người Mỹ đang ở quốc gia này”, ông Victor Cha viết trên tờ Washington Post. "Tổng thống đang đặt một số lượng người dân bằng với một thành phố kích cỡ trung bình của Mỹ vào tầm nguy hiểm”.
“Tổng thống Trump có thể đúng về một điều: Thời gian không còn nhiều cho Mỹ, nếu không dừng lại nỗ lực của Triều Tiên trong việc phát triển tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân, nhưng nếu vì lý do này mà Mỹ muốn bắt đầu một cuộc xung đột, đó là lý do ngu ngốc trên thế giới”, Se-Woong Koo, người sáng lập tạp chí Expose (Hàn Quốc) bình luận.
Nhiệm vụ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiện tại là một mặt hỗ trợ các chiến thuật gây áp lực của Mỹ đối với Triều Tiên, nhưng mặt khác ngăn chặn mọi nguy cơ xảy ra một cuộc chiến trên đất nước mình.
Ông Moon cũng từng tuyên bố sẽ không có cuộc chiến tranh nào mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc, nhưng điều này không có nghĩa ông thực sự có khả năng ngăn chặn Mỹ, khi ảnh hưởng của Washington vẫn còn quá lớn.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2055785