Thịt chua đu đủ - món ăn truyền thống của người Mường Tân Sơn mỗi dịp Tết đến xuân về
Miền núi Tân Sơn, Phú Thọ nổi tiếng với cảnh đẹp nên thơ của đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn và những món ngon dân dã đậm đà bản sắc như lợn lửng, gà chín cựa, cá suối… Tuy nhiên không thể không nhắc đến món ăn nổi tiếng đậm chất xứ Mường đó là thịt chua đu đủ.
Khác hoàn toàn với thịt chua từ nhiều vùng khác, thịt chua đu đủ với độ dai dai, giòn giòn của sợi quả đu đủ, vị ngọt đượm của thịt lợn và mùi thơm của thính gạo… tạo nên hương vị khác biệt không đâu có được.
Thịt, thính và sợi đu đủ xanh là những nguyên liệu không thể thiếu để làm nên món ăn truyền thống này. Thịt, thính và sợi đu đủ sau khi sơ chế, ngấm gia vị sẽ được trộn đều với nhau, sau đó nén thật chặt trong hộp, đóng nắp lại và bảo quản ở nhiệt độ thoáng mát.
Nguyên liệu không thể thiếu khi làm thịt chua đu đủ
Theo những người cao tuổi ở xứ Mường nơi đây, khi xưa, mảnh đất Tân Sơn này có nhiều lợn rừng, lợn đen ngon. Với mong muốn bảo quản thịt để ăn lâu dài, người dân đã nghĩ ra cách ướp thịt với muối cùng với một chút thính ngô tự giã. Thịt lúc đó được cắt thành những miếng to để trong chum, vại, ống nứa. Món thịt chua đã bắt nguồn từ đó.
Thịt chua đu đủ được coi như "của để dành" của bà con xứ Mường. Món thịt chua ra đời với "nhiệm vụ" là dự trữ thịt được lâu hơn.
Cô Hoàng Thị Sáu, người Mường ở xóm Nà Đồng, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là người có nhiều kinh nghiệm trong cách chế biến thịt chua đu đủ chia sẻ, để chế biến món thịt chua này, bà con Tân Sơn chỉ chọn lấy thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn đã được sơ chế sạc, thái thịt thành những miếng mỏng để ướp gia vị. Thính gạo rang phải đảm bảo chín đều, không cháy, thơm ngon và có màu vàng hấp dẫn. Đu đủ xanh phải bào thành sợi mỏng và vắt khô nước.
Cô Hoàng Thị Sáu – một trong những người lưu truyền món ăn truyền thống cho con cháu tại Tân Sơn
Hỗn hợp gồm thịt, thính và sợi đu đủ khi đã ngấm gia vị được nén vào ống nứa khô có lót lá ổi, bọc kín đầu bằng lá chuối hoặc lá dong sạch. Ngày nay, bà con dùng các hộp có nắp đậy kín để tiện hơn.
Thịt chua sau khi sơ chế được bảo quản cẩn thận bằng hộp nhựa
Thịt chua đu đủ được ăn kèm với lá sung, lá mơ, lá ổi, lá nhội, đinh lăng và chấm kèm với tương ớt. Vị ngọt của thịt, mùi thơm ngậy của thính quyện cùng sợi đu đủ giòn dai đã trở thành món ăn phổ biến những dịp lễ tết quan trọng trong mâm cơm của người dân Tân Sơn.
Mỗi một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có một đặc sản riêng không lẫn vào đâu được. Thịt chua đu đủ đã trở thành niềm tự hào của bà con Xứ Mường nói riêng và vùng đất Tổ nói chung đối với thực khách gần xa khi ghé thăm mảnh đất này.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3632107