Thế khó của Mỹ khi chuyển tên lửa Patriot cho Ukraine
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 14/12 cho biết giới lãnh đạo Nga có chung quan điểm với Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev, người đã cảnh báo rằng các hệ thống phòng không Patriot và kíp vận hành NATO là "mục tiêu hợp pháp" nếu xuất hiện tại Ukraine.
Phát biểu được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ dẫn lời ba quan chức giấu tên tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ sớm phê duyệt kế hoạch chuyển tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine và trình lên Tổng thống Joe Biden ký duyệt. Binh sĩ Ukraine dự kiến được huấn luyện vận hành tổ hợp này tại một căn cứ của lục quân Mỹ ở Đức.
Giới chuyên gia Mỹ cho rằng hệ thống Patriot sẽ cải thiện đáng kể năng lực tác chiến của phòng không Ukraine trước đòn tấn công của Nga, nhưng thừa nhận cảnh báo từ Moskva cho thấy những thách thức lớn với tổ hợp này khi được triển khai tại môi trường tác chiến phức tạp như Ukraine.
Kể từ khi ra mắt năm 1984, hệ thống Patriot đã được triển khai trên khắp châu Âu và Trung Đông, từng bắn hạ hơn 100 tên lửa đạn đạo trong các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, Patriot chưa từng tham chiến trong một cuộc xung đột quy mô lớn như chiến sự Nga - Ukraine.
Khẩu đội Patriot Mỹ triển khai ở Croatia hồi năm 2021. Ảnh: US Army.
Theo chuyên gia Tyler Rogoway của chuyên trang quân sự War Zone, thách thức đầu tiên mà Patriot đối mặt nếu được triển khai trên chiến trường Ukraine là nguy cơ bị Nga phát hiện và định vị bằng những hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT) như trinh sát cơ Il-20.
"Không giống các tổ hợp cơ động cao như pháo HIMARS, Patriot thường được triển khai cố định, chiếm nhiều diện tích, cần nhiều binh sĩ vận hành và sử dụng radar phát tín hiệu rất mạnh", Rogoway nói.
Đại tá về hưu David Shank, cựu hiệu trưởng Trường Pháo phòng không Lục quân Mỹ, cho biết mỗi khẩu đội Patriot hoàn chỉnh gồm một xe chỉ huy, một đài radar cảnh giới và dẫn bắn, xe phát điện, đài thông tin liên lạc cùng 6-8 bệ phóng.
Mỹ cần 50-60 binh sĩ để triển khai các hệ thống trong tổ hợp này. Sau khi được triển khai, phần lớn hệ thống Patriot vận hành tự động, bộ phận duy nhất cần thao tác của con người là đài điều khiển hỏa lực với kíp ba người. Tuy nhiên, Patriot vẫn cần 25-30 người vận hành, bảo dưỡng thường xuyên.
"Một khẩu đội Patriot phải triển khai trên diện tích 100 hecta. Chúng rất dễ bị phát hiện bởi lực lượng tình báo, trinh sát và do thám (ISR) của Nga. Các đài radar AN/MPQ-53 hoặc phiên bản nâng cấp AN/MPQ-65 có công suất phát sóng mạnh, khiến chúng dễ bị phát hiện và trở thành mục tiêu tập kích hàng đầu của Nga", đại tá Shank nhận xét.
Patriot dễ tổn thương trước nhiều loại vũ khí Nga, vốn đang được triển khai với cường độ mà các tổ hợp này chưa bao giờ đối mặt. "Tên lửa diệt radar sẽ là một trong những vũ khí chính để đối phó với Patriot. Radar bị phá hủy sẽ khiến hệ thống này trở nên vô dụng", ông Shank nói thêm.
Các tiêm kích đa năng như Su-30SM và Su-35S Nga tham chiến tại Ukraine thường xuất kích với tên lửa diệt radar Kh-31P có tầm bắn 110 km. Loại tên lửa này được trang bị nhiều loại đầu dò thụ động, trong đó một mẫu được thiết kế chuyên nhắm bắn hệ thống Patriot.
Tên lửa diệt radar Kh-31P treo dưới cánh tiêm kích Su-35S Nga tham chiến tại Ukraine. Ảnh: Zvezda.
Phiên bản nâng cấp Kh-31PD/PM có tầm bắn 260 km và đầu dò thụ động phổ rộng, có thể phát hiện và bám bắt tín hiệu từ nhiều loại đài radar khác nhau. "Đây là loại vũ khí nhiều khả năng sẽ được không quân Nga sử dụng khi phải đối mặt với nhiều lớp phòng thủ được bố trí quanh các khẩu đội Patriot", Rogoway nhận định.
Ngoài các biện pháp tình báo điện tử, Nga cũng có thể phát hiện trận địa Patriot nhờ vệ tinh, máy bay không người lái (UAV) và cả tình báo dưới mặt đất. Những trận địa này này thể trở thành mục tiêu tập kích của tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và UAV tự sát, vốn là các vũ khí có tầm bắn hàng trăm đến hàng nghìn km và rất khó bị đánh chặn.
"Nga có thể tung đòn tấn công cường độ lớn, sử dụng nhiều loại vũ khí từ nhiều hướng để gây khó cho hoạt động phòng thủ. Phương án đối phó lý tưởng của Ukraine sẽ là bố trí hàng loạt hệ thống phòng không tầm thấp và tác chiến điện tử, đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh nguy cơ gây nhiễu hoặc cản trở lẫn nhau", Skank cho hay.
Chưa có khẩu đội Patriot nào bị phá hủy trong chiến đấu, dù chúng đã trải qua nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông. "Tuy nhiên, các hệ thống Patriot cũng chưa từng đối mặt hệ thống trinh sát và vũ khí tiến công với số lượng, chất lượng như Nga sử dụng hiện nay", cựu đại tá Mỹ cảnh báo.
Tên lửa Patriot rời bệ phóng trong cuộc thử nghiệm của lục quân Mỹ tháng 3/2019. Ảnh: US Army.
Ngoài nguy cơ dễ bị tập kích, quân đội Ukraine cũng phải đối mặt với bài toán chi phí khi sử dụng Patriot. Mỗi quả đạn đánh chặn của hệ thống này có giá khoảng 3 triệu USD, không phù hợp để đối phó mục tiêu chỉ vài chục nghìn USD như UAV.
Nga đang áp dụng chiến thuật mở màn tiến công bằng lượng lớn UAV tự sát rồi tung đòn quyết định bằng tên lửa, nhằm buộc đối phương khai hỏa nhiều đạn đánh chặn đắt tiền trước khi đối mặt với những tên lửa hiện đại.
Khả năng đánh chặn của Patriot cũng là dấu hỏi lớn, khi quân đội Arab Saudi biên chế tổ hợp này từng nhiều lần thất bại trong nỗ lực bắn hạ tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi tại Yemen.
Giới chuyên gia từng ghi nhận các đợt tên lửa Patriot của Arab Saudi không bắn trúng mục tiêu nào, thậm chí có quả đạn còn quay đầu và lao xuống đất hoặc phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng. Tuy nhiên, những sự cố này nhiều khả năng còn liên quan đến năng lực bảo dưỡng và vận hành trên thực địa.
"Nếu tên lửa Patriot được triển khai ở Ukraine, chúng chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu tập kích hàng đầu của Nga. Chúng ta sẽ được chứng kiến hệ thống này thử lửa trước những mối đe dọa chưa từng thấy trước đây", cựu đại tá Shank nhận định.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/thach-thuc-voi-ten-lua-patriot-khi-trien-khai-tai-ukraine-4548521.html