Thành công nào cũng đi kèm một cái giá khá đắt
Tôi đã học được một điều về thành công: rằng nó đi kèm với một cái giá phải trả.
Có một mức giá mà bạn phải trả để có được những gì mình muốn, dù là bạn muốn có nhiều tiền hơn, những mối quan hệ tốt hơn, cảm giác hài lòng hơn, trưởng thành hơn, hay một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Cái giá đó gọi là sự tận tâm.
Một số người sẽ bảo bạn rằng, bạn có thể giảm 10kg chỉ trong vài tuần. Rất là dễ, những người cho lời khuyên đều nói như thế. Không phải vậy.
Tác giả nổi tiếng Andy Rooney đã nhận xét rằng, hai loại sách bán chạy nhất trong bất kỳ hiệu sách nào là sách dạy nấu ăn và sách về ăn kiêng. "Sách dạy nấu ăn bảo bạn làm thế nào để chế biến thức ăn; còn sách về ăn kiêng bảo bạn làm cách nào để đừng ăn chỗ thức ăn đó". Nếu việc tăng giảm cân mà dễ dàng, thì ai sẽ mua những cuốn sách nói trên?
Đạt được những mục tiêu không bao giờ là dễ cả. Luôn có một cái giá, và cái giá đó gọi là sự tận tâm.
Bạn có muốn xuất sắc trong một môn thể thao, chơi giỏi một nhạc cụ hay trở thành một họa sĩ được công nhận? Có một câu chuyện vui thế này: một người đàn ông bị lạc ở thành phố New York. Ông ấy ngó qua cửa sổ một chiếc taxi đang đậu và hỏi tài xế: "Làm sao để vào được trường đại học Yale?". Tài xế đáp: "Phải học, học, học nhiều vào".
Tất nhiên, người lái xe taxi đã hiểu nhầm ý. Nhưng nếu bạn muốn thật giỏi điều gì đó, thì luôn có một cái giá bạn nhất định phải trả, gọi là "sự tận tâm".
Rất nhiều người trong số chúng ta muốn gắn bó, thân thiết hơn với các thành viên khác trong gia đình hoặc bạn bè. Mặc dù không có biện pháp nào đảm bảo 100% thành công, nhưng có một điều chắc chắn: những mối quan hệ đó sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, nếu không có sự tận tâm.
Hồi anh em chúng tôi còn nhỏ, bố tôi muốn làm sao để cha con gần gũi hơn. Mà thường thì bố quá bận nên không dành đủ thời gian cho chúng tôi. Vậy là, bố quyết định sẽ đưa một trong hai anh em tôi đi ăn sáng vào mỗi cuối tuần. Chỉ có bố với một trong hai đứa. Bố nói rằng, đó là khoảng thời gian riêng của bố với một cậu con trai. Với tôi hồi ấy, đó là cơ hội để chỉ có tôi và bố, muốn nói gì hay hỏi gì cũng được, không bị làm phiền hay sao lãng bởi bất kỳ ai.
Về sau này, bố nói, có một số tuần, bố tôi rất "ngán" việc đưa một trong hai anh em tôi đi ăn sáng. Có thể vì tuần đó quá bận, hay bố quá mệt, và bố rất muốn tạm gác lại. Có một số tuần, bố còn… hết tiền. Nhưng bố tôi coi đó là "việc có mức độ ưu tiên cao".
Cho nên, dù lý do là gì, bố vẫn thực hiện. Và tất nhiên, hai anh em chúng tôi lúc nào cũng chờ đến lượt mình, một phần vì được ăn tiệm. Phần nữa vì những buổi ăn sáng đó trở thành những khoảng thời gian để lắng nghe và trò chuyện và kết nối, chứ không bao giờ là để thuyết phục và sửa lỗi (đây là nguyên tắc). Bố tôi kết luận: "Mặc dù bố đã mắc rất nhiều sai lầm khi làm cha, nhưng nếu bố được làm lại từ đầu, bố vẫn sẽ giữ những buổi ăn sáng đó".
Chúng ta đều phải trả một cái giá cho bất kỳ thứ gì giá trị. Cái giá đó gọi là sự tận tâm. Nhưng đây mới là phần tuyệt vời nhất: một khi bạn đã trả, một khi bạn thực sự tận tâm và cố gắng hết mình cho một điều gì đó quan trọng, thì bạn sẽ thấy rằng, mức giá đó là xứng đáng.
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/dung-tin-neu-ai-do-noi-rang-dat-duoc-mot-dieu-gi-do-la-chuyen-de-dang-bat-ky-dieu-gi-gia-tri-cung-di-kem-mot-cai-gia-phai-tra-K7DxgsenKxntt.html