Siêu trung tâm sản xuất hydro xanh bằng gió và mặt trời ở Queensland
Năng lượng được tạo ra từ dự án Siêu trung tâm Bắc Queensland có thể sản xuất hydro xanh cũng như cung cấp năng lượng tái tạo cho lưới điện. Ảnh minh họa: ARENA
Dự án có tên gọi là Siêu trung tâm Bắc Queensland, do công ty Fortescue Future Industries (FFI) và công ty Windlab hợp tác xây dựng.
FFI cho biết trung tâm này “có thể tạo ra hơn 10 gigawatt (GW) năng lượng gió và mặt trời và làm cơ sở cho việc sản xuất hydro xanh ở quy mô công nghiệp từ các cơ sở được xây dựng có mục đích ở Queensland”.
Giai đoạn đầu của dự án theo kế hoạch sẽ tập trung vào việc phát triển Trang trại gió Prairie 800 megawatt (MW ) và một dự án 1.000 MW khác. Với điều kiện được chấp thuận, việc xây dựng giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2025.
Theo FFI, năng lượng được tạo ra từ dự án có thể sản xuất hydro xanh cũng như cung cấp năng lượng tái tạo cho lưới điện.
Được Cơ quan Năng lượng Quốc tế mô tả là “chất mang năng lượng linh hoạt”, hydro có nhiều ứng dụng đa dạng và có thể được triển khai trong nhiều ngành công nghiệp. Hydro được sản xuất theo một số cách. Trong đó, có một phương pháp điện phân, sử dụng dòng điện tách nước thành oxy và hydro. Nếu điện được sử dụng trong quy trình này đến từ một nguồn tái tạo như gió hoặc mặt trời thì một số người gọi đó là hydro “xanh” hoặc “tái tạo”.
Hiện nay trên thế giới, phần lớn sản xuất hydro dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
Vào tháng 8/2021, gã khổng lồ dầu khí BP cho biết “việc sản xuất hydro xanh và amoniac xanh sử dụng năng lượng tái tạo” đã trở nên khả thi về mặt kỹ thuật ở quy mô lớn ở Úc.
Kết luận của ông trùm năng lượng dựa trên kết quả của một nghiên cứu khả thi được công bố vào tháng 5/2020 và được Cơ quan Năng lượng tái tạo Úc, nhà phát triển năng lượng mặt trời Lightsource và công ty dịch vụ chuyên nghiệp GHD Advisory hỗ trợ.
Về phần mình, FFI cho biết rằng hydro xanh ở quy mô công nghiệp đã bị “hạn chế do thiếu nguồn cung cấp năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho quá trình chiết xuất hydro từ nước thông qua điện khí hóa”.
Còn Giám đốc điều hành của FFI, Mark Hutchinson cho hay các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Úc - bao gồm năng lượng mặt trời, gió và đất đai - là “vô tận về tiềm năng sản xuất năng lượng xanh” và “đặc biệt là hydro xanh”.
“Lần đầu tiên, Siêu trung tâm Bắc Queensland sẽ cung cấp lượng năng lượng tái tạo mà chúng tôi cần để hỗ trợ sản xuất hydro xanh quy mô lớn ngay tại Queensland”, ông Hutchinson nhấn mạnh.
Hiện Úc đã có kế hoạch trở thành 1 trong 3 nhà xuất khẩu hydro hàng đầu cho các thị trường châu Á vào năm 2030. Australia có thể trở thành nhà xuất khẩu hydro lớn nhất thế giới vào năm 2050.
Theo đó, quốc gia này sẽ cạnh tranh với Trung Đông, Chile và Bắc Phi để trở thành nhà xuất khẩu hydro lớn nhất thế giới trong một thị trường toàn cầu được dự báo sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào năm 2050, khi các nền kinh tế lớn chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng mới này để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Một phân tích của hãng Goldman Sachs cho thấy, Úc có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu khí hydro tương tự như các ngành công nghiệp xuất khẩu than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng khổng lồ hiện nay nhờ nguồn năng lượng tái tạo hết sức dồi dào, chi phí thấp và các mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia được kỳ vọng sẽ trở thành các nhà nhập khẩu khí hydro lớn trên thế giới.
Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, các khu vực nông thôn rộng lớn ở Australia, với nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp hoặc khí tự nhiên lớn và năng lực lưu trữ carbon, có tiềm năng rất lớn cho việc xuất khẩu hydro sạch, đặc biệt là khi tận dụng được phương thức vận tải đường biển.
Article sourced from petrotimes.vn.