Sau đại dịch Covid-19, “ngành công nghiệp” gian lận bùng nổ tại Úc
Tại Australia, khi một sinh viên đi dạo trong khuôn viên trường đại học, họ dễ dàng nhìn thấy những tờ quảng cáo dán sau cửa nhà vệ sinh, tờ rơi tại các khu vực ăn uống, tấm danh thiếp tại các không gian chung hay áp phích quấn quanh các cột điện báo.
Tất cả đều đề cập đến dịch vụ hỗ trợ làm bài tập về nhà hoặc dạy kèm. Thậm chí nếu có thông tin mạng xã hội hoặc địa chỉ email, bất kỳ ai đều có thể nhận tin nhắn trực tiếp hoặc thư rác.
Tuy nhiên, theo Guardian, chỉ một số ít dịch vụ thực hiện công việc giúp đỡ. Đa phần, các công ty cung cấp dịch vụ sẽ trực tiếp làm bài tập hoặc bài luận của sinh viên. Nói cách khác, đó chính là "hợp đồng" gian lận.
Nayonika Bhattacharya - sinh viên năm thứ 2, Chủ tịch hội đồng đại diện sinh viên ĐH New South Wales - nhận xét các "hợp đồng" gian lận ở khắp mọi nơi. Sinh viên năm nhất là đối tượng tham gia nhiều nhất.
“Bạn sẽ thấy rất nhiều sự tình cờ. Ví dụ, họ làm như vô tình biết bạn đang tham gia một khóa học, từ đó, họ tiếp thị các dịch vụ hỗ trợ học tập liên quan đến khóa học đó", Bhattacharya nói.
Theo Guardian, gian lận "hợp đồng" là khi có một bên thứ 3 hoàn thành bài tập cho sinh viên. Đó có thể là một gia sư viết cả một bài luận, một dịch vụ trực tuyến giúp giải quyết câu hỏi khó trong bài kiểm tra, thậm chí là toàn bộ.
Trong một số trường hợp, gian lận "hợp đồng" bao gồm cả việc sinh viên trả tiền cho người khác tham gia một học phần thay họ, thậm chí toàn bộ chương trình đại học. Đây không phải là hiện tượng mới. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, các "hợp đồng" gian lận được cho là phát triển trên khắp thế giới.
Sau đại dịch Covid-19, các "hợp đồng" gian lận được cho là phát triển trên khắp thế giới. Ảnh minh họa: Diariodecadiz.
“Ngành công nghiệp” gian lận
Kể từ năm 2021, Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng giáo dục đại học (TEQSA, Australia) đã chặn quyền truy cập vào 152 trang web thương mại được cho là đang tạo điều kiện cho sinh viên gian lận.
Tại một hội nghị tổ chức tại Anh vào đầu năm 2022, các chuyên gia đã cảnh báo sinh viên ngày càng bình thường hóa việc mua bài luận từ các trang web. Ngay cả trong kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Australia, các báo cáo về gian lận đã tăng lên 25%.
Giáo sư Cath Ellis - chuyên gia nghiên cứu về gian lận, ĐH New South Wales - cho biết luôn có 6-10% sinh viên gian lận trong học tập. Theo nghiên cứu của bà, hoạt động gian lận "hợp đồng" đã có từ cuối những năm 1960.
Các nhà nghiên cứu như GS Ellis hoài nghi về việc liệu sự bùng nổ rõ ràng này xuất phát bởi sự gia tăng gian lận hay khả năng phát hiện gian lận được cải thiện.
TS Guy Curtis - ĐH New South Wales - tỏ ra nghi ngờ. Ông cho rằng điều kiện để gian lận trong những năm đại dịch chắc chắn đã phát triển, bao gồm: Tăng cơ hội thông qua học, thi trực tuyến; tăng sự không hài lòng với các khóa học; sức khỏe tinh thần giảm sút, căng thẳng tài chính tăng lên. Đây có thể là sự thúc đẩy, kéo theo hàng loạt hệ lụy.
Bắt đầu từ 10 năm trước, "ngành công nghiệp" gian lận hợp đồng có sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động. Theo đó, các khoản thanh toán quốc tế trở nên dễ dàng hơn thông qua các hệ thống như Paypal, lĩnh vực phần mềm dưới dạng dịch vụ bùng nổ, thúc đẩy hoạt động “thuê ngoại” của ngành tới những nơi như Ấn Độ, Philippines.
“Từ đó, chúng tôi chứng kiến sự bùng nổ của việc cung cấp các dịch vụ gian lận. Đây được ví như 'ngành công nghiệp' lớn và phức tạp, phục vụ một thị trường lớn. Sinh viên dễ dàng nhận thấy điều này, đáng lẽ, họ phải cảm thấy thất vọng và lo lắng về số lượng gian lận đang diễn ra xung quanh mình”, GS Ellis nói.
ĐH New South Wales áp dụng cách tiếp cận mới để giảm thiểu số sinh viên gian lận. Ảnh: APRU.
Cách tiếp cận mới
Nhưng câu chuyện gian lận không kết thúc khi bị phát hiện. Nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi "Điều gì sẽ xảy ra khi ai đó bị bắt gian lận? Nếu các trường đại học là nơi học tập và xây dựng liêm chính, liệu việc kỷ luật có mang lại cơ hội để thực hiện điều đó? Quy trình xử lý gian lận nào sẽ hiệu quả? Liệu có thể 'nhân ái' với những trường hợp này?"
Từ 2019 đến 2021, tại ĐH New South Wales, số sinh viên bị bắt quả tang gian lận tăng từ 1.116 lên 2.551. Tiếp đó, từ 2020 đến 2021, các trường hợp gian lận "hợp đồng" tăng lên 162%.
GS George Williams - Phó hiệu trưởng ĐH New South Wales - cho biết trước năm 2019, những sinh viên bị nghi ngờ gian lận sẽ nhận được những lá thư có lời lẽ gay gắt, nêu rõ quy trình xử lý, thậm chí sinh viên có thể đối mặt với án tù, gây nhiều bất lợi.
“Theo quy trình, đầu tiên, nhà trường sẽ gửi tới sinh viên một thông báo dài, bao gồm các cáo buộc. Lúc này, sinh viên ở tư thế phòng thủ, họ thường đấu tranh để 'kháng cáo', ngay cả khi họ biết mình sai”, GS George Williams nói.
Sau đó, năm 2019, GS Williams cùng cộng sự thành lập dự án Courageous Conversations (Đối thoại thẳng thắn - PV) - chương trình dựa trên các nguyên tắc tư pháp phục hồi.
Những người hướng dẫn được đào tạo đặc biệt sẽ có các cuộc trò chuyện trực tiếp với những sinh viên gian lận. Sinh viên sẽ được hỏi lý do gian lận, đồng thời tự phản ánh về tác động của hành vi gian lận đối với bản thân và những người khác. Tuy nhiên, các hình phạt vẫn được áp dụng - sinh viên có thể bị điểm 0, trượt môn hoặc bị đuổi học.
“Quá trình này được thiết kế để giảng dạy, nhận ra mọi người đều có thể phạm sai lầm, nhưng nếu họ học hỏi từ sai lầm, họ vẫn có khả năng tiếp tục. Đôi khi, những người phạm sai lầm và học hỏi từ nó sẽ là những người thể hiện sự chính trực”, GS Williams nói.
Tác động của Courageous Conversations là rất lớn. 2/3 sinh viên tham gia vào một cuộc trò chuyện sẽ nhận lỗi ngay lập tức. Thời gian trung bình để xử lý các trường hợp giảm từ 69 ngày (quy trình cũ) xuống còn 25 ngày.
GS Williams nhận định sự thay đổi về thời gian xử lý rất quan trọng. Trong các cuộc đối thoại, trường đại học đã tìm ra mối tương quan, sinh viên có sức khỏe tâm thần kém hoặc khó khăn tài chính thường là những người bị bắt quả tang gian lận.
Courageous Conversations hướng sinh viên đến các dịch vụ hỗ trợ tài chính hoặc sức khỏe tâm thần, giải quyết nguyên nhân trong khi trừng phạt hành vi.
Nếu công ty cung cấp dịch vụ gian lận tiếp cận khi Bhattacharya là sinh viên năm nhất, cô sẽ tò mò.
“Tôi đã nghĩ điều đó liệu có ích không? Nó dường như giống một dịch vụ gia sư. Trong năm đầu tiên, tôi sẽ không nghĩ rằng điều đó là sai trái bởi tôi không hiểu ý nghĩa của việc đạo văn”, Bhattacharya nói.
Tuy nhiên, đến cuối năm nhất, mọi thứ rõ ràng hơn. Nhưng nếu biết ai đó gian lận và chưa bị bắt, Bhattacharya sẽ phân vân có nên thử hay không.
May mắn, Bhattacharya không làm việc đó khi được giảng viên luật nhắc nhở. Theo đó, nếu bị phát hiện gian lận, sinh viên sẽ không được nhận vào làm việc tại ngành luật.
Theo Bhattacharya, mọi sinh viên đều biết gian lận là xấu. Tuy nhiên, họ chưa nhận thức rõ ràng gian lận là gì và bao gồm những hành vi nào.
"Sự nhầm lẫn và gián đoạn do chuyển sang học trực tuyến khiến sinh viên không rõ ràng về việc làm bài kiểm tra cùng người khác có cấu thành thông đồng hay không, hoặc tìm kiếm câu trả lời trên một trang web dạy kèm có cấu thành gian lận hợp đồng hay không", Bhattacharya nói.
Nữ sinh ủng hộ chương trình Courageous Conversations, cho rằng chương trình này xóa bỏ định kiến "bằng cách kỷ luật một sinh viên, trường đại học đã hủy hoại cuộc đời của người này”.
Bên cạnh đó, nỗi sợ kỷ luật là có thật. Dù chưa có thống kê cụ thể, có nhiều lo ngại về việc các công ty cung cấp dịch vụ gian lận sẽ tống tiền sinh viên, đe dọa sẽ gửi thông tin về trường nếu không trả thêm tiền.
GS Ellis cho biết có thông tin cho rằng đối với một số công ty cung cấp dịch vụ gian lận, doanh thu từ tống tiền lớn hơn doanh thu từ việc thực hiện công việc. Trong một cuộc khảo sát của Đại học Curtin vào năm 2020, gần 70% sinh viên sợ bị trường đại học phát hiện. Vì vậy, họ chấp nhận bị tống tiền.
Khi các trường đại học trên thế giới đang “vật lộn” với việc ngăn chặn hành vi gian lận, Courageous Conversations được cho là hiệu quả, một số trường đã áp dụng nó.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from Zing.