Sau 13 năm vắng bóng, Úc quyết định gia nhập lại cuộc tập trận Malabar
Việc Australia tham gia tập trận Malabar có ý nghĩa quan trọng trong việc tiến tới một Bộ Tứ“được quân sự hóa”? |
Động thái mới của Australia có hai ý nghĩa quan trọng: khẳng định lập trường cứng rắn hơn của Canberra trước hành vi chèn ép của Trung Quốc; thể hiện đoàn kết của Bộ Tứ vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mà mục tiêu nhắm đến chính là Trung Quốc.
Nguồn khích lệ kịp thời
Trang mạng The Diplomat cho rằng quyết định tham gia tập trận Malabar của Canberra có ý nghĩa quan trọng trong việc tiến tới một Bộ Tứ “được quân sự hóa” và vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến Bộ Tứ trở thành một nhóm hoạt động sắc bén và có hiệu quả.
Thông tin này đã trở thành nguồn động viên khích lệ cho những nước ủng hộ Bộ Tứ. Bởi theo nhiều cách khác nhau, sự kiện trên chính là bước đi ý nghĩa hướng đến sự phát triển hơn nữa của Bộ Tứ, cho dù chưa rõ sự hiện diện của Australia trong cuộc tập trận Malabar năm nay sẽ là sự kiện xảy ra một lần hay thường xuyên.
Tập trận Malabar 2020 dự kiến được tiến hành từ vịnh Bengal đến biển Oman vào tháng 11 tới, ngay sau Đối thoại 2+2 giữa Ấn Độ và Mỹ.
Năm 2019, cuộc tập trận Malabar ba bên (Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản) diễn ra ở gần bờ biển của Nhật Bản và năm 2018 là ở ngoài khơi đảo Guam, trong vùng biển Philippines.
Theo trang The Print (Ấn Độ) ngày 19/10, ngay năm 2019, Australia đã được mời tham gia cuộc tập trận Malabar 2020. Tuy nhiên, quyết định chỉ được Canberra đưa ra trong cuộc họp ngày 6/10 của Bộ Tứ ở Tokyo.
Lần cuối cùng Australia tham gia cuộc tập trận Malabar thường niên là vào năm 2007. Một năm sau, Thủ tướng Australia lúc đó là Kevin Rudd bất ngờ rút Canberra khỏi Bộ Tứ do duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, quan hệ Australia-Trung Quốc không được suôn sẻ trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Canberra yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona chủng mới, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, cũng như lên án hoạt động gián điệp của Bắc Kinh tại Australia.
Để trả đũa, Bắc Kinh quyết định trừng phạt kinh tế, quấy rối nhà báo Australia thường trú ở Trung Quốc. Thêm vào đó, Bắc Kinh tích cực “mua chuộc” các nước nhỏ trong khu vực Thái Bình Dương.
Bước phát triển đáng kể
Việc Canberra đổi ý và quyết định tham gia tập trận Malabar 2020 được Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds khẳng định là cơ hội quan trọng “để tăng cường năng lực hải quân của Australia, củng cố khả năng phối hợp tác chiến với các đối tác và thể hiện quyết tâm chung ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và thịnh vượng”.
Quyết định tham gia tập trận Malabar, do Ấn Độ khởi xướng với Mỹ từ năm 1992 (Nhật Bản tham gia từ năm 2015), còn đánh dấu một bước quan trọng trong quan hệ ngày thêm sâu sắc giữa Australia và Ấn Độ, dựa trên thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện được Thủ tướng Australia Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Modi thống nhất ngày 4/6/2020.
Trong khi đó, Nhật Bản và Australia cũng duy trì thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt. Dù không nêu đích danh Trung Quốc trong chuyến công du Tokyo ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Australia lên án “các hành động đơn phương gây bất ổn và chèn ép”, cũng như nguy cơ “thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông, thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhìn lại sự phát triển của nhóm trong những năm qua, hiện 4 nước đã mở rộng đáng kể các mối quan hệ quốc phòng song phương, đồng thời điều phối quan điểm của họ về những vấn đề khu vực để đại diện cho quan điểm của nhóm và thông qua cơ chế ba bên, đôi khi có sự tham gia của những nước khác.
Ấn Độ đã ký kết các thỏa thuận liên quan công tác hậu cần quân sự với tất cả ba thành viên còn lại của nhóm.
Vì vậy, cuộc tập trận có sự tham gia của cả 4 thành viên Bộ Tứ là một bước phát triển đáng kể trong mạng lưới mối quan hệ ngày càng chằng chịt này của Bộ Tứ.
Nhân tố Trung Quốc
Đài RFI ghi nhận rằng từ đầu năm 2020, Trung Quốc không ngừng tập trận với cường độ và quy mô ngày càng lớn, khiến nhiều nước láng giềng lo ngại.
Sau mặt trận ngoại giao, Bộ Tứ muốn thể hiện cứng rắn và đoàn kết trước tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực, với sự kiện gần nhất là Australia sẽ tập trận với ba nước còn lại của Bộ Tứ.
Ngoài ra, theo trang The Print, quyết định mời Australia, theo gợi ý của Mỹ, còn khẳng định Ấn Độ “đề cao Bộ Tứ, cũng như việc 4 nước sẵn sàng hợp sức tăng cường hợp tác an ninh hàng hải”.
Sau một thời gian do dự, New Delhi chính thức thông báo Australia tham gia cuộc tập trận Malabar 2020, trong bối cảnh bế tắc về cuộc xung đột với Trung Quốc ở biên giới Ladakh.
Điều này cho thấy New Delhi “sẵn sàng đối mặt với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra”, theo nhận định của một sĩ quan Ấn Độ với trang The Print.
Cùng ngày 20/10, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephan Biegun cho rằng Bộ Tứ nên được “chính quy hóa hơn” và đến một thời điểm nào đó thì cần được “chính thức hóa”. Vì hiện tại Bộ Tứ không phải là một liên minh quân sự mà chỉ là một cơ chế hợp tác giữa các chính phủ.
Ý tưởng của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ được chính phủ Nhật Bản hoan nghênh.
Tuy nhiên, theo The Diplomat, bàn về cuộc tập trận Malabar 4 bên này, truyền thông Ấn Độ có những giọng điệu đầy phấn khích, tập trung vào một viễn cảnh khó xảy ra, đó là việc hình thành một “liên minh” chống Trung Quốc hay một mô hình như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực châu Á.
Trong khi đó, Trung Quốc đã hạ thấp tầm quan trọng của diễn biến trên liên quan đến Bộ Tứ. Khi được hỏi về cuộc tập trận Malabar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 20/10 chỉ thủng thẳng đáp: “Trung Quốc tin rằng hợp tác quân sự giữa các nước cần đem lại lợi ích cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Trước đó, trong chuyến thăm Malaysia hôm 13/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã miêu tả Bộ Tứ khi nhấn mạnh đây là cái được gọi là một “NATO Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Họp Ngoại trưởng Bộ Tứ tại thủ đô Tokyo ngày 6/10. (Nguồn: Kyodo) |
Ba sự lựa chọn
Ngoài những tuyên bố và lĩnh hội quá mức về phản ứng của Trung Quốc, chắc chắn bước phát triển nói trên đánh dấu một sự chuyển hướng rõ rệt tiến tới quá trình quân sự hóa của Bộ Tứ, trên tinh thần chứ chưa đi vào cam kết bằng thỏa thuận.
Khi đó, câu hỏi đặt ra là Bộ Tứ cần nhắm đến mục tiêu nào trong bối cảnh không gian an ninh của nhóm được khẳng định như hiện nay.
Tờ The Diplomat cho rằng, có ba lựa chọn mà Bộ Tứ cần xem xét. Thứ nhất, nhóm này chưa thể xác định được định dạng tương lai về mối quan hệ an ninh, liệu nhóm sẽ trở thành một tổ chức an ninh “chính quy” hơn và cuối cùng “được thể thức hóa” như Thứ trưởng Stephen Biegun hôm 20/10 đã miêu tả kỳ vọng của Mỹ về nhóm.
Thứ hai là nhóm này vẫn tồn tại không chính thức; và thứ ba là nhóm này hoạt động linh hoạt như những mong muốn mang tính chiến lược của Ấn Độ đề xuất và dẫn dắt hiện nay.
Phương hướng thứ nhất liên quan cách thức nhóm này phát đi tín hiệu chiến lược chung như thế nào thông qua các cuộc tập trận chung.
Trên thực tế, tâm điểm của tập trận Malabar hướng đến cuộc chiến chống tàu ngầm (ASW) trong quá khứ đang phát đi một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc về ý định của nhóm.
Tín hiệu này càng lộ rõ hơn do tất cả các nước thành viên cùng triển khai và điều hành những nền tảng do thám phục vụ ASW có đặc tính giống nhau hoặc ngang ngửa nhau.
Đó là chưa kể đến khả năng của New Delhi trong việc sử dụng các mạng lưới liên lạc quân sự được bảo vệ của Mỹ vốn có sự liên kết với các mạng lưới của Nhật Bản và Australia.
Mặc dù vậy, những điều này không thể nói lên được rằng Bộ Tứ có thể hoặc phải có một vai trò tác chiến chung trong trường hợp năng lực răn đe và ngăn chặn thất bại.
Bộ Tứ không phải là một liên minh quân sự. Vì vậy, mục tiêu cuối cùng của việc Bộ Tứ phát đi tín hiệu chiến lược nói trên là gây ra sự dao động ở mức độ vừa đủ trong “lòng địch” để có thể tạo ra những tác động răn đe hiệu quả.
Thế nhưng, thẳng thắn mà nói thì việc định hình ý tưởng về một Bộ Tứ quân sự hóa có thể “lòe” địch thủ nghĩ rằng cuộc bàn thảo về liên minh dạng đó là có thật.
Nhiệm vụ này khó khăn, song chính là điều mà một Bộ Tứ mạnh mẽ và hiệu quả cần nhắm đến.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến khả năng tồn tại thứ hai đối với Bộ Tứ: Nhóm này cần thực hiện những nhiệm vụ gì nếu xảy ra một cuộc chiến liên quan đến một hoặc hơn một thành viên của nhóm, trong trường hợp năng lực răn đe và ngăn chặn bị thất bại?
Liệu Bộ Tứ sẽ trở thành một tổ chức an ninh “chính quy” hơn và cuối cùng “được thể thức hóa”?
Một Bộ Tứ được quân sự hóa có thể làm là ngăn chặn một cuộc xung đột trên lục địa lan sang ra biển. Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương, trong khi New Delhi vẫn chưa đủ năng lực hoạt động ở Tây Thái Bình Dương.
Do đó, hải quân của Bộ Tứ có thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ bị làm cho thoái chí khi âm mưu mở rộng cuộc xung đột này ra toàn khu vực khác gây hại đến lợi ích của Ấn Độ vì Bắc Kinh lo sợ sẽ lôi kéo các nước khác ngoài khu vực can dự. Điều này sẽ giúp sớm kết thúc cuộc xung đột.
Tiếp đó, vấn đề thứ ba là Bộ Tứ cần làm gì để đưa ra được một chiến lược chung hiệu quả có sự liên kết và tham gia của 4 thành viên để đáp trả những hành động xấu xa như việc gây hấn quân sự công khai ở “vùng xám”.
Và đây chính là khu vực mà Bộ Tứ có thể rốt cục đóng một vai trò to lớn nhất, sử dụng các công cụ kinh tế, ngoại giao và chính trị cùng với công cụ quân sự nếu ba công cụ đầu tiên thất bại.
Cần lưu ý rằng Trung Quốc lâu nay thành công hơn cả trong các chiến thuật vùng xám chính xác với những nước có quan hệ kinh tế sâu sắc với Bắc Kinh.
Vì vậy, chương trình nghị sự ở cấp nhà nước liên quan vấn đề kinh tế của thành viên Bộ Tứ (dù toàn bộ thành viên, hoặc song phương hoặc ba bên) cần bao gồm các công tác phối kết hợp với các nước mục tiêu tiềm năng trong chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh, giúp họ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và thoát khỏi tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế.
Chính quyền Mỹ Donald Trump, vốn được biết đến với sự ưa thích sử dụng các công cụ quân sự, hiểu rằng đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra cho Bộ Tứ.
Trong bối cảnh các mục tiêu mà Bộ Tứ đặt ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây cũng đưa ra khái niệm mở rộng của an ninh, trong đó bao hàm “năng lực kinh tế và pháp quyền, khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các thỏa thuận thương mại và các mối quan hệ ngoại giao”.
Article sourced from baotintuc.vn.