Rửa tay để khử khuẩn, có nên “rửa điện thoại” để sát trùng?
Điện thoại di động vốn được coi là một vật dụng bất ly thân của nhiều người bởi nó gắn bó với rất nhiều khía cạnh của cuộc sống từ làm việc, liên lạc cho đến giải trí. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, đây cũng là một vật dụng được xem là không mấy vệ sinh, thậm chí còn có so sánh cho rằng nó chứa nhiều vi khuẩn hơn gấp vài trăm lần so với chiếc bồn cầu. Do đó, thực tế, điện thoại cũng chính là nguồn lây nhiễm nhiều bệnh khác nhau.
Đặc biệt, trong giai đoạn bệnh dịch COVID-19 - có thể lây nhiễm thông qua các giọt dịch dính vào bề mặt vật thể, đang hoành hành mạnh như hiện nay, vật dụng quen thuộc này lại càng trở nên nguy hiểm hơn nếu chúng ta không biết cách vệ sinh và khử trùng nó.
Rửa tay để khử khuẩn, có nên “rửa điện thoại” để sát trùng?
Nếu bạn sở hữu những chiếc điện thoại kháng nước đạt chuẩn IP67 (đảm bảo thiết bị an toàn dưới nước ở độ sâu 1m trong vòng 30 phút) trở lên, việc rửa điện thoại dưới vòi nước nhỏ là không thành vấn đề, tuy nhiên, hãy nhớ phải làm khô các cổng kết nối, loa và mic thoại sau đó.
Nếu không, đừng nên làm việc mà ai cũng biết là sẽ khiến chiếc điện thoại “đi đời” này, bạn có thể sử dụng khăn ẩm để lau chùi, sau đó sử dụng khăn khô để đảm bảo các cổng kết nối, loa và mic thoại an toàn.
Dưới đây là các bước để bạn có thể vệ sinh và khử trùng điện thoại nhằm giảm tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua vật dụng hữu ích hằng ngày này.
4 bước để làm sạch, khử trùng điện thoại đúng cách
1. Loại bỏ các dấu vân tay “nhem nhuốc” trên màn hình
Rất khó để không để lại những dấu vân tay trên màn hình bởi lớp da của bạn liên tục sản xuất ra dầu. Điều này có nghĩa rằng bất kỳ khi nào bạn chạm vào điện thoại, dấu vân tay sẽ xuất hiện trên đó.
Miếng khăn microfiber.
Cách an toàn và hiệu quả nhất để lau sạch màn hình là sử dụng miếng khăn microfiber (xơ vi mảnh). Nếu “kì cọ mỏi tay” mà vẫn không thể làm sạch màn hình, bạn có thể sử dụng vài giọt nước cất để làm ẩm miếng khăn microfiber để lau lên màn hình (tránh nhỏ trực tiếp nước cất lên màn hình). Cách làm này cũng có thể áp dụng để làm sạch cho cả mặt sau của điện thoại.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng miếng dán hút bụi (dùng làm sạch màn hình trước khi dán miếng bảo vệ).
2. Lau sạch cát và bụi bẩn ở cổng sạc, loa và mic thoại
Cát và bụi bẩn có thể gây tắc nghẽn ở cổng sạc của điện thoại, gây khó hoặc mất kết nối bất chợt. Với loa hoặc mic thoại, chúng sẽ làm giảm chất lượng âm thanh của điện thoại.
Giải pháp xử lý tốt nhất để loại bỏ cát và bụi bẩn là sử dụng các loại băng dính thường, dán miếng băng dính dọc theo cổng sạc, loa và mic thoại rồi nhấn nhẹ xuống để miếng băng có thể cuốn hết bụi bẩn ra khỏi chiếc điện thoại của bạn.
Nếu loa hoặc mic thoại vẫn chưa thực sạch do kích thước nhỏ, bạn có thể sử dụng tăm hoặc đầu thổi bụi để nhẹ nhàng làm sạch những vị trí này.
3. Khử trùng điện thoại
Nếu bạn chạm vào chiếc điện thoại của mình sau khi cầm tay vào thịt sống hoặc một tay nắm cửa công cộng, bạn có thể sẽ ngay lập tức nghĩ đến việc lau điện thoại với cồn. Tuy nhiên, đừng làm như vậy, cồn có thể phá hủy lớp bảo vệ màn hình oleophobic (không thấm mồ hôi tay) hoặc hydrophobic (không thấm nước).
Bạn có thể sử dụng chiếc đèn UV để khử trùng điện thoại, theo trang PhoneSoap nhận định.
Cồn và dung dịch tẩy rửa cũng có thể phá hủy màn hình điện thoại bởi chúng có chứa chất ăn mòn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng miếng khăn microfiber ẩm hoặc sử dụng chiếc đèn UV, theo trang PhoneSoap nhận định. Các công ty kinh doanh đèn UV cũng khẳng định sản phẩm của mình có thể loại bỏ đến 99.99% các loại vi khuẩn.
4. “Tẩy trang” cho điện thoại một cách an toàn
Với phái nữ, đặc biệt là những người có trang điểm, khi gọi điện, toàn bộ lớp trang điểm trên khuôn mặt của bạn sẽ dính lại trên màn hình điện thoại. Khi kết thúc một ngày, bạn tẩy trang cho khuôn mặt của mình nhưng lại quên mất không “tẩy trang” cho chiếc điện thoại. Điều đó sẽ không an toàn, nhất là trong thời gian bệnh dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Để “tẩy trang” cho điện thoại, bạn không nên sử dụng chất tẩy trang vì nó có chứa một số loại hóa chất gây hư hại cho điện thoại. Thay vào đó hãy sử dụng các loại nước tẩy trang dành riêng cho điện thoại, nó an toàn bởi không chứa cồn, clo, amoniac hoặc phốt phát - các chất gây hỏng màn hình.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng miếng khăn microfiber ẩm.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/bat-ky-do-dung-nao-cung-co-the-tro-thanh-vat-lay-nhiem-covid-19-tim-hieu-ngay-cach-lam-sach-dien-thoai-de-tranh-ruoc-benh-vao-nguoi-20200309164955939.chn