Rạp phim Việt dần hồi sinh
“Lâu lắm rồi tôi mới chứng kiến cảnh hàng dài người xếp hàng mua vé để vào rạp xem phim. Sau hơn nửa năm rạp phải đóng cửa vì dịch bệnh, tôi chưa từng nghĩ đến khung cảnh kể trên. Phòng vé Việt từng bước hồi sinh”, một nhân viên bán vé của CGV nói với Zing.
Không khí nhộn nhịp ở khu vực bán vé, doanh thu phim ngày càng tăng cao là những dẫn chứng rõ ràng nhất về việc rạp chiếu phim Việt đã dần lấy lại thời kỳ đỉnh cao như trước dịch. Nếu đặt cạnh những khó khăn trong hơn nửa năm qua, phòng vé Việt có màn khởi đầu thuận lợi trong quý đầu tiên của năm 2022.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV - cho biết: “Thật vui khi trước mắt còn rất nhiều phim Việt lớn chuẩn bị đổ bộ trong nửa đầu năm nay: Thanh Sói, Nghề siêu dễ, Em và Trịnh... Hy vọng năm nay doanh số phim Việt tăng lên 40% thị phần phim chiếu rạp”.
Ngành kinh doanh rạp từng đối diện nguy cơ phá sản
Năm 2021 là giai đoạn khó quên đối với các nhà rạp lẫn nhà sản xuất phim. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, toàn bộ hệ thống rạp chiếu đóng cửa từ đầu tháng 5.
TP.HCM – địa bàn đóng vai trò đầu tàu của cả nước trong lĩnh vực rạp chiếu trải qua 6 tháng đóng băng. Thị phần điện ảnh lớn thứ hai sau TP.HCM là Hà Nội cũng chịu tình cảnh tương tự. Lúc này, hệ thống rạp đối diện với trăm bề khó khăn.
Rạp phim Việt từng đối diện với nhiều khó khăn khi đóng cửa thời gian dài. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Việc rạp chiếu không thể tái hoạt động trong thời gian dài đẩy doanh nghiệp đến chỗ đối mặt với nguy cơ phá sản. Bà Mai Hoa - Tổng giám đốc của Galaxy - từng chia sẻ với Zing doanh nghiệp thua lỗ 15-20 tỷ mỗi tháng. Với quy mô nhân viên khoảng 600 người, đơn vị này buộc phải giảm lương của người lao động, cắt các chi phí không cần thiết khác. Mức lương giảm, cuộc sống bấp bênh, nhiều nhân viên của công ty đã phải xin nghỉ việc để tìm cơ hội ở những ngành khác.
Không chỉ Galaxy, CGV, BHD hay Lotte Cinema cũng lâm vào hoàn cảnh lao đao. Theo đại diện của BHD, ngoài áp lực về tiền lương để chi trả cho nhân viên trong khi không có nguồn thu, công ty còn đối diện với chi phí mặt bằng và lãi ngân hàng hàng tháng.
“Việc đóng cửa kéo dài khiến các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, nhà rạp cũng sẽ khó cầm cự lâu hơn và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản”, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc marketing của BHD trao đổi.
Trước những khó khăn của ngành kinh doanh rạp, các chủ doanh nghiệp đã làm văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ vào giữa năm 2021.
Trong văn bản, đại diện bốn chuỗi rạp chiếu phim lớn tại thị trường Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp để nhà nước và doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn như giãn thuế, cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, gia hạn thời gian thanh toán bảo hiểm xã hội, có hướng dẫn cụ thể giảm giá chi phí thuê mặt bằng do ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng liên quan đến Covid-19.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ không xếp rạp phim vào ngành kinh doanh phải đóng cửa trước và mở cửa sau các ngành khác.
Rạp phim dần hồi sinh
Trái với kỳ vọng, rạp phim vẫn là lĩnh vực được phép hoạt động cuối cùng sau khi TP.HCM bước sang giai đoạn bình thường mới. Từ cuối tháng 11/2021, rạp chiếu phim sáng đèn trở lại tại đây.
Giữa nhiều khó khăn bủa vây, nhà rạp có trong tay “bảo bối” duy nhất là nguồn phim dồi dào, gồm cả bom tấn nước ngoài và các dự án nội địa xếp hàng dài chờ chiếu. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2021, rạp phim hồi phục chậm chạp. Tổng doanh thu của những rạp chiếu được mở cửa trở lại chỉ đạt 30-40% so với thời điểm không có dịch, với khoảng 60% rạp phim được phép hoạt động.
Khán giả tại TP.HCM và Hà Nội xếp hàng mua vé xem phim. Ảnh: Bá Ngọc, Tuấn Anh. |
Trong thế khó, nhiều nhà sản xuất Việt chấp nhận dời lịch chiếu phim sang năm 2022.
Đầu tháng 2, Hà Nội cũng cho phép tái hoạt động rạp chiếu. Công cuộc chấn hưng lại phòng vé Việt thực sự bắt đầu. Trong danh sách các tác phẩm trình làng đầu năm 2022, phim Việt chiếm hơn 1/3 với nhiều tác phẩm được chú ý như Chìa khóa trăm tỷ, 1990, Nhà không bán, Mưu kế thượng lưu, Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà…
Thời điểm này, phim Việt đón đầu nhiều thời cơ như không phải đối trọng với bom tấn mới của Hollywood và công chiếu vào thời điểm mùa lễ, Tết. Các bộ phim như Spider-Man: No Way Home, Fast & Furious 9 đều trình làng trong thời gian khá lâu trước đó.
Nhờ vậy, một số tác phẩm điện ảnh trong nước có doanh thu phòng vé khả quan, có thể kể đến như Chìa khóa trăm tỷ (trên 70 tỷ đồng). Hai phim Việt trình làng gần nhất là Chuyện ma gần nhà (Trần Hữu Tấn) cán mốc hơn 40 tỷ đồng sau 3 ngày chiếu của cuối tuần qua. Theo sau là Bẫy ngọt ngào của Đinh Hà Uyên Thư với trên 12 tỷ đồng (số liệu thống kê từ Box Office Việt Nam từ ngày 11 đến 13/2).
Ông Đoàn Thạch Cương - Giám đốc kinh doanh của Lotte Cinema – cho hay thành tích của Chìa khóa trăm tỷ hay gần nhất là Chuyện ma gần nhà tạo ra cú hích cho thị trường điện ảnh sau dịp Tết Nguyên đán.
“Tôi nghĩ điện ảnh Việt có nhiều chất liệu để khai thác. Nếu tạo ra những sản phẩm khác biệt và phù hợp với thị hiếu khán giả, sẽ dễ dàng được đón nhận. Theo đánh giá của tôi, trong năm 2022, khi người dân dần dần quen thuộc và thích nghi với trạng thái bình thường mới, rạp phim có thể phục hồi được khoảng 70-80% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch)”, đại diện Lotte Cinema nhìn nhận.
Chuyện ma gần nhà của Trần Hữu Tấn đang có thành tích nổi bật tại phòng vé. Ảnh: ĐPCC. |
Chứng kiến cảnh khán giả xếp hàng dài đợi mua vé tại rạp chiếu, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV - đánh giá phòng vé Việt gần như trở lại thời kỳ đỉnh cao như giai đoạn trước dịch.
“Quan trọng hơn, sự sôi động của phòng vé lại đến từ phim Việt. Một viễn cảnh lý tưởng của ai làm trong ngành cũng đều mong chờ xảy ra sớm. Ngoài Chuyện ma gần nhà thì Bẫy ngọt ngào cũng không kém phần nóng khi suất chiếu được tăng lên liên tục từ các cụm rạp. Điều mà ít phim Việt nào có khả năng làm được”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/rap-phim-viet-dang-co-tro-lai-thoi-dinh-cao-post1296082.html