Quy trình chấm dứt thỏa thuận tàu ngầm giữa Australia và Pháp có thể kéo dài 3 năm
Ngày 15/9, Chính phủ Úc đã gửi thông báo chấm dứt thỏa thuận đối tác chiến lược với công ty Pháp Naval Group. Thông báo đưa ra chỉ vài tiếng sau khi công khai với thế giới về sự ra đời của liên minh AUKUS.
Các nguồn tin xác nhận rằng thông báo trên là để chấm dứt thỏa thuận “tùy ý”, có nghĩa là Úc không cáo buộc công ty Pháp có vấn đề gì sai trái.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Úc chưa chấm dứt thỏa thuận khung riêng rẽ giữa các chính phủ.
Ngoại trưởng Pháp cho rằng, quy trình chấm dứt thỏa thuận có thể mất tới 3 năm mới hoàn thiện.
“Bạn cần thảo luận 12 tháng để xác nhận sẽ hủy bỏ hợp đồng. Và sau đó thêm 24 tháng để chính thức hóa việc hủy bỏ đó. Vì thế chúng tôi muốn hỏi Úc xem họ định tuân thủ thỏa thuận hợp đồng thế nào” - ông Le Drian nói.
Về phần mình, một phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc cho biết, không cần phải thông báo trước 12 tháng để chấm dứt thỏa thuận với công ty Pháp Naval Group, nhưng thừa nhận rằng có một thỏa thuận khung với Chính phủ Pháp liên quan chương trình tàu ngầm. Các bước để hủy hợp đồng này sẽ được thực hiện đúng trình tự.
Các trình tự kéo dài như vậy cho thấy Pháp không dễ dàng bị tuột mất những hợp đồng béo bở của mình. Còn nhớ hồi Paris hủy bỏ thỏa thuận với Nga liên quan đến 2 tàu Mistral, họ cũng mất thời gian dài mới kết thúc mọi vấn đề liên quan đến khoản đền bù hợp đồng cho Moscow.
Nga và Pháp ký hợp đồng đóng hai tàu đổ bộ lớp Mistral vào tháng 6/2011 trị giá 1,2 tỷ euro (lúc đó tương đương 1,66 tỷ USD). Theo đó, Pháp sẽ chuyển giao con tàu đầu tiên vào tháng 11/2014, nhưng do các sự kiện ở Ukraine và việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga từ Liên minh châu Âu, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã quyết định đình chỉ hợp đồng.
Mùa Hè năm 2015, hợp đồng bị chấm dứt. Kết quả là Paris đã trả lại cho Moscow 1,12 tỷ USD đã được thanh toán trước đó vào cuối năm 2015. Các con tàu sau đó được bán cho Ai Cập với giá 1,06 tỷ USD. Việc giao hàng con tàu tới Ai Cập đã được tiến hành vào tháng 3/2016.
Pháp chuyển giao 2 tàu Mistral cho Ai Cập, gần 2 năm sau khi tự hủy bỏ thỏa thuận với Nga.
Ông Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí xuất khẩu vũ khí Nga Arms Export Nga cho biết, để nhận được sự đồng ý của Nga về việc bán cặp tàu Mistral cho khách hàng mới là Ai Cập, Pháp phải chấp thuận điều kiện của Moscow là phải bán kèm trực thăng Ka-52K mà Nga đã phát triển.
Việc bán ít nhất là hơn ba chục chiếc trực thăng loại này cùng với vũ khí đi kèm có thể khiến Nga vừa kiếm được tới hàng tỷ USD, vừa giúp Ai Cập trao đổi được hàng hóa. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là cái lợi lớn nhất của Moscow.
Điều Moscow cần nhất là sự tiếp cận với công nghệ đóng tàu phương Tây, ràng buộc những lợi ích của Ai Cập vào Liên bang Nga, nhằm tìm kiếm một chỗ dựa để bảo vệ Syria và củng cố chỗ đứng chân ở Trung Đông và Địa Trung Hải.
Sau đó đã có thông tin và được Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan là Antony Macherevich tuyên bố, Nga đang sở hữu tàu Mistral với giá 1 USD từ thương nhân người Ai Cập.
Tháng 11/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khi đó, ông Jean-Yves Le Drian đã phải bác bỏ mọi tin đồn rằng Ai Cập đã bán tàu Mistral cho Nga với giá tượng trưng trên. Ông này khẳng định, hai tàu Mistral vẫn thuộc về Ai Cập và mới đây khi thạm gia các cuộc diễn tập quân sự được tổ chức tại vịnh Alexandria, ông đã có mặt trên boong một trong hai tàu này đang thuộc doanh nghiệp của Bộ trưởng quốc phòng Ai Cập.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3269050