Quỹ Leo Messi thực chất là cỗ máy rửa tiền?
17:21' 19-01-2018
Tiền đạo Lionel Messi của Barca có không ít biệt danh, chẳng hạn như Bọ chét hay Đấng Messi vì thân hình mảnh khảnh và khả năng chơi bóng phi thường. Mới đây, tờ LEspresso của Italia dự đoán sắp tới Messi có thể bị gọi là Leo trốn thuế do anh liên tục gặp rắc rối với chuyện này.
Theo L'Espresso, Quỹ từ thiện Leo Messi do siêu sao người Argentina thành lập năm 2007 là tổ chức bị cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha đưa vào diện "cần quan tâm đặc biệt". Những năm qua, Barca đã chuyển hàng triệu euro cho quỹ Leo Messi, nhưng mãi đến năm 2013 tổ chức này vẫn chưa được cơ quan thuế công nhận tính hợp pháp vì không đáp ứng đủ yêu cầu.
Có rất nhiều mối hoài nghi về việc các khoản quyên góp không được quỹ sử dụng cho việc từ thiện mà chuyển thẳng vào túi các thành viên trong gia đình nhà Messi. Cũng theo L'Espresso, nguồn tin độc quyền được cung cấp bởi đối tác Der Spiegel (tạp chí tuần nổi tiếng của Đức) khẳng định cơ quan thuế đã điều tra những hoạt động tài chính mờ ám giữa Barca và quỹ Leo Messi từ hơn một năm nay.
Qua đây, người ta mới biết từ năm 2010 đến năm 2013, Barca đã chuyển ít nhất 6,5 triệu euro cho tổ chức của Messi. Đây là số liệu được lưu trong sổ sách kế toán, chứ số tiền thực tế được cho là thậm chí còn lớn gấp đôi.
Bất chấp những cáo buộc về việc Barca "bơm" tiền cho Messi để cầu thủ mang áo số 10 tối đa hóa thu nhập mà lại tránh được khoản tiền thuế khổng lồ, cha của anh là Jorge Messi vẫn quả quyết hoạt động của gia đình ông hoàn toàn công khai và minh bạch.
Tuy vậy, các cuộc điều tra sau đó đã chứng minh điều ngược lại. Hồi tháng 5 năm ngoái, tòa án Tây Ban Nha đã kết án Messi phải ngồi tù 21 tháng vì trốn nộp khoản tiền thuế 4,1 triệu euro trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2009.
Messi sau đó chấp nhận hoàn trả toàn bộ khoản tiền thuế và nộp phạt 455.000 euro để không phải "bóc lịch". Đây là con số chẳng thấm vào đâu với cầu thủ có mức thu nhập (nhiều khoản) lên tới 150.000 euro mỗi ngày. Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó bởi các thẩm phán mới đây đã nói rõ nếu Messi bị phát hiện có thêm những tình tiết phạm tội mới, cầu thủ sẽ tổ chức sinh nhật thứ 31 vào ngày 24/6 tới sẽ phải sớm kết thúc sự nghiệp lẫy lừng.
Viễn cảnh trên xảy ra cũng đồng nghĩa với việc Barca phải chịu cú sốc lớn. Đơn giản, Messi lâu nay được xem là tài sản giá trị nhất mà Barca đang sở hữu. Vậy nên gã khổng lồ xứ Catalan chắc chắn sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ viên ngọc quý của mình.
Theo các tài liệu được công bố bởi hiệp hội báo chí của EIC (Ủy ban hợp tác điều tra châu Âu), Barca sẵn sàng hỗ trợ Messi tối đa về mặt tài chính để anh giải quyết rắc rối liên quan đến luật pháp. Trong vài tuần tới, chúng ta sẽ biết giải pháp của Barca có hiệu quả và thành công hay không.
Còn trước mắt, những tài liệu liên quan đến quỹ Leo Messi chỉ ra rằng chủ nhân của 5 giải thưởng Quả Bóng Vàng đã có những hành vi mờ ám. Đơn cử như việc các hóa đơn chi tiêu của cha Messi chưa bao giờ được ghi vào sổ sách. Khi các báo cáo tài chính hằng năm không được lưu ký kể từ đầu năm 2007, việc xác định quỹ Messi có sử dụng tối thiểu 70% nguồn thu cho từ thiện hay không trở nên vô cùng khó khăn.
Nên biết, luật lệ ở bán đảo Iberia quy định rõ, một tổ chức từ thiện chỉ được miễn giảm thuế nếu đạt được yêu cầu nói trên. Như vậy cũng có nghĩa, trong nhiều năm gia đình của Messi đã quản lý một quỹ mập mờ liên tục được "bơm" tiền từ Barca mà không phải chịu thuế.
Cụ thể, năm 2010 Barca đã chuyển cho quỹ Leo Messi 1,55 triệu euro, con số này tăng lên thành 1,65 triệu euro trong các năm 2011, 2012 và 2013. Mãi đến cách đây 5 năm, quỹ Leo Messi mới đăng ký hoạt động ở Tây Ban Nha. Chính xác là mọi thủ tục được hoàn tất chỉ 6 ngày trước khi Messi bị tòa án buộc tội trốn thuế.
Cuộc điều tra Messi trốn thuế phát hiện ra cả một mạng lưới các công ty đặt trụ sở tại London, Uruguay và Belize. Những công ty này được thành lập nhằm mục đích hợp thức hóa những khoản thu khổng lồ Messi kiếm được từ nhà tài trợ Adidas.
Không hề có những báo cáo liên quan đến ngân sách và chi phí hoạt động của các công ty nói trên. Báo chí Tây Ban Nha gần đây phanh phui chuyện, riêng hóa đơn cải tạo văn phòng cho thuê của một tổ chức do Messi đứng tên (nằm ở tầng 9 cao ốc Avigunda Diagonal tại Barca) cũng ngốn mất khoản tiền lên tới 550.000 euro.
Về cơ bản, số tiền Messi kiếm được chuyển tới London, nơi có Hanns Enterprises là một công ty nhỏ từng nhận ít nhất 300.000 USD từ chi nhánh quỹ Leo Messi đặt tại Argentina. Tiếp đó, khoản tiền này lại được đưa vào hợp đồng mua bán giữa các tổ chức Rosario và Lamfur ở Montevideo (Uruguay).
Cuối cùng, dòng tiền kết thúc tại một tài khoản của Hanns Enterprises tại ngân hàng tư nhân của người Andorra ở Luxembourg vốn không phải là nơi gửi tiền danh tiếng. Đáng chú ý, Hanns Enterprises có trụ sở được thuê trong cùng một tòa nhà với Sidefloor. Đây là công ty của Anh được xem là nơi cất giữ tiền bí mật của gia đình nhà Messi.
Không chỉ lách luật bằng cách cho dòng tiền thu nhập luân chuyển qua hàng loạt các công ty được đặt ở nhiều nước khác nhau, Messi còn lợi dụng thương hiệu nổi tiếng của mình để tổ chức vô số các trận đấu từ thiện. Có thể kể ra đây những ví dụ như trận "Messi & những người bạn vs Các ngôi sao còn lại của thế giới" hồi tháng 6/2012.
Các trận đấu biểu diễn mang thương hiệu Messi từng được tổ chức ở Cancun (Mexico), Bogota (Colombia) và Miami (Florida, Mỹ) năm 2012. Một năm sau, "tour du đấu" chuyển sang Medellín (Colombia), Lima (Peru) và Chicago (Mỹ). Đó là chưa kể trận đấu dự kiến diễn ra ở Los Angeles (Mỹ) bị hủy vào phút cuối.
Những trận đấu này được cho là một cách giúp Messi rửa tiền. Tháng 11/2013, Messi từng bị các nhân viên của tổ chức chống rửa tiền Guardia Civil tại Madrid thẩm vấn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015 các thẩm phán ở Barcelona lại không cho Guardia Civil quyền được tiếp tục điều tra Messi. Lý do đưa ra đơn giản chỉ là "các chứng cứ không đủ để kết luận Messi có hành vi sai trái".
Dẫu vậy, vẫn có báo cáo khẳng định các trận đấu biểu diễn hay khoản đóng góp từ thiện của Quỹ Leo Messi "có mùi". Theo đó, tổ chức này chi lượng tiền thấp hơn nhiều so với những gì họ hứa hẹn. Trong khi đó, người đứng ra tổ chức các trận từ thiện là Guillermo Marin vốn là bạn thân của Jorge Messi (bố Messi).
Số tiền kiếm được từ những trận đấu nói trên được cho là chuyển cả vào ngân hàng Curaaco của Hà Lan đặt tại Antilles - là một trong những thiên đường thuế. Một nhân chứng từng tuyên bố các khách mời tham gia những trận đấu do Messi tổ chức có nhận được một khoản phí "lót tay".
Tuy nhiên, Messi lại khăng khăng rằng những bạn bè nổi tiếng của anh như Robinho, Didier Drogba, Dani Alves, Javier Mascherano, Ezequiel Lavezzi, Marek Hamsik, Fabio Cannavaro, Marco Materazzi và HLV Fabio Capello không nhận một xu phí thù lao nào.
Tuyên bố của Messi trái ngược với thông tin Drogba từng tiết lộ anh đã chuyển khoản tiền nhận được từ các trận biểu diễn cho quỹ từ thiện của chính mình. Cách đây 3 năm, tờ Der Spiegel cung cấp thông tin gây sốc về việc Robert Lewandowski đề nghị trả 180.000 euro để được đá giao hữu với các bạn bè của Messi.
Trong khi đó, tờ L'Espresso quả quyết tháng 12/2016, HLV Capello thu được 50.000 USD nhờ nhận lời xuất hiện trên băng ghế chỉ đạo trong trận đấu từ thiện do Messi tổ chức. Như vậy, có thể thấy những trận đấu từ thiện mang thương hiệu Messi đã bị thương mại hóa chứ không còn giữ được ý nghĩa cao đẹp vốn có. Ở đó, người ta quan tâm đến việc rửa tiền, lách luật, trốn thuế hơn là cống hiến cho người xem những màn trình diễn phi lợi nhuận.
Kết quả:
5
/
5
bầu chọn.
1 reviews.
Article sourced from BONGDAPLUS.
Original source can be found here: http://bongdaplus.vn/quy-leo-messi-thuc-chat-la-co-may-rua-tien-2075351801.html