Quét radar lăng mộ Pharaoh Tutankhamun, hé lộ bí mật về nữ hoàng Nefertiti?
Tìm kiếm căn phòng bí ẩn chôn cất nữ hoàng sắc đẹp Nefertiti. Ảnh minh họa
Bộ Cổ vật Ai Cập cho biết, các nhà khảo cổ đang quét radar trong lăng mộ kỳ bí nổi tiếng của pharaoh Tutankhamun ở thành phố Luxor.
Quá trình sử dụng radar để tìm kiếm sự tồn tại của căn phòng bí ẩn phía sau ngôi mộ của Pharaoh Tutankhamun.
Trước đó, nhiều nhà khảo cổ học đã tiến hành quét radar như là một phần để tìm kiếm căn phòng đặt thi hài của nữ hoàng tài sắc Nefertiti, tuy nhiên vẫn chưa có phát hiện và kết luận rõ ràng.
Công cuộc tìm kiếm căn phòng bí ẩn – nơi an nghỉ của nữ hoàng Ai Cập Nefertiti đã được nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ học dày công tìm kiếm suốt 2 năm qua, kể từ phát hiện của tiến sĩ Nicholas Reeves.
Vào năm 2015, Nicholas Reeves, nhà khảo cổ học tại trường ĐH Arizona (Mỹ) tin rằng ông tìm thấy một lối đi bí mật trong lăng mộ Tutankhamun để dẫn tới nơi an nghỉ của người mẹ kế pharaoh này, nữ hoàng nổi tiếng xinh đẹp Nefertiti.
Hai căn phòng bí ẩn có khả năng liền kề với phòng chôn cất của vị pharaoh trẻ tuổi Tutankhamun, một ở phía Bắc và một ở phía Tây. Chúng có thể nằm ngay sát vách bức tường được trang trí công phu, xa hoa trong phòng đặt thi hài của pharaoh.
Hirokatsu Watanabe, kĩ thuật viên người Nhật Bản lúc đó cho biết việc quét radar không phát hiện được gì, ngoại trừ dấu hiệu của kim loại và vật liệu hữu cơ.
Tiến hành quét radar và hy vọng tìm thấy căn phòng bí ẩn
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang sử dụng radar xuyên đất (GPR) để tìm kiếm nơi an nghỉ của nữ hoàng Nefertiti vì nghi ngờ sự tồn tại của hai khoang trống có thể nằm sau bức tường chôn cất vị Pharaoh trẻ tuổi.
Nghiên cứu này do các chuyên gia tới từ Đại học Bách khoa Turin (Italy) thực hiện và đây sẽ là lần thứ 3 trong suốt 2 năm qua các nhà khoa học tiến hành tìm kiếm căn phòng bí ẩn trong lăng mộ.
Giáo sư Franco Porcelli, nhà nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Turin, đồng thời là người đứng đầu dự án, cho biết: "Cơ hội này thật đặc biệt, và tôi có đặc quyền điều phối một đội ngũ chuyên gia rất tuyệt vời".
Trao đổi với tờ Seeker vào năm 2017, ông Porcelli cho biết: "Đây sẽ là một nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt và có thể kéo dài nhiều ngày. Ba hệ thống radar sẽ được sử dụng có tần số từ 200Mhz đến 2 GHz".
Ông Mamdouh Eldamaty, cựu viện trưởng viện khảo cổ học Ai Cập cho biết: "Có tới 90% khả năng là hai căn phòng ẩn đằng sau phòng chôn cất".
Dù vậy, nhóm nghiên cứu hiện vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Nếu quét radar có kết quả thì đây thực sự sẽ là một khám phá chấn động, tầm cỡ không khác gì khi các nhà khoa học tìm thấy lăng mộ của pharaoh Tutankhamun vào năm 1922.
Tutankhamun là một vị pharaoh trẻ tuổi, trị vì Ai Cập trong triều đại thứ 18, cách đây hơn 3.000 năm trước. Lăng mộ của Tutankhamun được coi là một trong những phát hiện khảo cổ chấn động nhất của thế kỷ 20.
Tìm thấy lăng mộ của pharaoh Tutankhamun được coi là một trong những phát hiện làm chấn động giới khảo cổ trên thế giới. Ảnh minh họa
Howard Carter, nhà khảo cố học người Anh đã phát hiện ra lăng mộ còn gần như nguyên vẹn của Pharaoh Tutankhamun và kho báu bằng vàng ròng khổng lồ bên trong ở Thung lũng các vị vua vào năm 1922. Gần 100 năm trôi qua, lăng mộ này vẫn còn rất nhiều bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu.
Nefertiti là một vị nữ hoàng nổi tiếng cả về quyền lực lẫn sắc đẹp của thời Ai Cập cổ đại. Bà đã cùng chồng mình là pharaoh Akhenaten cai trị đất nước Ai Cập cổ đại từ giữa những năm 1300 TCN.
Bức tượng bán thân nổi tiếng cho thấy khuôn mặt thanh tú và nhan sắc vượt trội của nữ hoàng Nefertiti cách đây hơn 3.000 năm.
Góc nghiêng tuyệt đẹp trên khuôn mặt tuyệt đẹp của Nefertiti, vị nữ hoàng bí ẩn của Ai Cập cổ đại. Ảnh minh họa
Bí ẩn về xuất thân và nhan sắc "chim sa cá lặn" của bà vô cùng hấp dẫn các chuyên gia nghiên cứu. Người ta có thể thấy phần nào nhan sắc tuyệt mỹ của nữ hoàng Nefertiti qua bức tượng bán thân nổi tiếng. Tuy nhiên, lăng mộ của nữ hoàng tài sắc này đến nay vẫn còn là ẩn số lớn cho hậu thế.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2055519