Pakistan ăn mừng trước chiến thắng của Taliban

04:00' 31-08-2021
Vài ngày sau khi Taliban chiếm Kabul, cờ của họ bay phía trên nhà thờ Hồi giáo ở trung tâm thủ đô Pakistan, như dấu hiệu về một chiến thắng. 


    Pakistan được coi là một đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda và Taliban trong hai thập kỷ qua. Quân đội Pakistan đã nhận hàng chục tỷ USD viện trợ của Mỹ trong cuộc chiến đó, ngay cả khi Washington thừa nhận không rõ phần lớn số tiền được sử dụng như thế nào.

    Nhưng Jane Perlez, biên tập viên của NYTimes, cho rằng đây là mối quan hệ hợp tác không thực lòng và mâu thuẫn lợi ích ngay từ khi bắt đầu sau vụ khủng bố 11/9. "Rất nhiều chiến binh Taliban ở Afghanistan mà Mỹ chiến đấu phần lớn được Cơ quan Tình báo Liên ngành (ISI) của Pakistan dung dưỡng và bảo vệ trong suốt cuộc chiến", Perlez viết.

    Chiến binh Taliban tuần tra tại Herat đầu tháng 8. Ảnh: Reuters.

    Chiến binh Taliban tuần tra tại Herat đầu tháng 8. Ảnh: Reuters.

    Các lãnh đạo bộ tộc cho biết trong ba tháng Taliban càn quét Afghanistan, nhiều tay súng Taliban đã được quân đội Pakistan tạo điều kiện vượt biên vào Afghanistan tham chiến. Đây được xem như "đòn chí mạng" đối với lực lượng an ninh Afghanistan do Mỹ huấn luyện.

    "Pakistan và ISI nghĩ rằng họ đã chiến thắng ở Afghanistan", Robert L. Grenier, cựu giám đốc CIA ở Pakistan, nói. Nhưng ông cảnh báo người Pakistan nên xem xét những gì mà họ muốn. "Nếu Taliban trở thành lực lượng nắm quyền ở một quốc gia bị thế giới cô lập, Pakistan sẽ thấy mình bị ràng buộc với họ".

    Uy tín vốn đã lung lay của Pakistan với phương Tây có thể lao dốc thêm, khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Những lời kêu gọi trừng phạt Pakistan đã xuất hiện trên mạng xã hội do vai trò của nước này với Taliban.

    Không nguồn tài trợ nước ngoài bị cắt đứt, Afghanistan có nguy cơ phải phụ thuộc vào hoạt động buôn bán ma túy. Việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan chắc chắn sẽ kích động những chiến binh Hồi giáo trong lòng Pakistan.

    Ngoài ra, mối quan hệ giữa Pakistan và Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm sau những biến cố ở Afghanistan. Ngoài việc duy trì sự ổn định kho vũ khí hạt nhân ở Pakistan, Mỹ có rất ít động lực để hợp tác với quốc gia này.

    Thành viên đảng Jamiat Ulema-e Islam Nazryate của Pakistan ăn mừng việc ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban ở Quetta vào tháng 3/2020. Ảnh: AFP.

    Thành viên đảng Jamiat Ulema-e Islam Nazryate của Pakistan ăn mừng việc ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban ở Quetta vào tháng 3/2020. Ảnh: AFP.

    Câu hỏi đặt ra là người Pakistan sẽ làm gì với quốc gia láng giềng đang nằm dưới sự kiểm soát của một lực lượng đồng minh với họ, nhưng đã bị tàn phá nặng nề sau hai thập kỷ nội chiến.

    "Điều hành một quốc gia bị chiến tranh tàn phá là một thử thách thực sự, nhất là khi Taliban là lực lượng giỏi chiến đấu hơn là cai trị", Maleeha Lohdi, cựu đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc, nói trong bài viết trên The Dawn tuần này.

    Trong cuộc chiến ở Afghanistan, Mỹ đã "nhắm mắt làm ngơ" trước các hoạt động ủng hộ Taliban của Pakistan, bởi họ không muốn gây rắc rối với một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, các cảng và sân bay ở Pakistan cũng là đường vận chuyển chính thiết bị quân sự cần thiết mà Mỹ dùng ở Afghanistan.

    Các quan chức Mỹ cho biết cơ quan tình báo Pakistan đã hỗ trợ Taliban, như lập kế hoạch, đào tạo chuyên môn và đôi khi là cố vấn thực địa trong suốt cuộc chiến. Dù Pakistan được xem như đồng minh của Mỹ, quốc gia này luôn hướng tới lợi ích của chính họ.

    Những lợi ích đó không bao gồm hiện diện quân sự lớn của Mỹ ở biên giới, một Afghanistan tự trị với chính phủ dân chủ mà họ không thể kiểm soát hay sở hữu quân đội mạnh. Thay vào đó, mục tiêu của Pakistan ở Afghanistan là tạo ra mức độ ảnh hưởng đủ lớn để ngăn chặn kình địch Ấn Độ. Người Pakistan cho rằng Ấn Độ đã sử dụng các nhóm ly khai hoạt động ở Afghanistan để gây bất ổn ở Pakistan.

    Bruce Riedel, cựu cố vấn về Nam Á trong chính quyền tổng thống George W. Bush và Barack Obama, cho biết quân đội Pakistan luôn "ám ảnh" một điều rằng Afghanistan có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc đối đầu của họ với Ấn Độ. Việc Mỹ khuyến khích Ấn Độ ủng hộ chính quyền Afghanistan càng khiến Pakistan lo lắng.

    Người Pakistan từng tỏ ra phẫn nộ khi cựu tổng thống Obama tới thăm Ấn Độ năm 2015, nhưng "phớt lờ" Pakistan, theo Riedel.

    Trong chuyến thăm Washington đầu năm nay, Moeed Yusuf, cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, nhấn mạnh rằng cần phải chấm dứt hiện diện của Ấn Độ ở Afghanistan. Ông Yusuf được biết đến là một người ôn hòa trong giới chính trị Pakistan, nhưng phản ứng của ông với vai trò của Ấn Độ ở Afghanistan khiến phía Mỹ bất ngờ.

    Khi các nhân viên ngoại giao Ấn Độ phải sơ tán khỏi Kabul, trong khi đại sứ quán Pakistan "bình chân như vại", báo chí Pakistan xem động thái này như một chiến thắng.

    Theo Douglas London, cựu giám đốc chống khủng bố của CIA ở khu vực Nam và Đông Nam Á, Pakistan có một "trợ thủ" rất đắc lực trong hàng ngũ Taliban, đó là Khalil Haqqani. Thủ lĩnh người Pakistan của Taliban này thường xuyên tới trụ sở quân đội Pakistan ở Rawalpindi, và nay trở thành một trong những lãnh đạo mới của Afghanistan.

    Mối quan hệ giữa người Pakistan và Haqqani là điều không thể chối cãi và góp phần không thể thiếu trong chiến thắng của Taliban, London nói, thêm rằng người đứng đầu quân đội Pakistan Javed Bajwa và người đứng đầu ISI Hameed Faiz thường xuyên gặp Haqqani.

    Cựu quan chức CIA cho biết Pakistan đã giúp Taliban rất nhiều, từ cung cấp nơi trú ẩn an toàn ở biên giới cho tới chữa trị cho các chiến binh bị thương. ISI cũng thường cung cấp các công cụ cần thiết giúp Taliban nâng cao vị thế quốc tế. Thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar đã dùng hộ chiếu Pakistan để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha, Qatar và tới Trung Quốc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị.

    "Taliban ở Afghanistan sẽ không thể có được vị thế hiện tại nếu không có sự hỗ trợ từ Pakistan", London nói.

    Thủ lĩnh Khalil Haqqani phát biểu tại nhà thờ Hồi giáo Pul-e Kheshti ở thủ đô Kabul, Afghanistan tuần trước. Ảnh: NYTimes.

    Thủ lĩnh Khalil Haqqani phát biểu tại nhà thờ Hồi giáo Pul-e Kheshti ở thủ đô Kabul, Afghanistan tuần trước. Ảnh: NYTimes.

    Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan nguội lạnh sau khi đặc nhiệm SEAL hải quân Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011 tại nơi trú ẩn gần một học viện quân sự Pakistan. Các quan chức cấp cao của Mỹ sau đó dừng các chuyến thăm Pakistan và giảm hỗ trợ cho đất nước này.

    Tuy nhiên, chính quyền Obama chưa từng công khai điều mà họ nghi ngờ rằng quân đội Pakistan chứa chấp Osama bin Laden. Nếu Washington tuyên bố như vậy, Pakistan sẽ trở thành nước tài trợ khủng bố và phải chịu các biện pháp trừng phạt như với Iran, theo Riedel.

    Điều đó buộc Mỹ phải chấm dứt hỗ trợ cho Pakistan, đồng nghĩa Pakistan cũng chặn đường cung cấp thiết bị quân sự cho Mỹ ở Afghanistan, dẫn tới tăng chi phí cuộc chiến.

    Bất chấp mối quan hệ căng thẳng, Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác với Pakistan. Trong khi đó, Pakistan cũng nhanh chóng thiết lập liên minh riêng. Trung Quốc, quốc gia bảo trợ lâu năm của Pakistan, đã mô tả mối quan hệ giữa hai nước như "môi với răng", đồng thời đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng của Pakistan.

    Sajjan Gohel, giám đốc an ninh quốc tế tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương tại London, cho rằng Trung Quốc muốn Pakistan đóng vai trò như người hỗ trợ ở Afghanistan. "Người Trung Quốc dường như tin họ có thể đảm bảo an ninh tốt hơn trước Taliban nhờ mối quan hệ chung với Pakistan", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bong-dang-pakistan-sau-chien-thang-cua-taliban-4346704.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ