Nỗ lực bảo vệ tư cách ứng viên của ông Biden
Các đồng minh của Tổng thống Joe Biden những ngày qua không ngừng nỗ lực ngăn chặn hệ lụy từ màn tranh luận không như mong đợi mà ông chủ Nhà Trắng đã thể hiện hồi tuần trước với đối thủ Donald Trump. Họ công bố lượng tiền khổng lồ ủng hộ cho chiến dịch và nêu một danh sách dài những tổng thống từng "vấp ngã" trong lần tranh luận đầu tiên.
Ở hậu trường, họ không ngừng gọi điện trấn an các nhà tài trợ đang lo lắng, kêu gọi các nghị sĩ đảng Dân chủ giữ bình tĩnh, thậm chí chuẩn bị cho cả kịch bản Tổng thống có thể bị gạch tên khỏi lá phiếu.
Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên với cựu tổng thống Donald Trump ở thành phố Atlanta, bang Georgia, tối 27/6. Ảnh: AP
Nỗ lực bảo vệ tư cách ứng viên của ông Biden tiếp tục diễn ra hôm 30/6 tại Trại David, khi báo chí đồng loạt đưa tin gia đình Tổng thống đã động viên ông tiếp tục tham gia cuộc đua Nhà Trắng. Thông tin này phần nào ngăn làn sóng hoài nghi của công chúng và giúp ông cùng các trợ lý hàng đầu có thêm thời gian xử lý khủng hoảng.
Tuy nhiên, nỗ lực "dập lửa" của các trợ lý, đồng minh và thành viên gia đình Tổng thống Biden nhằm hạn chế thiệt hại từ cuộc tranh luận cũng cho thấy chiến dịch tranh cử bị đẩy vào khủng hoảng nghiêm trọng như thế nào.
Theo các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề, trong các cuộc thảo luận riêng tư, Tổng thống bày tỏ cam kết hoàn toàn về việc tiếp tục tham gia cuộc đua. Nhưng ông đã hỏi các trợ lý và đồng minh về những gì họ nghe được sau màn tranh luận. Tổng thống cũng bày tỏ lo ngại về hậu quả và tỏ ra buồn lòng trước một số lời kêu gọi ông bỏ cuộc. Tuy nhiên, những người xung quanh ông vẫn bình tĩnh và giữ thái độ lạc quan.
"Ngài có một đêm tồi tệ và nó đã qua", một người nói. "Chúng tôi vẫn ở đây, hãy bước tiếp".
Tổng thống Biden có kế hoạch trở lại Nhà Trắng vào đầu tuần này và tổ chức lễ kỷ niệm quốc khánh Mỹ 4/7 tại đây. Sau khi ông tỏ ra mất tập trung và thiếu sinh khí trong cuộc tranh luận tối 27/6, những lần xuất hiện trước công chúng sắp tới có lẽ sẽ bị cử tri cũng như các nghị sĩ đặc biệt chú ý.
Đến chiều 30/6, không còn quan chức có ảnh hưởng nào của đảng Dân chủ kêu gọi Biden bỏ cuộc. Một số người đã công khai bày tỏ ủng hộ ông, ngay cả khi họ thừa nhận rằng màn tranh luận của ông đã làm dấy lên lo ngại về kết quả bầu cử.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết các nghị sĩ đang tập trung vào các cuộc thảo luận về tương lai ứng viên của Tổng thống Biden, song ông nhấn mạnh "có khác biệt lớn giữa quan điểm về thế giới, nước Mỹ và tương lai giữa chúng tôi so với những người Cộng hòa thuộc phong trào 'Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại' (MAGA)".
Màn tranh luận của Tổng thống Biden "chắc chắn là một bước thụt lùi", Jeffries nói thêm. "Nhưng tất nhiên, tôi tin rằng thất bại này là bước chuẩn bị cho sự quay trở lại".
Các trợ lý của ông Biden bắt đầu giải thích với giới truyền thông khi cuộc tranh luận đang diễn ra rằng Tổng thống bị cảm để giải thích cho việc giọng nói của ông khàn khàn, yếu ớt và việc ông diễn đạt không mạch lạc.
Phó Tổng thống Kamala Harris ngay sau đó cho hay "khởi đầu chậm chạp" của ông không phải một điểm yếu và những người đại diện chiến dịch tranh cử đã cố gắng chuyển hướng chú ý của dư luận từ vấp váp của Tổng thống Biden sang những thông tin sai lệch và bình luận cực đoan mà Trump đưa ra trong cuộc tranh luận.
Nỗ lực bảo vệ Tổng thống tiếp tục được thực hiện trong ngày 28/6 và cả cuối tuần qua.
Trong cuộc họp trực tuyến được Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) triệu tập khẩn cấp hôm 29/6, các lãnh đạo đã kêu gọi mọi thành viên ủng hộ Tổng thống Biden.
"Chúng ta phải hậu thuẫn ông ấy", Chủ tịch DNC Jaime Harrison nói. Theo một người tham dự cuộc họp, Harrison thừa nhận Tổng thống Biden không còn trẻ, nhưng nhấn mạnh ông không phải "kẻ nói dối" như cựu tổng thống Trump.
Tuy nhiên, cuộc họp không tạo cơ hội cho các đảng viên chia sẻ mối quan ngại của mình với lãnh đạo đảng. Không có phiên hỏi đáp và chức năng trò chuyện bị tắt. Những động thái như vậy đã làm thất vọng những thành viên vốn hy vọng có một cuộc thảo luận trung thực hơn về con đường khó khăn phía trước của đảng.
Thay vào đó, các lãnh đạo đảng và quan chức chiến dịch lại khoe về thành tựu gây quỹ. Họ giải thích về chiến lược thu hút những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến dự đại hội đảng Dân chủ ở Chicago.
Harrison kết thúc cuộc họp bằng cách nói với các thành viên rằng ông sẽ đi du ngoạn trên du thuyền Disney, thực hiện lời hứa với các con mình. Thông tin này vừa không loại bỏ được những nghi ngờ, vừa gây thất vọng với không ít đảng viên Dân chủ.
Một người cho hay Jeffries và một số lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện đang âm thầm thuyết phục các nghị sĩ ở những khu vực bầu cử dao động giữ im lặng vài ngày nữa để xem điều gì sẽ xảy ra.
Về phần mình, Tổng thống Biden đã cố gắng thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ và ổn định hơn trước công chúng.
3 ngày qua, Tổng thống tới vận động tranh cử tại 5 bang. Trong một sự kiện rầm rộ ở Raleigh, Bắc Carolina, ông chỉ trích mạnh mẽ cựu tổng thống Trump về những vụ kiện mà ứng viên Cộng hòa đối mặt, đồng thời thẳng thắn thừa nhận vấn đề tuổi tác cũng như những hạn chế của mình.
"Tôi không đi lại nhanh nhẹn như trước nữa. Tôi không còn ăn nói trôi chảy như trước nữa. Tôi không tranh luận tốt như trước nữa", Biden cho hay. "Nhưng tôi biết cách nói sự thật. Tôi biết đúng sai và tôi biết cách làm công việc này".
Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ coi sự kiện tại Raleigh là một động thái trấn an quan trọng, ngay cả khi họ vẫn hoài nghi về sự khác biệt rõ ràng giữa màn thể hiện của Tổng thống trong cuộc tranh luận và cách ông xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử một ngày sau đó.
"Đó là Joe Biden mà tất cả chúng ta đều biết và yêu mến. Thành thật mà nói, đó là người mà chúng tôi hy vọng xuất hiện trên sân khấu tranh luận", Maria Cardona, chiến lược gia đảng Dân chủ, người vẫn cam kết ủng hộ Tổng thống tái tranh cử, tuyên bố.
Cardona cũng bác bỏ tác động từ "những lời bàn tán" của các chiến lược gia, chuyên gia hay báo giới về việc Tổng thống Biden nên rút lui khỏi cuộc đua Nhà Trắng.
"Họ không thực sự quan trọng", bà nói. "Điều thực sự quan trọng là các quan chức được bầu, các nhà tài trợ và cử tri".
Cùng thời điểm Biden tới vận động tranh cử ở Raleigh, ông đã nhận được thông điệp ủng hộ quan trọng từ cựu tổng thống Barack Obama, người mà màn tranh luận run rẩy của chính ông vào năm 2012 cũng đã làm rung chuyển nỗ lực tái tranh cử.
"Những đêm tranh luận tồi tệ vẫn xảy ra. Hãy tin tôi, tôi biết điều này", ông Obama đăng trên mạng xã hội chiều 28/6. "Nhưng cuộc bầu cử này vẫn là sự lựa chọn giữa một người cả đời đấu tranh cho người dân bình thường và một người chỉ quan tâm đến bản thân mình".
Tại trụ sở chiến dịch tranh cử của Biden ở Wilmington, bang Delaware, một số nhân viên đã tụ tập để theo dõi cuộc vận động tranh cử ở Raleigh và đứng dậy vỗ tay khi nhìn thấy Tổng thống trông tràn đầy năng lượng trước đám đông hơn 2.000 người ủng hộ.
Trong cuộc họp toàn thể nhân viên sau đó, chủ tịch chiến dịch Jen O'Malley Dillon đã kêu gọi đoàn kết, thừa nhận đêm tranh luận khó khăn và khuyến khích các trợ lý tập trung vào việc tạo ra sự tương phản rõ rệt giữa Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Trump.
"Tất cả chúng ta đều từng trải qua những giai đoạn khó khăn", bà nói. "Tất cả chúng ta đều ước điều gì đó diễn ra tốt hơn một chút so với những gì đã xảy ra. Chúng ta sau đó phải quyết định liệu có nên tiếp tục đấu tranh và nỗ lực hết mình hay không. Tôi nghĩ đây là điều Tổng thống đang làm".
Trong một loạt bản ghi nhớ và thuyết trình trước các nhà tài trợ và cử tri, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden đã tìm cách hạ thấp mối lo ngại từ các học giả và nhà bình luận, những người cho rằng ông gây ra tổn hại không thể khắc phục được đối với triển vọng tái đắc cử trong cuộc tranh luận.
Họ dẫn chứng một lượng lớn tiền quyên góp, hơn 33 triệu USD kể từ ngày 27/6, và các số liệu khác cho thấy cử tri vẫn đứng về phía Tổng thống Biden. Chiến dịch hôm 30/6 cho hay 27/6 là "ngày gây quỹ cấp cơ sở tốt nhất từ trước tới nay".
Noah Mamet, cựu đại sứ Mỹ tại Argentina, người tham dự cuộc họp tại trụ sở chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden, cho biết O'Malley Dillon đã có bài thuyết trình trước ủy ban tài chính hôm 28/6 nhằm xoa dịu nỗi lo của một số nhà tài trợ bằng cách nêu bật việc cựu tổng thống Trump đã đưa ra những thông tin sai lệch trong cuộc tranh luận như thế nào.
"Trump đã nói rất nhiều điều điên rồ mà hiện tại không được nhắc đến", Mamet cho hay, thêm rằng chiến dịch đang có kế hoạch biến các tuyên bố cực đoan nhất của cựu tổng thống thành quảng cáo tranh cử.
Hôm 29/6, O'Malley Dillon công bố một bản ghi nhớ nói rằng bất chấp màn tranh luận không như mong đợi của Tổng thống Biden, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn không có gì thay đổi. Bà khẳng định bất kỳ cuộc thăm dò nào cho thấy nền tảng ủng hộ Tổng thống Biden đang lay chuyển đều chỉ là tạm thời và là kết quả từ "những câu chuyện bị truyền thông thổi phồng quá mức".
Vài giờ sau, phó giám đốc chiến dịch tranh cử Rob Flaherty tiến thêm một bước nữa khi gửi bản ghi nhớ khác có lời lẽ gay gắt hơn nhằm chống lại nỗ lực kêu gọi Tổng thống Biden rời khỏi đường đua.
"Đó là cách tốt nhất giúp Donald Trump chiến thắng và khiến chúng ta thất bại. Trước hết: Joe Biden sẽ là ứng viên của đảng Dân chủ. Chấm hết. Cử tri đã bỏ phiếu".
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân khấu tranh luận của CNN ở Atlanta, Georgia, ngày 27/6. Ảnh: AFP
Ông cho rằng việc Tổng thống Biden rút lui sẽ dẫn đến nhiều tuần hỗn loạn và đấu đá trong đảng Dân chủ. Tất cả đều sẽ khiến cựu tổng thống Trump đắc lợi.
"Tổng thống Biden là người nắm giữ tất cả các quân bài ở đây", ông nhấn mạnh. "Chỉ cần ông ấy nói không bỏ cuộc, ông ấy sẽ tiếp tục tranh cử. Bất cứ ai khác nói gì không quan trọng. Đó là quyết định của Tổng thống Biden".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-luc-dap-lua-cua-nhom-ong-biden-sau-cu-vap-tranh-luan-4764552.html