Một cuộc điều tra của tờ Guardian (Anh) cho thấy, “những con tàu ma” hoạt động trong ngành công nghiệp thủy sản Thái Lan đã bắt những người nhập cư lao động như những nô lệ. Họ bị các chủ thuyền người Thái mua đi bán lại như món hàng, phải làm việc mỗi ngày 20 tiếng, bị ép sử dụng ma túy để duy trì năng suất, bị đánh đập, bị ném xuống biển nếu không còn sức làm việc…
Ngư dân trên một tàu đánh bắt cá tạp của Thái Lan
Tanh mùi khổ sai
Trên cơ thể của chàng thanh niên 29 tuổi Myint Thein vẫn hằn vết tích về những ngày bị đánh đập và bị đem bán cho một tàu đánh cá Thái Lan. Những vết sẹo dài trên mỗi cánh tay, những ngón tay chai sần biến dạng cùng với gương mặt méo xệch, nhăn nhúm…
Khi rời Myanmar 2 năm về trước, Myint Thein hy vọng sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn ở Thái Lan với lời hứa của những người môi giới lao động về một công việc an toàn, ổn định trong một nhà máy. Sau hành trình gian khổ len lỏi qua những khu rừng rậm, những con đường gập ghềnh, cuối cùng Myint Thein cũng được đưa đến Kantang - một huyện của tỉnh Trang (Thái Lan), ở phía Tây Nam biển Andaman. Nhưng vừa đặt chân đến “miền đất hứa” này, Myint phát hiện mình bị bán cho một thuyền trưởng người Thái. “Khi biết chuyện đang xảy ra, tôi đã nói với họ rằng tôi muốn quay trở lại. Nhưng họ không đồng ý. Khi tôi cố gắng chạy trốn, họ đánh tôi và đập vỡ tất cả răng của tôi” - Myint rùng mình nhớ lại.
Ròng rã suốt 20 tháng sau đó, Myint Thein và 3 người đàn ông đồng hương khác phải làm việc cật lực trên những con “tàu ma” (tàu không đăng ký). Chủ những tàu này mua người rồi bắt lao động như nô lệ trên các con tàu đánh bắt hải sản, chủ yếu là các loại cá tạp làm thức ăn để nuôi tôm ở ngoài khơi Thái Lan. Họ bị ép phải làm việc 20 giờ mỗi ngày nhưng chỉ được ăn 1 đĩa cơm và thường xuyên bị thuyền trưởng người Thái đánh đập.
Do sợ bị phạt tù, sợ trục xuất và sợ bị bỏ đói, những người lao động nhập cư này làm việc ngày đêm, lại phải “vừa ngủ vừa nghe” lệnh triệu tập thả lưới, kéo cá bất cứ lúc nào. Thậm chí những công nhân quá yếu, khó có thể tiếp tục làm việc, chủ thuyền nhẫn tâm ném xuống biển. Một vài người bị “giam” trên biển trong nhiều năm, có những người được chủ thuyền cho sử dụng “ma túy đá” để duy trì hiệu suất làm việc.
Phóng viên của tờ Guardian trong một cuộc điều tra đã phát hiện ra, những lao động nô lệ này phải làm việc để tạo ra nguồn tôm cung cấp cho tập đoàn nuôi tôm lớn nhất thế giới đặt tại Thái Lan - Charoen Pokphand (CP) Foods. Tập đoàn này là nguồn cung ứng cho các siêu thị hàng đầu trên thế giới, gồm cả 4 nhà bán lẻ toàn cầu Walmart, Carrefour, Costco và Tesco.
Tận diệt nguồn hải sản
Theo số liệu chính thức của Thái Lan, mỗi năm nước này sản xuất khoảng 4,2 triệu tấn thủy sản, 90% dành cho xuất khẩu, mỗi năm thu về khoảng 2,5 tỷ USD. Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu là những đối tác thu mua chính, riêng thị trường Mỹ chiếm gần 1/2 tổng nguồn cung tôm từ thị trường Thái Lan. Thông qua công ty đa quốc gia như CP Foods, các tàu Thái Lan xuất khoảng 500.000 tấn tôm mỗi năm, trong đó gần 10% tôm do CP Foods cung cấp. Bản thân CP Foods cũng đã thừa nhận “lao động nô lệ” là một phần trong chuỗi cung cấp của tập đoàn này.
Chính phủ Thái Lan ước tính, có tới 300.000 người làm việc trong ngành công nghiệp đánh cá, trong số đó có 90% là người nhập cư. Nhiều người trong số này bị lừa gạt, bị các chủ thuyền mua đi bán lại khi “ngây thơ” trả tiền cho bọn buôn người để được đưa vào Thái làm việc. Bọn buôn người nhận tiền cả 2 đầu, từ người lao động và chủ thuyền.
Một người chuyên môi giới dịch vụ buôn bán người làm việc trong ngành chế biến tôm ở tỉnh Samut Sakhon - phía Nam Thủ đô Bangkok tiết lộ, khi chủ tàu người Thái có nhu cầu mua người sẽ liên lạc trực tiếp với ông ta, báo số lượng cần và mức giá. Theo ông này, mỗi người đàn ông khỏe mạnh có giá khoảng 25.000 – 35.000 baht (450 - 640 bảng Anh).
Một điều đáng lo ngại, những con “tàu ma” sử dụng lao động nô lệ đánh bắt cá tạp đã tận diệt các loại thủy hải sản tại vùng biển Đông Nam Á. Chính vì vậy, nhiều tổ chức nhân quyền và môi trường kêu gọi cần sớm có hành động quyết liệt để chấm dứt tình trạng này.