Niềm vui của con cũng chính là hạnh phúc của mẹ
Ngày nào cũng vậy. Cứ sáng sớm, mẹ lại dậy lo bữa sáng và thúc giục con ăn để kịp giờ đến lớp. Vì công việc của bố mẹ, lại thêm nhà xa trường, thế nên con gái phải ở lại bán trú trong trường. Chiều đón con về, mẹ lại hối hả chuẩn bị cơm chiều, kịp cho con đi học thêm: khi học nhạc, khi học vẽ, khi học Anh văn,… Cứ thế, những bữa cơm gia đình mình ít khi có con cùng ngồi ăn.
Mẹ nhớ có lần, mẹ giục con ăn cơm trước để kịp giờ học Anh văn buổi tối, nhưng con lại năn nỉ mẹ được chờ bố mẹ ăn cùng. Ánh mắt con buồn rầu: “Con chỉ muốn được ngồi ăn cơm cùng với bố mẹ. Ăn cơm một mình, buồn lắm”. Mẹ gượng cười, vỗ về con: “Sắp trễ giờ học rồi… Con ăn nhanh lên…!”. Mẹ đâu nghĩ rằng, con gái mẹ lại mong một điều giản dị như thế. Những điều bình thường nhưng ý nghĩa ấy đôi khi lại bị người lớn chúng ta lãng quên vì một lí do nào đó.
Mẹ từng kể với con về tuổi thơ của mẹ. Tuổi thơ chỉ học một buổi học chính trên trường và ít khi phải làm bài tập về nhà. Tuổi thơ của mẹ là những tháng ngày rong ruổi, trải nghiệm cùng gia đình, bạn bè trên đồng làng, bờ đê, triền sông hay núi cao,… Tuổi thơ của mẹ là sự vô tư, trong sáng, là được làm những điều mình thích. Còn tuổi thơ của con bây giờ… không gì ngoài việc học. Có được chút thời gian giải trí thì hoặc là xem ti vi, điện thoại, chơi game; hoặc là được bố mẹ mua cho những thứ này thứ nọ. Nghĩ lại mà thấy chạnh lòng, thương con thật nhiều.
Mẹ nhận ra, bấy lâu nay, mẹ đã sai khi luôn tạo áp lực học tập cho con, khiến một cô bé mới lớp 3 như con phải khổ tâm (điều mà ở tuổi của con không đáng phải thế). Và rồi, con đã vui biết mấy khi nghe mẹ nói rằng: “Từ nay, mẹ sẽ không quan trọng việc con có trở thành người giỏi nhất lớp hay không. Điều mẹ quan tâm chính là việc con cảm thấy thoải mái nhất mỗi khi được đến trường”. Vì mẹ hiểu, niềm vui đối với con chính là việc bố mẹ không nên tạo áp lực cho con hay bắt buộc con phải thực hiện cho được ước mơ của bố mẹ.
Niềm vui của con là khi con phạm một sai lầm nào đó, thay vì bố mẹ bắt buộc con phải làm theo mệnh lệnh; theo dõi, giám sát, đe dọa hay la mắng con thì bố mẹ lại giáo dục con theo cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Những câu hỏi hoặc một mẩu chuyện nhỏ thiết thực… có thể giúp con rút ra được bài học từ những sai lầm con mắc phải. Mẹ hiểu, tâm hồn non nớt của con dễ dàng bị tổn thương biết chừng nào. Sự tổn thương ấy có thể in sâu vào tiềm thức khi con lớn lên và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con sau này. Vì vậy, giáo dục con, mẹ biết không nên chọn hình phạt.
Con từng khoe với các bạn về niềm vui của mình. Đó là khoảng thời gian nghỉ hè được về quê thăm bên nội, bên ngoại. Là khi con được trải nghiệm cảm giác tắm mưa dưới mái hiên nhà nội. Là khi con được cùng bố lội ruộng bắt cá, bắt cua. Là khi con lon ton thả diều trên đồng làng cùng ông nội. Con được đi chăn bò cùng bà ngoại, được thỏa sức ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh mướt, tận mắt nhìn thấy đàn cò kiếm ăn trên đồng và biết bao những điều thú vị khác nữa. Mẹ biết, con cảm thấy may mắn, trân quý những niềm vui bình dị ấy!
Mẹ tâm niệm rằng: niềm vui cho con phải bắt đầu từ niềm vui trong tổ ấm gia đình. Bởi vậy, dẫu bận trăm công ngàn việc, mẹ vẫn cố gắng dành thời gian để chơi cùng con, học cùng con, trò chuyện cùng con. Và niềm vui của con cũng chính là hạnh phúc của mẹ.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/niem-vui-cua-con-nw232028.html