Những yếu tố có khả năng tác động tới nền kinh tế Úc trong năm 2023
Ngân hàng Dự trữ Australia. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Australia Financial Review, nhà báo chuyên về kinh tế Ronald Mizen nhận xét, các số liệu kinh tế của tài khoản quốc gia, vừa được Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố trong tuần trước, cho thấy mùa lễ hội mua sắm lớn nhất năm - dịp lễ Giáng Sinh - có thể là "cơn bão chi tiêu cuối cùng" của người tiêu dùng "xứ chuột túi", trước khi họ bị "khuất phục" bởi áp lực lạm phát, giá tiêu dùng tăng cao và nợ phải trả ngày một lớn.
Vậy đâu là những yếu tố có khả năng tác động tới nền kinh tế Australia và làm ảnh hưởng tới chi tiêu hộ gia đình trong năm 2023?
Lãi suất tăng
Tháng 12/2022, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) đã chính thức tăng lãi suất lần thứ tám liên tiếp, lên 3,1%, cao nhất trong vòng một thập kỷ. Lãi suất tăng đã khiến các khoản tiền lãi vay ngân hàng tăng theo, đẩy các hộ gia đình "ngập" trong nợ vay mua nhà.
Tuy nhiên, đây có lẽ chưa phải là lần tăng lãi suất cuối cùng của RBA, trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại. Thống đốc Philip Lowe, sau cuộc họp hội đồng quản trị RBA ngày 6/12, đã tiết lộ sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất mới trong năm 2023, dự kiến cho tới khi lãi suất cơ bản chạm ngưỡng 3,6% vào thời điểm lạm phát đạt đỉnh và chuẩn bị "quay đầu".
Việc đẩy lãi suất lên mức 3,6% sẽ khiến lãi suất trung bình đối với các khoản vay có lãi suất của các ngân hàng thương mại rơi vào khoảng 6,5%.
Ở mức 3,1%, các khoản tiền lãi hàng tháng cho khoản vay thương mại 500.000 AUD (khoảng 338.000 USD) trong vòng 25 năm sẽ tăng thêm 834 AUD và 1.251 AUD cho khoản vay 750.000 AUD và 1.668 AUD cho khoản vay 1 triệu AUD.
Lãi suất sẽ gây ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, do các doanh nghiệp phải trả lãi vay cao hơn, dẫn tới giá của các loại hóa đơn sử dụng năng lượng, như điện và khí đốt, dự kiến sẽ tăng 20% vào năm 2023. Để đối phó với nguy cơ này, Chính phủ Australia đang cố gắng áp trần giá đối với than và khí đốt, nhằm hạn chế tác động từ các đợt bùng nổ lãi suất trong năm tới.
Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình – số tiền mà mọi người tiết kiệm được sau khi thanh toán toàn bộ các chi phí – đã giảm mạnh từ mức cao kỷ lục khoảng 20% vào năm 2020 xuống còn 6,9% vào tháng 9/2022. ABS cho biết lý do của sự sụt giảm này chính là các khoản lãi phải trả cho các khoản vay mua nhà tăng 36%.
Các dấu hiệu của việc giảm chi tiêu cũng đang xuất hiện trong nền kinh tế Australia. Niềm tin của người tiêu dùng nước này hiện gần mức thấp kỷ lục. Doanh số bán lẻ trong tháng 10/2022 lần đầu tiên giảm, kể từ tháng 12/2021. Các nhà kinh tế dự báo giá nhà tại Australia sẽ giảm từ 15-30% do lãi suất cao hơn. Trong vòng 8 tháng, sau khi RBA bắt đầu đảo ngược các thiết lập chính sách ở cấp độ khẩn cấp, khoảng 170 tỷ AUD đã bị xóa khỏi tổng giá trị nhà và đất sở hữu của người dân Australia.
Tác động từ thế giới
Australia không phải là quốc gia duy nhất đang phải chịu "nỗi đau" lãi suất. Trên khắp thế giới, các ngân hàng trung ương đang đua nhau tăng lãi suất, để cố gắng kiềm chế giá cả trong nước tăng cao. Tại một số quốc gia phát triển như Mỹ và Anh, giá cả hiện đã đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng phạm vi lãi suất mục tiêu từ mức cơ bản bằng 0 lên mức từ 3,75-4%. Kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư là lãi suất sẽ đạt đỉnh ở ngưỡng 5%. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng đã nhanh chóng tăng tỷ lệ lãi suất từ 0,1% lên 3% trong vòng 12 tháng vừa qua và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cho tới khi lãi suất đạt đỉnh 4,75%.
Giá cả tăng
Mặc dù động thái nâng lãi suất đã tạo ra các "cơn đau" khác nhau cho nền kinh tế và các hộ gia đình. Nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng đang phát huy tác dụng và lạm phát bắt đầu giảm.
Tháng 1-10/2022, lạm phát danh nghĩa của Australia chạm mốc 6,9%. Đây là một con số tương đối cao, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo và thấp hơn 0,4% so với mức 7,3% của tháng 9/2022. Kết quả này đã khiến một số nhà kinh tế cho rằng RBA nên hạ mức dự báo rủi ro về triển vọng lạm phát sẽ đạt ngưỡng cao nhất là 8% vào tháng 12/2022.
Nhưng cả Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers và RBA đều lên tiếng cảnh báo về triển vọng kinh tế Australia trong năm nay và cả năm 2023. Bộ trưởng Chalmers nói kết quả kinh tế của tháng 10/2022 chưa phản ánh đầy đủ tác động của các trận lũ lụt gây ảnh hưởng đến giá cả thực phẩm hay ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với giá mặt hàng năng lượng. Trong khi, Thống đốc Lowe nhấn mạnh RBA tiếp tục giữ triển vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh quanh ngưỡng 8%.
Lý do mà Thống đốc Lowe đưa ra bao gồm cả rủi ro của vòng xoáy giá cả tiền lương. Năm 2022, tiền lương cơ bản của người lao động Australia đã tăng 5,1% để bù đắp cho phần tăng của lạm phát. Điều này là hợp lý, nhưng chúng lại gây ra một vòng luẩn quẩn là tiền lương tăng, dẫn đến chi phí đầu vào tăng, chi phí bán lẻ cao hơn và, do đó, đẩy lạm phát tiếp tục tăng.
Hai câu hỏi lớn
Tác giả cho rằng có hai câu hỏi lớn cần giải đáp khi đánh giá về triển vọng kinh tế của năm 2023.
Câu hỏi thứ nhất đó là tiền lương sẽ đi về đâu? Việc tăng lương từ 3% lên 4% và tạm thời cao hơn nữa là không đáng lo ngại. Điều đáng lo ngại là sự thay đổi vĩnh viễn trong kỳ vọng của mọi người trên mức tăng đó, do đó việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2-3% sẽ vô cùng khó khăn.
Câu hỏi thứ hai là 260 tỷ AUD tiền gửi ngân hàng được bổ sung thêm trong suốt thời kỳ đại dịch sẽ được sử dụng như thế nào? Vào năm 2021, cựu Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã kỳ vọng số tiền này sẽ được sử dụng trong làn sóng tiêu dùng, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Nhưng với việc lãi suất tăng liên tục như hiện nay, kỳ vọng đó đã bị "tàn phá".
Đối với nhiều người, khoản tiết kiệm sẽ bị hấp thụ bởi chi phí lãi vay cao hơn. Theo RBA, khoảng 1/3 số người đi vay sẽ bị giảm dòng tiền dự phòng từ 40% đến 100% ở mức lãi suất 3,6%. Thậm chí, khoảng 15% sẽ có dòng tiền âm.
Các hộ gia đình giàu có hơn thường có khả năng trang trải tốt hơn các khoản chi phí ngày càng tăng, với mức thu nhập hiện có của họ và cũng có nhiều khả năng duy trì các khoản tiền tiết kiệm tốt hơn. Câu hỏi lớn đối với RBA là liệu họ có "đụng tay" vào phần dự trữ này, để mở rộng chi tiêu thay vì giữ nguyên chính sách thắt chặt tiền tệ như hiện nay?/.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/nhung-con-gio-nguoc-cho-doi-kinh-te-australia-trong-nam-2023/271721.html