Những thông điệp ẩn trong 'Inside Out' phần 2

01:00' 27-06-2024
Inside Out 2 cài cắm nhiều chi tiết gợi nhớ phần đầu năm 2015 và Toy Story của hãng Pixar và Disney.


     

    Easter egg là thuật ngữ chỉ những thông điệp được các nhà phát triển hoặc người tạo ra sản phẩm giấu trong các phần mềm, trò chơi điện tử, phim ảnh, âm nhạc. Những tình tiết này thường xuất hiện nhanh, ở một góc nhỏ, phải chú ý mới có thể nhận biết được. Trang ScreenRant thống kê hơn 20 easter egg được đưa vào phần hai Inside Out, trong đó có một số chi tiết quan trọng.

    Con số A113

    A113 là easter egg xuất hiện trong nhiều sản phẩm của Disney và Pixar. Trên thực tế, con số này là số phòng tại Học viện nghệ thuật California (California Institute of the Arts, CalArt), nơi nhiều nghệ sĩ thiết kế của Disney và Pixar từng theo học. A113 từng xuất hiện trên biển số xe của mẹ nhân vật Andy trong Toy Story, phòng xử án của tòa án tối cao ở The Incredibles, hay trên tai của chú chuột Remy trong Ratatouille.

    Inside Out 2, các cảm xúc Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Disgust (Chảnh Chọe), Anger (Giận Dữ) và Fear (Sợ Hãi) bị tống giam trong căn phòng số hiệu ACXIII - phiên bản số La Mã của A113.

    Mã số 28 của Riley

    Riley (giữa) và hai người bạn thân. Ảnh: Walt Disney Studios

    Riley (giữa) và hai người bạn thân. Ảnh: Walt Disney Studios

    Phim mở đầu với cảnh nhân vật chính Riley (Kensington Tallman lồng tiếng) thi đấu hockey cho Foghorns - đội tuyển mà cô bé gia nhập sau khi chuyển đến San Francisco. Số áo của Riley nhằm gợi nhắc Inside Out 2 là bộ phim thứ 28 của Pixar.

    Tưởng nhớ Bing Bong

    Bing Bong (Richard Kind lồng tiếng) là người bạn tưởng tượng của Riley trong Inside Out (2015). Khi lớn lên, cô bé dần lãng quên cậu. Bing Bong giúp Vui Vẻ và Buồn Bã quay trở lại Trung tâm não bộ với lời hứa Vui Vẻ sẽ làm Riley nhớ lại mình. Tuy nhiên, Bing Bong hy sinh để giúp Vui Vẻ thoát khỏi Vực Quên Lãng. Trong phần hai, Vui Vẻ có một hình giấy gấp origami Bing Bong và chiếc xe tên lửa đặt ở tủ cạnh giường.

    Gợi nhắc phim Toy Story

    Chiếc ống nhòm trong phim. Ảnh: Walt Disney Studios

    Chiếc ống nhòm trong phim. Ảnh: Walt Disney Studios

    Trong một cảnh phim, các Đảo Cá Tính của Riley thay đổi nhiều đến mức Buồn Bã không tìm thấy hòn đảo dành cho gia đình. Vui Vẻ phải đưa cô một chiếc ống nhòm để nhìn kỹ hơn, giống món đồ chơi của Lenny trong Toy Story (1998).

    Chương trình thiếu nhi của Disney

    Bloofy (trái) và túi Pouchy trong phim. Ảnh: Walt Disney Studios

    Bloofy (trái) và túi Pouchy trong phim. Ảnh: Walt Disney Studios

    Trong lúc bị giam trong hầm, các cảm xúc gặp một loạt nhân vật mới, trong đó có Bloofy đến từ chương trình thiếu nhi mà Riley yêu thích thời bé. Đi kèm với Bloofy là chiếc túi Pouchy chuyên cung cấp các công cụ giải quyết tình huống, khiến người xem lên tưởng đến balo của Dora trong phim Nhà thám hiểm Dora và Toodles của Câu lạc bộ chuột Mickey (The Mickey Mouse Club). Ngoài ra, ngoại hình và tên của Bloofy gợi nhắc đến nhân vật chó Goofy của Disney.

    Nhân vật trong game

    Lance Slashblade (phải) và cảm xúc Disgust (Chảnh Chọe). Ảnh: Walt Disney Studios

    Lance Slashblade (phải) và cảm xúc Disgust (Chảnh Chọe). Ảnh: Walt Disney Studios

    Một nhân vật khác trong căn hầm là Lance Slashblade ở game đối kháng Riley từng thích. Lance là phiên bản "nhái" của Cloud Strife trong trò chơi Final Fantasy. Yong Yea - diễn viên lồng tiếng cho Lance - từng góp giọng trong nhiều phần game này.

    Chàng trai Riley cảm mến

    Nhân vật Jordan trong Inside Out năm 2015. Ảnh: Walt Disney Studios

    Nhân vật Jordan trong "Inside Out" năm 2015. Ảnh: Walt Disney Studios

    Trên đường trở về Trung tâm não bộ, các cảm xúc gặp núi Mount Crushmore với gương mặt bốn người được tạc vào đá, phỏng theo núi Rushmore của Mỹ. Các nhân vật là những người Riley thầm thích, như Lance Slashblade và Jordan, cậu nhóc mà Riley hẹn hò trong phim ngắn Riley's First Date (2015).

    Chơi chữ bằng tiếng Anh

    Ngoài các hình ảnh, Inside Out 2 còn sử dụng cách chơi chữ để thể hiện các khái niệm cảm xúc. Mỗi khi nhân vật Ennui (Chán Nản) điều khiển trí não Riley thì "sar-chasm" (tiếng Việt là Vực Xéo Xắc, hay Vực Cà Khịa) - đọc gần giống "sarcasm" (cà khịa) - sẽ xuất hiện.

    Hành động "động não" (brainstorm) của con người được êkíp thể hiện dưới dạng cơn bão (storm), nơi nhiều ý tưởng xuất hiện dưới hình dạng các bóng đèn. Trong khi đó, ý tưởng chủ đạo (big idea) là một bóng đèn to hơn (big) so với các brainstorm khác. Khái niệm này xuất hiện lúc các công nhân Trung tâm não bộ nghĩ ra kế hoạch để Anxiety (Lo Âu) kiểm soát Riley.

    Inside Out ra mắt lần đầu năm 2015, do Pete Docter đạo diễn, thành công về mặt chất lượng lẫn thương mại. Tác phẩm đoạt tượng vàng Oscar 2016 hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc, có doanh thu 858,8 triệu USD toàn cầu. Phần hai lấy bối cảnh hai năm sau các sự kiện ở phần phim năm 2015. Nhân vật Riley lúc này bước sang tuổi 13, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Khi Riley chuyển trường, những cảm xúc cãi vã về cách điều khiển tâm trạng của chủ nhân.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Marian College Vùng: Sunshine West. Phone: 9363 1711
Xem thêm

Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/loat-chi-tiet-an-trong-inside-out-2-4760903.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ