Những quốc gia có nguy cơ rơi vào thảm cảnh Covid-19 giống Ấn Độ

15:00' 11-05-2021
Các bác sĩ tỉnh Sohag của Ai Cập cảnh báo hệ thống y tế có thể sụp đổ trong làn sóng lây nhiễm thứ ba, ngay cả khi chính phủ gấp rút cung cấp vật tư mới.


    "Tôi cho răng gia đình nào ở Sohag cũng có người nhiễm nCoV", tiến sĩ Mahmoud Fahmy Mansour, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ của tỉnh, cho biết. "Chúng tôi đã mất 5 bác sĩ trong một tuần".

    Ông nói rằng việc Sohag lâm vào thảm cảnh như Ấn Độ là có thể xảy ra, nhưng "nếu trời phù hộ, viễn cảnh đó còn rất xa".

    Các quốc gia đang đối mặt với đợt bùng phát nCoV mới đang cố gắng đảm bảo họ không rơi vào vực thẳm giống Ấn Độ. Nhưng họ đang đối mặt với nhiều rủi ro giống Ấn Độ, bao gồm hệ thống y tế yếu ớt và nhiều người dân phớt lờ hạn chế phòng dịch.

    Cư dân Ashraf Sayed nhìn xuống khu chợ ở Sohag, Ai Cập ngày 2/5. Ảnh: AFP.

    Ông Ashraf Sayed nhìn xuống khu chợ ở Sohag, Ai Cập ngày 2/5. Ảnh: AFP.

    Chính phủ Ai Cập từ lâu đã chần chừ áp đặt lệnh phong tỏa mới. Hôm 5/5, họ công bố những hạn chế nghiêm ngặt nhất trong nhiều tháng, ra lệnh cho các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng và trung tâm mua sắm đóng cửa lúc 21h. Họ cũng cấm tụ tập đông người trong hai tuần, đóng cửa các bãi biển và công viên trong kỳ nghỉ lễ Eid el-Fitr sắp tới vào cuối tháng lễ Ramadan.

    Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết trong hai tuần qua, thế giới ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn so với 6 tháng đầu đại dịch. Ấn Độ và Brazil chiếm phần lớn trong số đó, nhưng "còn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới phải đối mặt với tình trạng rất mong manh". "Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ và Brazil có thể xảy ra ở những nơi khác trừ khi tất cả chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa y tế công cộng này".

    Ca nhiễm tại Ấn Độ gia tăng nghiêm trọng sau khi Thủ tướng Modi tự tin rằng nước họ đã đánh bại đại dịch và tổ chức nhiều kiện đông người. Số ca nhiễm và tử vong tăng gần 30 lần trong tháng ba và tháng 4. Hệ thống y tế quá tải khiến bệnh nhân tuyệt vọng về oxy và các nguồn cung cấp khác.

    Khi các quốc gia giàu có hơn tiêm chủng cho nhiều người dân hơn, họ có cơ hội tái mở cửa. Nhưng các quốc gia tiêm chủng chậm đang phải vật lộn với câu hỏi có nên phong tỏa để ngăn chặn những đợt gia tăng ca nhiễm mới dù phải đánh đổi bằng hậu quả kinh tế hay không, tất cả đều có nguy cơ lâm vào thảm kịch kiểu Ấn Độ.

    Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ca mới tăng gần 6 lần so với đầu tháng ba, lên đến đỉnh điểm là ghi nhận hơn 60.000 ca mỗi ngày. Chính phủ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc ba tuần từ ngày 29/4 nhưng đã miễn trừ nhiều lĩnh vực, cho phép hàng triệu người tiếp tục làm việc.

    Số ca nhiễm ở nước này đã giảm, nhưng các chuyên gia y tế đang kêu gọi đóng cửa hoàn toàn 28 ngày đối với tất cả dịch vụ không thiết yếu, trong khi chỉ 9,4 triệu trong dân số 80 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.

    Tại Ai Cập, số ca mới trung bình hàng ngày đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng hai lên hơn 1.000 ca và tiếp tục tăng, so với mức đỉnh trước đó là 1.400-1.600 ca một ngày vào mùa hè năm ngoái và vào tháng 12/2020, theo số liệu chính thức.

    Rất khó đánh giá quy mô đại dịch ở đất nước 100 triệu dân, hầu hết sống ở các thành phố đông đúc dọc theo sông Nile. Nước này báo cáo 232.905 ca nhiễm, trong đó có 13.655 người chết. Con số này được cho là không phản ánh đúng thực tế.

    Tại tỉnh Sohag, nhân viên y tế trở nên tuyệt vọng. Một bác sĩ điều hành một bệnh viện lớn cho biết con số thực tế có khả năng cao gấp 10 lần so với thống kê 400-450 ca mới mỗi tuần của Bộ Y tế. "Bộ Y tế giống như con đà điểu vùi đầu vào cát" để trốn tránh thực tại, ông nói.

    Mustafa Salem, nhà lập pháp tại Sohag, cho biết ông đã nhận được hàng chục cuộc gọi từ những người đang tuyệt vọng để tìm máy thở hoặc giường trong phòng chăm sóc đặc biệt.

    Khi Ismail Abdallah, 50 tuổi, đổ bệnh vào tháng trước, gia đình đưa ông đến một phòng khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phổi mà không cho làm xét nghiệm nCoV. Hai ngày sau, ông bị khó thở. Tại bệnh viện, ông được xác định nhiễm nCoV và gia đình vội vã tìm giường trống trong Khu Điều trị Tích cực (ICU) đã chật kín.

    "Không có giường trống trong khu miễn phí", người họ hàng có tên Amr Mahrous, nói. "Chúng tôi phải chật vật tìm giường trong khu dịch vụ". Sau hai tuần bị cách ly tại bệnh viện, Abdullah qua đời vào tuần trước.

    Bộ Y tế Ai Cập đã tăng cường các cơ sở trong tỉnh, gửi máy tạo oxy, máy thở và tăng số lượng ICU. Họ đã triển khai thêm nhiều bác sĩ và tăng gấp đôi đội ngũ y tế để theo dõi những người cách ly tại tại nhà. Hai trung tâm tiêm chủng đã được thiết lập. 100 nhóm được huy động để nâng cao nhận thức.

    Bộ Y tế Ai Cập liệt kê Sohag nằm trong số 5 điểm nóng trong cả nước, bao gồm Cairo, đô thị với khoảng 20 triệu dân. Các quan chức y tế cho rằng mức tăng đột biến mới là do nhiều người dân phớt lờ các biện pháp phòng ngừa. Trên khắp Ai Cập, người dân vẫn hiếm khi đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Một số quán cà phê vẫn phục vụ đồ uống theo hình thức nhiều người hút chung một cần, bất chấp lệnh cấm của chính phủ. Tiệc cưới, ma chay vẫn diễn ra, các khu chợ vẫn đông đúc.

    Ở Cairo Hồi giáo, trung tâm lịch sử của thủ đô, các gia đình đi cầu nguyện cùng nhau trong tháng lễ Ramadan. Hàng chục nghìn người tụ tập vào ban đêm trên những con phố nhỏ hẹp, mua sắm hoặc ngồi trong quán cà phê. Ít người đeo khẩu trang. Hơn một triệu người, tức chỉ 1% dân số Ai Cập, đã được tiêm chủng.

    Hajah Fatima, 57 tuổi, đến từ tỉnh Beni Sueif ở miền nam đất nước, ăn bữa xả chay trong một quán cà phê. "Đây là phong tục", bà nói. "nCoV á? Sẽ không có gì xảy ra với chúng ta ngoại trừ những gì Thượng đế đã an bài".

    Tại khu vực của người Palestine ở Dải Gaza, nơi sinh sống của hai triệu người, ca nhiễm đã tăng nhanh chóng. Vào tháng ba và tháng 4, ca mới trong một ngày vượt 1.000, con số mà Gaza trước đó ghi nhận hàng tuần. Số người chết hàng ngày cũng tăng gấp đôi lên mức 20 ca. Tổng cộng 900 người chết trong số hơn 102.000 người ở Gaza nhiễm nCoV, hơn một nửa trong số đó được ghi nhận trong năm nay.

    "Các bệnh viện đang chật vật đối phó", nhóm viện trợ nhóm Bác sĩ Không Biên giới cảnh báo trong tuần này.

    Giới chức Hamas đã đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo và nhà hàng, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm và vào đầu tháng Ramadan để làm chậm dịch bệnh bùng phát. Nhưng họ đã quyết định dỡ bỏ những hạn chế đó trong 10 ngày cuối cùng của tháng lễ, khiến các quan chức y tế lo lắng. "Chúng tôi lo ngại về việc nới lỏng các biện pháp trên quy mô lớn".

    Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Kenya ngày 14/4. Ảnh: AP.

    Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại Kenya ngày 14/4. Ảnh: AP.

    Trong bối cảnh lo ngại về Ấn Độ, Kenya, quốc gia ghi nhận đường cong dịch đang đi xuống từ mức đỉnh điểm gần đây, đã tạm dừng các chuyến bay với quốc gia này trong hai tuần, trong khi Nigeria đình chỉ các chuyến bay với Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, vì lo ngại các chủng virus mới có thể xâm nhập khi họ đang cố gắng giảm ca nhiễm, đặc biệt là ở Lagos, nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người.

    Tại Nam Phi, nước ghi nhận ca nhiễm và ca tử vong lớn nhất ở châu Phi, các quan chức cảnh báo về đợt bùng dịch mới khi mùa đông Nam bán cầu đến gần. Pakistan đang trong làn sóng thứ ba, khi số người chết trong một ngày cao kỷ lục vào ngày 28/4, với 201 người chết.

    Giới chức y tế đã kê thêm hàng trăm giường bệnh. Sản lượng oxy đã tăng gần gấp đôi lên 800 tấn một ngày so với năm ngoái. Tuy nhiên, vào đỉnh điểm dịch những tuần gần đây, họ đã sử dụng 90% sản lượng đó.

    Ca mới đã giảm nhẹ trong tuần này từ mức trung bình khoảng 6.000 ca một ngày. "Cảm ơn Thượng đế, chúng tôi đã xoay sở được để đối phó với sự gia tăng khổng lồ này nhờ chủ động xây dựng năng lực của toàn bộ hệ thống", Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Pakistan Asad Umar cho biết.

    Tuy nhiên, ông cảnh báo đất nước hơn 200 triệu người có thể đối mặt với thảm họa như Ấn Độ trừ khi mọi người tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Chính phủ đã từ chối lời kêu gọi phong tỏa nhưng cảnh báo rằng điều đó có thể thay đổi. "Hãy cẩn thận, vì chính bạn và những người thân yêu của bạn", Umar viết.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Parliament of Victoria - Luba Grigorovitch MP Vùng: Caroline Springs. Phone: 0455 408 206
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-nuoc-nguy-co-roi-vao-tham-kich-covid-19-kieu-an-do-4274327.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ