Những góc tối của Grammy
Grammy là giải thưởng được Recording Academy (Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ) tổ chức thường niên từ năm 1959 nhằm tôn vinh những nghệ sĩ có đóng góp xuất sắc cho ngành công nghiệp âm nhạc.
Theo Variety, lễ trao giải mùa mới dự kiến tổ chức ngày 31/1/2021. Tuy nhiên, sự kiện chưa diễn ra nhưng đã hứng chịu vô số chỉ trích từ giới chuyên môn lẫn khán giả sau khi danh sách đề cử được công bố.
Thậm chí, tờ Insider xuất bản bài viết "10 nghệ sĩ không xứng đáng được đề cử Grammy 2021" như hất gáo nước lạnh vào Harvey Mason Jr. - giám đốc tạm quyền Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ, và hội đồng ban giám khảo về những bất công năm nay.
Sao hạng A đồng loạt quay lưng
Trong bài báo đăng sáng 26/11, cây bút Callie Ahlgrim của Insider đánh giá Changes do Justin Bieber trình bày không xứng nằm ở hạng mục Album nhạc pop xuất sắc, Lady Gaga nên có nhiều đề cử với Rain on Me - ca khúc gây sốt thời gian qua, thay vì chỉ được mỗi Chromatica cho Album nhạc pop xuất sắc.
"Rất nhiều sai lầm và những chi tiết khó hiểu cần mổ xẻ và tranh luận, ví dụ việc Beyonce dẫn đầu danh sách với 9 đề cử dù không phát hành album trong năm", Ahlgrim viết.
The Weeknd bức xúc khi không lọt đề cử Grammy nào. Ảnh: Chicago Sun Times. |
Blinding Lights là bản hit lớn nhưng vẫn không thể giúp The Weeknd chen chân vào bất kỳ hạng mục nào. Tờ New York Times đánh giá về khả năng sáng tác, giọng hát và kinh nghiệm biểu diễn, nam ca sĩ không thua kém những ứng cử viên năm nay.
Chính chủ đã phản ứng gay gắt trên Twitter khi biết tin: "Grammy vẫn thối nát. Các người nợ tôi, người hâm mộ và cả làng nhạc sự minh bạch".
Tình cũ Selena Gomez tiếp tục chỉ trích Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ bằng tweet khác, trong đó tiết lộ anh không được mời dự Grammy dù đã lên kế hoạch biểu diễn trước vài tuần. "Không có đề cử đồng nghĩa không được mời!", nam ca sĩ thất vọng.
Giới quan sát cho rằng The Weeknd bị đưa vào "blacklist" vì những mâu thuẫn từng có với ban tổ chức. Động thái loại sạch tên nam ca sĩ được ví như một sự trả đũa.
Rapper Nicki Minaj cũng công khai quay lưng với Grammy. Năm 2012, cô rất kỳ vọng sẽ thắng giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhưng cuối cùng may mắn lại mỉm cười với người khác.
Nicki Minaj tuyên bố cạch mặt Grammy. Ảnh: USA Today. |
"Đừng bao giờ quên Grammy không trao giải Nghệ sĩ mới xuất sắc cho tôi, trong khi tôi có đến 7 bài hát cùng lọt bảng xếp hạng Billboard và đạt thành tích trong tuần đầu tiên lớn hơn bất kỳ rapper nữ nào trong thập kỷ trước - điều này đã truyền cảm hứng cho cả thế hệ. Cuối cùng, họ lại trao giải cho những người đàn ông da trắng Bon Iver", Minaj hồi tưởng.
Kể từ năm 2016, giọng ca Anaconda chưa có thêm lần nào thắng giải thưởng này.
Tại Grammy năm ngoái, Ariana Grande vắng mặt do xích mích với ban tổ chức. Nữ ca sĩ muốn thể hiện bài hát 7 Rings nhưng phía ê-kíp yêu cầu cô hát God is A Woman - sản phẩm được đề cử ở hạng mục Trình diễn pop xuất sắc.
Ken Ehrlich - nhà sản xuất âm nhạc của Grammy - giải thích Grande từ chối biểu diễn vì không đủ thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, cô phản bác rằng: "Tôi chỉ mất một đêm để tập luyện, anh biết điều đó mà Ken. Thế nhưng tôi quyết định không tham dự vì anh đã kìm hãm sự sáng tạo của tôi".
Ba ngôi sao da màu Drake, Kendrick Lamar và Childish Gambino ngầm khẳng định Grammy nhuốm màu phân biệt chủng tộc nên cũng chẳng mặn mà với lễ trao giải này.
Góc tối của Grammy
Chưa bao giờ Grammy trở nên bát nháo như năm nay. Cùng với hashtag "GrammySoWhite" (Grammy chỉ dành cho người da trắng), ồn ào còn dính đến nghi vấn sắp đặt kết quả, lục đục nội bộ.
Ngày 2/3, Deborah Dugan - CEO của Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ - bị sa thải sau gần hai tháng được cho nghỉ việc có lương. Nguyên nhân là Dugan can đảm vén màn góc tối của tổ chức này.
Trước báo giới, Dugan tố bị Joel Katz, một luật sư đồng thời làm cố vấn thân cận cho Recording Academy, quấy rối tình dục.
Vào tháng 5/2019, khi đến làm việc tại Viện Hàn lâm, Dugan kể được Joel Katz đề nghị đi ăn tối riêng. Trong bữa tối, người này dùng nhiều lời hoa mỹ để dụ dỗ Dugan. Joel Katz còn cố tình hôn và đụng chạm vào thân thể của nữ CEO.
Chưa dừng lại ở đó, Dugan nhận được tin một nghệ sĩ nước ngoài cáo buộc ông Neil Portnow - thành viên của Viện Hàn lâm - cưỡng hiếp sau một buổi biểu diễn tại Carnegie Hall.
Deborah Dugan mất chức CEO vì can đảm lên tiếng về sự thật phía sau lễ trao giải danh giá. Ảnh: EW. |
Trong đơn khiếu nại dài 44 trang, bà cũng nói quá trình chọn đề cử Grammy thiếu minh bạch, nhiều hạng mục đã bị các thành viên trong hội đồng thao túng.
"Họ làm vậy để nâng đỡ những nghệ sĩ thân thiết", Deborah Dugan tuyên bố.
Người phụ nữ này chỉ ra thành viên của hội đồng giám khảo chọn top 20 đề cử từ những đơn do nghệ sĩ gửi về, sau đó, từng đề cử sẽ được xem xét, đánh giá và chọn ra top 8 công bố với khán giả.
Tuy nhiên, hội đồng được cho rằng vẫn chọn các đề cử không đủ phiếu bầu vào top 20. Rõ nét nhất là có đến 30 nghệ sĩ không có tên trong danh sách năm nay vẫn được đưa vào vòng xét duyệt thứ hai.
Chia sẻ của Deborah Dugan nhanh chóng bị những người cầm quyền Viện Hàn lâm Thu âm Mỹ phản bác. Đại diện tổ chức chỉ ra những thiếu sót trong khâu quản lý của cựu CEO Deborah Dugan.
Tammy Hurt, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Học viện Ghi âm, phát biểu: "Thiệt hại mà cô ấy gây ra cho tổ chức qua các khiếu nại không thể nào bù đắp được''.
Cùng thời điểm, hai luật sư đại diện cho Dugan nói quyết định sa thải cô là "đáng khinh" và không thuyết phục số đông khán giả.
Rating giảm dần
Tờ Varitey thống kê lễ trao giải Grammy lần thứ 62 có khoảng 18,7 triệu người xem, đạt rating 5.4 ở độ tuổi 18 đến 49. Trong khi con số năm ngoái chạm mốc 19,9 triệu lượt xem và rating đạt 5.6.
Grammy vẫn hot hơn MTV Video Music Awards, Billboard Music Awards, People's Choice Awards, American Music Awards... nhưng dần thụt lùi so với chính mình. Rating năm nay thấp thứ 2 lịch sử, chỉ cao hơn mỗi mùa giải 2006 (17,1 triệu view).
"Mọi người đã phát ốm với các giải thưởng", nhà báo Brian Moylan cảm thán trên tờ The Guardian.
Phát ngôn của Brian Moylan đúng với thực tế. Khi thời đại công nghệ số phát triển vượt bậc, nhiều show truyền hình ra đời và cạnh tranh khốc liệt, khán giả không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ đồng hồ trước màn hình TV để nghe kết quả của lễ trao giải nhồi nhét nội dung dài lê thê.
Vài năm qua, Grammy thường có thời lượng gần 3 tiếng. Tiết mục biểu diễn đan xen phần trình chiếu hạng mục đề cử, phát biểu trước và sau khi trao giải cho người chiến thắng chiếm phần lớn thời gian. Loạt quảng cáo chen ngang cũng tạo cảm giác hụt hẫng không kém.
Đó là chưa bàn đến việc các nền tảng streaming phát triển cũng ảnh hưởng đáng kể đến lượng người xem truyền hình.
Ariana Grande trên thảm đỏ Grammy 2020. Ảnh: The Sun. |
Hiểu rõ độ hot hạ nhiệt dần, ban tổ chức chi lớn để mời BTS, Billie Eilish hay Ariana Grande - những gương mặt đang "làm mưa làm gió" trên thị trường âm nhạc, biểu diễn. Dẫu vậy, sức hút của họ vẫn không đủ làm nên thành công cho show.
"Tôi thấy rằng Grammy và các lễ trao giải nói chung ngày càng nhiều chiêu trò gây sốc, thay vì tập trung vào chất lượng chuyên môn", Moylan nói thêm.
Còn tờ Vice lý giải những giải thưởng bây giờ chẳng khác gì "một trò hề gây chia rẽ" làng nhạc, điển hình là Grammy. Sự kiện âm nhạc từng được chờ đợi không còn bao quát thị trường khi bỏ qua nhiều sản phẩm âm nhạc được người nghe đánh giá cao.
Còn hơn 2 tháng nữa Grammy 2021 mới lên sóng. Với tình hình căng thẳng hiện tại, nỗ lực cứu vớt chương trình còn phụ thuộc vào khâu tổ chức đêm trao giải, người chiến thắng, và những đánh giá của giới chuyên môn xoay quanh sự kiện này.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/be-boi-nao-khien-grammy-ngay-cang-gay-tranh-cai-post1156946.html