Những biến tướng của IS sau thất bại ở Iraq và Syria
Các tay súng IS. Ảnh tư liệu
Giờ đây tổ chức khủng bố khét tiếng một thời này đang phải quay sang dựa vào các chi nhánh còn sót lại ở các nước khác để tiếp tục hoạt động.
Trở lại hoạt động bí mật
Nghịch lý là thủ lĩnh của vương quốc Hồi giáo, Abu Bakr Al-Baghdadi, đã dự báo và chuẩn bị cho thất bại của tổ chức trong suốt cả ba năm tồn tại. Tháng 5-2016, ít ngày trước khi chết, Abu Mohammed Al-Adnani, người Syria và là phát ngôn viên kiêm phụ trách các chiến dịch ở nước ngoài, đã nêu ra khả năng quay trở lại hình thức chiến tranh du kích, chấm dứt mô hình “Nhà nước” để thiết lập các thực thể chỉ còn hoạt động thuần túy khủng bố.
Lựa chọn chiến lược này đã được tái khẳng định vào tháng 10 cùng năm trên tuần báo của IS, trong đó nhắc lại rằng “vào đầu năm 2008,” không có nơi nào tại Iraq “lực lượng của tổ chức hiện diện quá một phần tư giờ.” Khi đó, IS hoạt động hoàn toàn bí mật, sau đó chỉ nổi lên vào năm 2013 nhờ các cuộc biểu tình trong các khu vực có đông người Sunni sinh sống chống lại sự lạm dụng quyền lực của chính phủ Shiite tại Iraq.
Việc chuyển sang hình thức bí mật ngày nay đặt ra một câu hỏi lớn về tương lai của các chiến binh nước ngoài của IS, cũng như khả năng chúng “nhập vào” các chi nhánh đang tồn tại ở nhiều nước như Afghanistan, Libya, Yemen hay Ai Cập. Trả lời câu hỏi của đài truyền hình CNN, một sỹ quan cao cấp Mỹ đã thông báo rằng “khoảng 50 phần tử người nước ngoài đã bị bắt giữ tại Iraq và Syria từ đầu tháng 11.” Một ước tính đã gây sửng sốt, vì nó quá thấp. Tháng 10-2017, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tuyên bố rằng có “không dưới 40.000 chiến binh nước ngoài đến từ 120 nước khác nhau đã gia nhập IS tại Iraq và Syria” trong mấy năm gần đây - Interpol đã xác định được danh tính khoảng 19.000 tên. Tướng Joseph Dunford nói thêm: “Những kẻ còn lại thì không có khả năng rời khỏi Syria.” Hay nói cách khác, chúng đã bị kết án tử hình tại chỗ.
Phần lớn các chiến binh IS đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, theo ước đoán của các quan chức Mỹ? Hay chúng phân tán sang các nước láng giềng? Chúng đã gia nhập các chi nhánh khác của IS? Trong trường hợp của Pháp, khoảng 500-700 tên được cho là vẫn còn sống, nhưng rải rác trên khắp thế giới, tới nay, mới chỉ có khoảng hơn chục tên bị bắt giữ ở Iraq và Syria.
IS chạy qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ
Thực tế, trái ngược với các tuyên bố của Mỹ, một số lớn chiến binh Hồi giáo cực đoan đã an toàn thoát khỏi cạm bẫy đang từ từ khép lại xung quanh các thành trì cuối cùng của IS trong năm 2017. Tại Raqqa, “thủ đô” cũ của “Nhà nước Hồi giáo” ở Syria, từ 200 đến 300 tên đã rút khỏi TP chỉ vài ngày trước khi SDF chiếm được hoàn toàn, nhờ vào một thỏa thuận được đàm phán giữa các lực lượng tham chiến. Khoảng chục tên trong số đó đã tới được Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tập hợp số liệu do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ công bố, 450 tên tình nghi có quan hệ với IS đã bị bắt tại nước này chỉ trong tháng 10-2017. Tháng 11-2017, Ankara đã giăng một mẻ lưới bắt 62 người tại Istanbul. Một nguồn tin ngoại giao của Pháp nhận xét: “Hiện nay, có vẻ như chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã quá tải vì quy mô quá lớn của hoạt động này.” Trả lời phỏng vấn bí mật của trang tin Mỹ Buzzfeed, một số tên chuyên đưa người vượt biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã khẳng định luôn luôn có một luồng phần tử IS và gia đình chúng chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ suốt năm 2017.
Giai đoạn 2013-2016, “tuyến đường Thổ Nhĩ Kỳ” đã được hàng chục nghìn phần tử người nước ngoài sử dụng để gia nhập vùng đất của Vương quốc Hồi giáo. Nhưng hơn một năm nay, “đường ống dẫn” này đã chảy ngược lại, điều này tạo ra một viễn cảnh đáng ngại cho các nước đang lo bị IS đe dọa.
Theo một báo cáo công bố vào tháng 10 vừa qua của Soufan Group, một tổ chức nghiên cứu tình báo độc lập đặt tại New York, khoảng 5.600 công dân của khoảng 30 nước từng tham gia IS đã trở về nhà. Những kẻ quay đầu này, dù với bất cứ động cơ nào, tạo ra thách thức rất lớn đối với lực lượng an ninh của các nước liên quan, dù khả năng chúng tham gia tiến hành các cuộc khủng bố hiện nay tương đối thấp. Phần lớn các cuộc tấn công diễn ra gần đây bên ngoài Iraq và Syria lại do các đối tượng sống tại chỗ, bị kích động từ lời kêu gọi của IS hoặc do tổ chức này điều khiển từ một nơi tại Iraq và Syria tiến hành. Hầu hết trong số này chưa có ngày nào tới địa bàn hoạt động của IS.
Từ khi tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo tháng 6-2014 cho đến tháng 2-2017, theo thống kê của Soufan Group, IS đã thực hiện hoặc kích động thực hiện khoảng 143 vụ khủng bố ở 29 nước, làm cho 2.000 người thiệt mạng. Trong số này, trừ các phần tử thực hiện vụ tấn công Paris và Bruxelles, IS chỉ “cử” chiến binh nước thứ ba đến để trực tiếp thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ: thủ phạm vụ đó là các công dân mang quốc tịch một nước thuộc khu vực Caucasus.
Tỏa ra nhiều nơi
Philippines liệu có thể trở thành điểm đến được ưa chuộng của các chiến binh Hồi giáo lang bạt. Cuối tháng 5-2017, Marawi, thủ phủ của hòn đảo phía Nam nước này đã bị một nhóm Hồi giáo cực đoan tuyên bố trung thành với IS chiếm giữ. Theo thông tin từ nhà chức trách Philippines, gần 1.100 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh khốc liệt kéo dài tới 6 tháng, trong đó có ít nhất 80 tên khủng bố nguồn gốc nước ngoài tham gia, trong đó có những tên đến từ Maroc, Nga, Saudi Arabia hay Yemen bên cạnh lực lượng cực đoan tại chỗ, Pawel Wojcik, nhà nghiên cứu các tổ chức Hồi giáo tại châu Á cho biết phần lớn các chiến binh nước ngoài có nguồn gốc từ Malaysia, Indonesia.
Tại Afghanistan, địa bàn hoạt động của một chi nhánh thuộc IS mà chúng gọi là “tỉnh Khorasan” thuộc Vương quốc Hồi giáo, ông Wojcik cho biết vẫn chưa có cái gọi là “làn sóng” chiến binh cực đoan đổ tới. Tại nước này, lực lượng khủng bố nước ngoài chủ yếu thuộc các sắc tộc trong khu vực như Uzbek, Tadjik, Turkmen. Đây không phải là những chiến binh nước ngoài đúng nghĩa, giống như những tên người Âu đến gia nhập IS tại Syria. Một nguồn tin từ các cơ quan tình báo Afghanistan nói với báo Le Monde rằng sự hiện diện của các phần tử cực đoan đến từ Syria trong đội ngũ khủng bố ở nước này “chưa đáng kể.”
Thực chất, Nhà nước Hồi giáo không đủ khả năng di chuyển một số lớn chiến binh của chúng tới các lãnh thổ khác. Dominique Thomas, học giả tại Trường nghiên cứu cao cấp khoa học xã hội nhận xét đúng là các phần tử khủng bố đang tìm cách rời đi các nơi khác, nhưng xu hướng đó mang tính lượng nhiều hơn chất. Sự di chuyển của chúng diễn ra một cách tự phát, không có tổ chức, không có một kế hoạch triển khai nhất định.
Mặc dù các nước phương Tây đã dự trù sự phân tán của lực lượng khủng bố, nhưng mối đe dọa này đối với các nước nằm gần khu vực hai nước Syria-Iraq khá lớn. Nhà báo Iraq, Hassan Hassan, đồng tác giả một cuốn sách về IS cho rằng: “Chuyến đi tới của các phần tử khủng bố từ khu vực sẽ đưa chúng tới những nơi mà đã có lực lượng nổi dậy hoạt động. Hiện nay bắt đầu có xu hướng mới là Ai Cập, nơi nhiều chiến binh gốc Libya hoặc Syria đã tới để tìm nơi trú ẩn trong các hoang mạc phía Tây hay trên bán đảo Sinai, tăng cường lực lượng cho các nhóm khủng bố tại địa phương hoặc tạo nên những nhóm mới.” Ngày 29-12-2017, ít nhất có 9 người thiệt mạng trong vụ tấn công một nhà thờ Thiên chúa giáo ở miền Nam Ai Cập. Cuối tháng 11/2017, một vụ tấn công nhằm vào thánh đường Hồi giáo Sufi trên bán đảo Sinai đã làm hơn 300 người chết, đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Ai Cập.
Đây là lần thứ hai xuất hiện sự lan tỏa chiến binh Hồi giáo cực đoan từ một trung tâm sang các khu vực khác trong vòng hai thập kỷ nay. Năm 2001, sau chiến dịch của Mỹ và phương Tây tấn công Afghanistan trả đũa vụ khủng bố 11-9, hàng trăm thành viên al-Qaeda đã chạy trốn khỏi nước này để tới Pakistan ở phía Đông và Iran qua ngả phía Tây. Mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang theo dõi sát sao sự suy tàn của IS. Nếu như nhìn chung cuộc chạy trốn của IS chỉ có quy mô nhỏ, thì có khá đông chỉ huy cấp vừa của IS đã đào ngũ sang al-Qaeda trong hai năm gần đây, đảo ngược dòng chảy lực lượng từ Mặt trận al-Nursa, một nhánh của al-Qaeda, sang tổ chức này khi IS còn đang hùng mạnh trong giai đoạn 2013-2014. Ayman Al-Zawahiri, kẻ kế vị Bin Laden, đã nhiều lần bày tỏ mong muốn tổ chức của hắn mở một mạng lưới mới tại Iraq sau thất bại của IS. Tên này cho rằng sự hỗn loạn về nhân đạo và chính trị hậu xung đột tại nước này, cũng như hình ảnh của hắn, được coi là ôn hòa hơn nhiều so với IS, sẽ là lợi thế. Theo giới chuyên gia, nếu không có biện pháp chính trị hiệu quả và tin cậy tại Iraq và Syria, chúng ta sẽ buộc phải chứng kiến một phiên bản mới của Nhà nước Hồi giáo.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2048295