Nhật Bản muốn gây áp lực tối đa với Triều Tiên
ảnh minh họa
“Đối thoại chỉ để đối thoại với Triều Tiên là vô nghĩa. Giờ không phải là lúc đối thoại. Phải gây áp lực tối đa với Triều Tiên”, vị quan chức (đề nghị giấu tên) nói.
Theo vị quan chức này, điều quan trọng là phải gây áp lực tối đa bằng mọi cách, bao gồm thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các biện pháp độc lập của các nước liên quan nhằm dồn Triều Tiên vào thế buộc phải tìm kiếm đối thoại.
“Để dồn ép Triều Tiên thay đổi chính sách của họ, Nhật Bản và Mỹ, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc sẽ sát cánh cùng nhau và khuyến khích các nước liên quan, bao gồm Trung Quốc và Nga, gia tăng sức ép với Triều Tiên theo một khối đoàn kết cộng đồng quốc tế”, vị quan chức nói.
Các biện pháp mà Tokyo áp dụng đối với Bình Nhưỡng tập trung vào việc hạn chế dòng chảy tiền bạc, hàng hóa và sự dịch chuyển của con người, tàu thuyền, máy bay, như cấm máy bay thuê bao giữa Nhật Bản và Triều Tiên.
Cụ thể, từ chối cấp phép cất cánh, hạ cánh hoặc bay qua đối với bất kỳ máy bay nào được cho rằng mang theo hàng hóa bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an… Cấm mở chi nhánh mới của các ngân hàng Nhật Bản ở Triều Tiên cũng như của các ngân hàng Triều Tiên ở Nhật Bản. Giảm mức khai báo đối với việc mang tiền tệ và các phương tiện thanh toán khác sang Triều Tiên xuống mức 100.000 yen (khoảng 21 triệu đồng). Cấm tái nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài về công nghệ tên lửa, hạt nhân cư trú ở Nhật Bản nếu họ sang Triều Tiên…
Theo vị chuyên gia Nhật Bản, Trung Quốc có thể gia tăng trừng phạt Triều Tiên về mặt kinh tế (cấm xuất nhập khẩu một số mặt hàng) vì sẽ hưởng lợi từ một dạng “ưu đãi”, “thỏa hiệp” nào đó từ phía Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga tỏ ra thận trọng về hợp tác quốc phòng-an ninh 3 bên Nhật Bản-Mỹ-Hàn Quốc.
Trước đó, Trung Quốc và Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại với Triều Tiên và giải pháp “đóng băng kép” (đồng thời ngừng chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên và các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc). Tuy nhiên, Triều Tiên từ chối đề xuất này.
Nhật Bản có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên
Một quan chức khác của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói với phóng viên rằng, Nhật Bản sẽ cân nhắc đánh chặn tên lửa của Triều Tiên dù nó đang ở nước thứ ba nếu nước thứ ba này gần Nhật Bản, quan trọng với Nhật Bản, nếu nước thứ ba này bị tàn phá sẽ đe dọa sự tồn vong của Nhật Bản.
Vị quan chức này dẫn Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2017 nói rằng, nhiều nước nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Triều Tiên, ví dụ tên lửa Musudan có tầm bắn khoảng 2.500-4.000 km, tên lửa Taepodong-2 có tầm bắn hơn 10.000 km (vươn tới cả Mỹ)… Năm 2017, Bình Nhưỡng thử hạt nhân 1 lần, phóng 17 tên lửa đạn đạo, so với 1 lần thử hạt nhân và phóng 15 tên lửa đạn đạo giai đoạn 2012-2015.
Các quan chức Nhật Bản đề cao các biện pháp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tránh xung đột vũ trang, nhưng cũng không loại trừ khả năng Mỹ sử dụng biện pháp quân sự. Mới đây, Tư lệnh Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ Raymond Thomas phát biểu với báo giới: “Đó là một sự lựa chọn xấu xí… Nhưng luôn có sự lựa chọn quân sự”.
Ngày 2/2, lần đầu tiên kể từ năm 2010, Mỹ công bố bản đánh giá về tình hình hạt nhân, theo đó cam kết xóa sổ chính quyền Bình Nhưỡng nếu họ tấn công hạt nhân vào Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Giới chuyên gia còn diễn giải bản đánh giá đó rằng, Mỹ không chỉ dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật (có sức công phá thấp) để trả đũa mà còn để tấn công phủ đầu.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2056089