Nhà giáo dục người Mỹ nổi tiếng chia sẻ bí quyết nuôi dạy con thành công
Tháng 7 vừa qua, tôi đã có vinh hạnh được tham dự ngày đầu tiên của buổi học "Integrating Wonder Based Teaching Into Your Classroom" (tạm dịch: Tích hợp giảng dạy dựa trên sự ngạc nhiên trong lớp học) tại Trung tâm đổi mới sáng tạo Henry Sy thuộc Đại học Miriam, Philippines.
Và tôi càng vinh dự hơn nữa khi được nghe diễn thuyết bởi Sally Haughey, một nhà giáo dục người Mỹ nổi tiếng với việc thành lập Fairy Dust Teaching – nơi cung cấp các chương trình giảng dạy chuyên nghiệp cho giáo viên mầm non. Đồng thời, Sally cũng là một giáo viên đa giải thưởng. Cô đã từng học Nghệ thuật, Waldorf, Montessori, và Reggio Emila. Chưa kể, cô còn có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều ngôi trường khác nhau.
Vào cuối ngày, Sally đã nói rất nhiều điều và nó thật sự đã truyền cảm hứng cho tôi. Khi tôi ngồi xuống để suy nghĩ về một số điều tôi vừa học được, trong đầu tôi chỉ quay quanh một cụm từ - "siêu năng lực" khi nuôi dạy con!
Siêu năng lực thứ nhất: Bắt chước
Siêu năng lực đầu tiên là bắt chước. "Đây là nguyên tắc đầu tiên để hướng dẫn trẻ học", Sally nói. Đã bao nhiêu lần bạn thấy con cầm một vật lên rồi đặt nó bên tai và bắt đầu nói, bắt chước theo những cuộc trò chuyện trên điện thoại giống như cha mẹ?
Vậy nên, cha mẹ hãy nhớ rằng trẻ em luôn bắt chước theo người lớn. Và đây là cơ hội để cha mẹ sử dụng mô hình hóa hành vi mà bạn muốn trẻ học theo. Nghĩa là hãy làm gương cho trẻ. Nếu bạn muốn con mình cư xử như thế nào thì bạn hãy làm như thế ấy.
- Hãy cho trẻ thấy sự chia sẻ giữa những người lớn.
Trẻ em thường cảm thấy dường như chỉ có trẻ là người phải "chia sẻ" hoặc "thay phiên nhau" với người khác. Còn người lớn thì không cần làm điều đó. Vì thế, để chứng minh cho trẻ thấy chia sẻ không phải chuyện của riêng ai thì cha mẹ nên nói rõ cho trẻ hiểu những lúc cha mẹ chia sẻ với nhau. Ví dụ: Bố cho mẹ uống cùng ly nước thì mẹ có thể nói: "Cảm ơn bố đã chia sẻ nước với mẹ".
- Dạy trẻ về cách giữ bình tĩnh.
Cha mẹ cần dạy trẻ cách bình tĩnh khi buồn bã hoặc thất vọng. Ví dụ: nếu bạn cảm thấy khó chịu vì bị kẹt xe, bạn có thể nói: "Mẹ đang cảm thấy buồn vì chúng ta sẽ về nhà trễ do kẹt xe. Con hãy giúp mẹ bình tĩnh lại bằng cách hít thở sâu 10 lần cùng mẹ nhé".
- Dạy trẻ gọi đúng tên cảm xúc của mình.
Dạy trẻ gọi đúng tên cảm xúc của mình sẽ giúp trẻ trở nên mạnh mẽ về tinh thần. Vì những đứa trẻ hiểu được cảm xúc của mình sẽ có kỹ năng để đối phó và xử lý bất cứ điều gì trong cuộc sống theo cách của chúng.
Siêu năng lực thứ 2: Kể chuyện
Toàn bộ sự tương tác qua lại giữa cha mẹ và trẻ giúp xây dựng bộ não khi chúng còn nhỏ. Còn đối với trẻ lớn hơn, nó sẽ là một động lực tuyệt vời để thổi bùng trí tưởng tượng của chúng (Ảnh minh họa).
Một siêu năng lực nữa được Sally giới thiệu là kể chuyện. Kể chuyện giúp trẻ tập trung nhiều vào sự tường thuật và tương tác hơn là đọc sách.
Trong một bài nghiên cứu về bộ não của trẻ, Christ Bahls, một nhà nghiên cứu tự do, đã cho biết "vấn đề quan trọng của việc kể chuyện là sự tương tác qua lại giữa trẻ em và người lớn. Đọc to cũng là một kiểu kể chuyện điển hình. Nhưng nếu cha mẹ không thể đọc, thì chỉ cần tường thuật lại câu chuyện cũng được".
Ngoài ra, Rachel Romeo, một nghiên cứu sinh về sự phát triển thần kinh cho biết "phát hiện sơ bộ cho thấy, càng có nhiều tương tác thì các phần phía trước của não liên quan đến ngôn ngữ và nhận thức càng dày". Bởi toàn bộ sự tương tác qua lại giữa cha mẹ và trẻ giúp xây dựng bộ não khi chúng còn nhỏ. Còn đối với trẻ lớn hơn, nó sẽ là một động lực tuyệt vời để thổi bùng trí tưởng tượng của chúng.
Bên cạnh việc kể chuyện, cha mẹ cũng có thể gián tiếp giúp con mình thành công bằng cách cho trẻ làm việc nhà. Chẳng hạn như: lau bàn ăn, bỏ đồ dơ vào máy giặt, dọn bát đũa, hay dọn dẹp phòng...
Theo nghiên cứu của Marty Rossman, giáo sư tại Đại học Minnesota, làm việc vặt khi còn nhỏ giúp trẻ xây dựng ý thức làm chủ, trách nhiệm và tự lực lâu dài. Công việc nhà cũng là một yếu tố quan trọng để xây dựng con bạn thành người thành công bởi những kỹ năng và giá trị chúng học được trong khi làm việc nhà rất hữu ích khi chúng đến tuổi trưởng thành.
Siêu năng lực thứ 3: Quy tắc con số 3
Đối với siêu năng lực cuối cùng, Sally đã nói về quy tắc con số 3. Cô ấy đã nhắc mọi người nghĩ về những câu chuyện cổ tích gắn liền với số 3 như: 3 chú heo nhỏ , 3 con dê Billy…
Jeremiah Curtin, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và dịch giả từ Mỹ đã giải thích tại sao truyện cổ tích thường có một bộ ba nhân vật, rằng vì số 3 là con số dễ nhớ đối với những người nghe câu chuyện. Họ tin rằng ba nhân vật sẽ đóng vai trò thuyết phục hơn là một hoặc hai.
Với kinh nghiệm dạy học của mình, Sally chia sẻ rằng cô nhận thấy trẻ em có thể dễ dàng ghi nhớ thông tin trong 3 lượt. Vì vậy, cô hướng dẫn cha mẹ khi ở nhà cũng có thể áp dụng theo quy tắc này. Thay vì nói con cất đồ chơi đi, thì cha mẹ hướng dẫn trẻ theo 3 bước: Trước tiên, con hãy lấy giỏ đựng đồ chơi; Thứ hai, con nhặt những chiếc xe này bỏ vào giỏ; Cuối cùng, hãy đặt giỏ lên kệ. Một cách ngắn gọn, chính xác ở trong mỗi bước, trẻ sẽ có thể hình những gì bạn muốn bé làm và thực hiện nó hiệu quả hơn.
Đôi nét về tác giả:
Barbara Server-Veloso được biết đến với vai trò là giáo viên mầm non. Cô đã lấy bằng thạc sĩ của Đại học Philippines chuyên ngành Cuộc sống gia đình và Phát triển trẻ em. Cô đi dạy từ năm 1993 và là mẹ của 2 bé Lucas và Verena.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/3-sieu-nang-luc-de-nuoi-day-con-thong-minh-va-cu-xu-dep-bo-me-nao-cung-co-nhung-khong-phai-ai-cung-biet-20190826170715415.chn