Nguyên nhân khiến bạn luôn bị lạnh tay chân ngay cả khi thời tiết ấm áp
Bàn tay lạnh là cảm giác phổ biến xảy ra khi mọi người ở lâu ngoài thời tiết lạnh hoặc ngồi trong điều hòa. Thậm chí, lấy đồ ăn ra khỏi tủ lạnh hoặc tủ đông, hoặc nhúng tay vào nước lạnh cũng có thể khiến tay bị lạnh.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy tay chân luôn lạnh ngay cả khi thời tiết ấm áp, hoặc cần thời gian dài để làm ấm tay, đó có thể là vấn đề sức khỏe đáng lưu tâm.
Bỏng lạnh, tê cóng
Lạnh và tê cóng là những tổn thương ngoài da do tiếp xúc với lạnh. Bỏng lạnh, nhẹ hơn tê cóng, xảy ra khi tay bạn ấm dần. Điều này làm cho các mạch máu co lại, có nghĩa là lượng máu được đưa đến các mô trên tay sẽ ít hơn.
Tê cóng nghiêm trọng hơn và khiến các tinh thể băng hình thành trong da. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó ảnh hưởng mô sâu bên trong cơ thể và gây chết mô. Cả hai tình trạng này thường xảy ra khi bạn đang thực hiện các hoạt động ngoài trời (cắm trại, thể thao trên tuyết, săn bắn) trong thời tiết lạnh.
Bàn tay luôn lạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe có vấn đề. Ảnh: Healthline. |
Triệu chứng phổ biến của 2 tình trạng này bao gồm tay lạnh; thay đổi màu da (da đỏ, trắng xanh...); da cứng; cứng khớp hoặc cơ nghiêm trọng; ngứa ran và tê ở nhiều vùng khác như mũi, má, tai; phồng rộp (thường xảy ra khi da ấm trở lại).
Tình trạng bỏng lạnh và tê cóng nhẹ sẽ biến mất khi bạn trở lại không gian ấm áp. Ngâm tay vào nước ấm hoặc đắp khăn ấm có thể hữu ích. Bạn cũng có thể thoa nha đam lên da để giảm đau.
Hạ thân nhiệt
Hạ thân nhiệt là tình trạng nguy hiểm xảy ra khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C. Khi bạn bị hạ thân nhiệt, cơ thể hoạt động nhanh chóng để bảo vệ các cơ quan bên trong của nó. Vì vậy, các bộ phận khác của cơ thể như tay bắt đầu cảm thấy lạnh và tê. Nó thường xảy ra khi bạn tiếp xúc với thời tiết lạnh hoặc nước đá.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Tay lạnh, nhịp tim chậm lại, hoang mang, buồn ngủ, nói lắp, rùng mình. Bàn tay lạnh do hạ thân nhiệt nhẹ thường hết khi bạn làm ấm. Nhưng hạ thân nhiệt nghiêm trọng là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng cần phải đến phòng cấp cứu.
Thiếu máu do thiếu sắt
Theo Mayo Clinic, nếu chế độ ăn uống thiếu chất sắt, bạn có thể bị thiếu máu. Một trong những chức năng của sắt là tạo ra hemoglobin, protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu. Nhưng khi bị thiếu máu do thiếu sắt, bạn sẽ không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Điều này khiến cơ thể khó cung cấp oxy đi khắp cơ thể, đặc biệt là bàn tay và bàn chân. Điều đó có thể khiến tay, chân luôn lạnh.
Một số nguyên nhân gây ra thiếu máu do thiếu sắt bao gồm chảy máu (do các vấn đề như kinh nguyệt ra nhiều, loét dạ dày tá tràng…), lượng sắt thấp và cơ thể không có khả năng hấp thụ sắt.
Các triệu chứng phổ biến: Tay lạnh; cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu; hụt hơi; da nhợt nhạt hoặc xám; chóng mặt hoặc choáng váng; khó khăn khi tập thể dục; cảm giác đánh trống ngực; ngất xỉu.
Lo lắng
Lo lắng, căng thẳng quá mức có thể làm cho bàn tay lạnh và buốt đồng thời vì nó gây ra mồ hôi và co thắt mạch máu. Nếu bạn lo lắng đến mức tăng thông khí, nồng độ carbon dioxide trong máu có thể giảm nhanh chóng khiến tay và chân lạnh hoặc ngứa ran.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm bàn tay lạnh; lo lắng, bồn chồn hoặc căng thẳng; đánh trống ngực; tăng tiết mồ hôi; cảm thấy sợ hãi; run rẩy; tăng thông khí; khó ngủ; cáu gắt; buồn nôn; nhức đầu.
Nếu bàn tay lạnh là do lo lắng, nó thường ngắn và sẽ tự biến mất hoặc sau khi tình trạng lo lắng được cải thiện. Nếu bạn bắt đầu thở ra nhiều, nhanh, hãy thử thở vào túi giấy che miệng và mũi. Điều này giúp tăng lượng carbon dioxide trong cơ thể, giúp phục hồi cảm giác cho bàn tay và chân.
Lo lắng, căng thẳng quá mức có thể làm cho bàn tay lạnh và buốt đồng thời. Ảnh: Calmclinic. |
Hội chứng Raynaud
Theo Medical News Today, hội chứng Raynaud là tình trạng co thắt mạch tạm thời ở bàn tay. Nó có thể ảnh hưởng toàn bộ bàn tay hoặc chỉ một vài ngón tay, và cũng gây lạnh bàn chân. Mặc dù hội chứng Raynaud có thể tự xảy ra, nhưng đôi khi nó là do bệnh tự miễn dịch và mô liên kết như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và xơ cứng bì.
Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, bao gồm: Tay chân lạnh; ngứa ran, tê và đau ở bàn tay, chân; thay đổi màu da nhanh chóng (thường xen kẽ giữa đỏ, xanh và trắng). Các triệu chứng bệnh xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây lở loét da hoặc thậm chí biến dạng bàn tay.
Suy giáp
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp bị suy yếu, không sản xuất đủ hormone để duy trì hoạt động. Trong khi đó, hormone tuyến giáp tham gia vào nhiều quá trình của cơ thể, bao gồm cả trao đổi chất. Khi lượng hormone này thấp, quá trình trao đổi chất bị chậm lại. Điều này làm tăng độ nhạy của cơ thể với sự thay đổi nhiệt độ, vì vậy, tay chân có thể lạnh hơn bình thường.
Các triệu chứng suy giáp chính là tay lạnh; mệt mỏi; tăng cân; tâm trạng chán nản; khó tập trung; có vấn đề về bộ nhớ; những thay đổi với tóc và da (như rụng tóc nhiều, da khô hơn); táo bón.
Suy giáp có thể do một số điều kiện gây ra, chẳng hạn bệnh tự miễn dịch, khiến cơ thể tấn công nhầm vào tuyến giáp, người phải phẫu thuật hoặc bức xạ ở tuyến giáp, một số loại thuốc, mang thai hoặc thiếu i-ốt - khoáng chất quan trọng để sản xuất hormone tuyến giáp.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/nguyen-nhan-khien-ban-luon-bi-lanh-tay-chan-post1296286.html